Con bị “ăn đòn” sau mỗi giờ học trực tuyến: Cha mẹ nên bớt kỳ vọng?

MINH AN| 28/10/2021 12:40

Dịch bệnh phức tạp trẻ không thể đến trường chuyển sang hình thức học trực tuyến, điều này cũng khiến không ít phụ huynh phải đối mặt với sự căng thẳng trong việc dạy con.

Lâu nay, chị Nguyễn Thị Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) rất ít khi quát mắng con và đánh con là điều chị không bao giờ làm mà luôn tìm cách giảng giải cho con hiểu cặn kẽ vấn đề. Thế nhưng khi con bước vào lớp 1, thì chị thực sự thiếu kiềm chế cảm xúc mỗi khi dạy con.

"Tối nào tôi cũng gác hết mọi việc lại để ngồi kèm con học online nhưng nhiều lúc mình cũng thiếu kiềm chế với con. Thực sự không thể bắt đứa trẻ ngồi nhìn vào máy tính nghe một giọng nói phát ra suốt hơn 2 giờ đồng hồ.

Có buổi học con được cô giáo gọi 2 lần nhưng có buổi chỉ gọi đọc đúng 1 chữ, thậm chí có hôm giơ tay cả buổi không được gọi lần nào. Khi đó con lại buồn chán làm việc riêng, có khi bỏ ra phòng khách ngồi. Mẹ thì ra rả quát: "Con tập trung học đi", "Con ngồi ngay ngắn vào".

Áp lực hơn là giáo viên thường xuyên nhắc nhở "Chị cho con đọc nhiều hơn vì con đọc chậm lắm", "Lúc con viết mẹ không ở cạnh kèm hay sao mà sai hết cả"...

Thế nên, 2 tháng qua lúc nào tôi cũng phải kè kè bên cạnh con kể cả lúc học online và làm bài tập. Có lúc không kiềm chế được tôi đã lôi con ra ngoài và cho nó ăn mấy roi cho bớt tức giận", chị Huyền cho hay.

tre-lop-1.jpeg

Không chỉ chị Huyền, trên các diễn đàn hội cha mẹ có con học lớp 1 cũng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự.

Nhiều phụ huynh tha rằng dạy con hết mức rồi mà con vẫn không hiểu phép tính mà muốn “phát điên” luôn. Quát mắng, thậm chí không kiềm chế được bán thân đánh cả con vì cảm thấy bất lực.

Chuyên gia nói gì?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì phụ huynh nên giảm bớt một chút kỳ vọng khi đồng hành cùng con trực tuyến nhất là phụ huynh có con học lớp 1.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam đối với mỗi lứa tuổi đều có những đặc điểm riêng biệt về tâm sinh lý. Học sinh lớp 1 là lứa tuổi thích khám phá những điều mới mẻ nên dễ bị mất tập trung bởi bất kỳ một kích thích nào xung quanh.

Ở độ tuổi này, các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng một lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay. Vì thế rất dễ bỏ lỡ bài học nếu phân tâm hoặc bị lúng túng bởi công nghệ.

Đây cũng là độ tuổi dễ lo lắng và tổn thương, đặc biệt là lo lắng khi bị tách khỏi người lớn, người chăm sóc. Học sinh dễ cảm thấy bất an khi không có sự chú ý từ thầy cô hoặc cha mẹ. Trong trạng thái bất an các em không thể tiếp thu được kiến thức trọn vẹn.

“Mỗi học sinh sẽ có những thế mạnh và điểm yếu riêng, có trẻ sẽ gặp khó khăn hơn khi học qua kênh nghe hoặc qua kênh nhìn, có em tăng động giảm chú ý, có em đang chịu tổn thương về sức khỏe tinh thần.

Chính vì thế giáo viên và cha mẹ cần trao đổi, hỗ trợ nhau để đánh giá đúng và sớm có cách thức can thiệp. Nếu không các em sẽ bị bỏ lại phía sau và không thể theo được khi học trực tuyến”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Lớp học trực tuyến cô giáo không thể đến từng bàn học để kiểm tra và hỗ trợ từng học sinh. Vì vậy, Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho rằng, cha mẹ cần xác định được vai trò mình là một giáo viên, huấn luyện viên hiện trường để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời để con có thể thành công trong các nhiệm vụ học tập.

Cha mẹ cũng cần có thái độ cam kết đồng hành giúp trẻ sẵn sàng về thể chất, giúp con sẵn sàng về mặt nhận thức, về khả năng tập trung và sẵn sàng về mặt xã hội như tự tin tham gia hoạt động, tuân thủ quy tắc, tôn trọng quyền của người lớn.

Cha mẹ phải có những biện pháp hỗ trợ cảm xúc của trẻ, giảm âu lo, xen kẽ các hoạt động học tập và thể chất… Như vậy giờ học trực tuyến mới đạt được hiệu quả cao.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Con bị “ăn đòn” sau mỗi giờ học trực tuyến: Cha mẹ nên bớt kỳ vọng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO