Theo Bloomberg, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và tương lai của các công ty công nghệ trong năm 2023 đến nay vẫn là một dấu hỏi. Và trên hết, không có bất cứ ngân hàng trung ương nào sẵn sàng ra tay giải cứu nếu bức tranh của thị trường chứng khoán xấu đi.
Với 18.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi vốn hóa thị trường trong năm nay, chứng khoán toàn cầu vẫn còn phải đối mặt với nhiều rào cản nếu không muốn lặp lại kịch bản tồi tệ.
Với mức giảm hơn 20% kể từ ngày 1/1, MSCI All-Country World Index sắp có năm tồi tệ nhất trong 14 năm.
Các nhà đầu tư có thể an ủi rằng rất hiếm khi những thị trường chứng khoán lớn suy yếu trong 2 năm liên tiếp. Lần cuối chỉ số S&P 500 giảm liền 2 năm là năm 1928.
Nhưng một khi kịch bản này xảy ra, mức giảm trong năm thứ 2 thường lớn hơn năm đầu.
MSCI All-Country World Index sắp có năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Ảnh: Reuters. |
Các động thái chính sách
Những động thái tiếp theo của các ngân hàng trung ương sẽ tác động lớn tới thị trường chứng khoán. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3 năm sau, rồi chuyển sang cắt giảm lãi suất vào cuối năm.
Một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy 71% nhà đầu tư toàn cầu tin rằng chứng khoán sẽ đi lên vào năm 2023.
Nhưng rủi ro là lạm phát vẫn ở mức quá cao. Và các nhà hoạch định chính sách buộc phải tiếp tục thắt chặt chính sách.
Các nhà hoạch định chính sách, nhất là ở Mỹ và châu Âu, đã chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế yếu hơn trong năm sau
Ông Christian Nolting - Giám đốc đầu tư toàn cầu của Deutsche Bank Private Bank
Một mô hình của Bloomberg cho thấy các nhà kinh tế tin rằng một cuộc suy thoái kinh tế chắc chắn sẽ xảy ra từ tháng 8. Nhưng ngay cả khi dự đoán này đúng, những ngân hàng trung ương trên toàn cầu chưa chắc đã nhanh chóng nới lỏng chính sách.
"Các nhà hoạch định chính sách, nhất là ở Mỹ và châu Âu, đã chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế yếu hơn trong năm sau", ông Christian Nolting - Giám đốc đầu tư toàn cầu của Deutsche Bank Private Bank - nhận định.
"Các đợt suy thoái có thể sẽ ngắn, nhưng vẫn gây ra những vết thương kinh tế", ông cảnh báo.
Lĩnh vực công nghệ và lợi nhuận doanh nghiệp
Câu hỏi tiếp theo là vốn hóa của các công ty công nghệ lớn sẽ ra sao vào năm sau. Chỉ số Nasdaq 100 đã lao dốc 35% trong năm nay.
Các công ty như Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook - và hãng xe điện Tesla đã mất 2/3 giá trị vốn hóa thị trường. Giá cổ phiếu của Amazon.com và Netflix cũng giảm quanh mức 50%.
Khi lãi suất tăng cao, các cổ phiếu công nghệ - vốn được định giá cao - sẽ chịu tác động lớn hơn. Hơn nữa, rủi ro về một cuộc suy thoái kinh tế có thể giáng đòn vào nhu cầu iPhone, và kéo tụt doanh thu quảng cáo trực tuyến của Meta và Alphabet.
"Một số tên tuổi công ty nghệ lớn sẽ phục hồi. Bởi họ làm rất tốt trong việc thu hút khách hàng, chẳng hạn Amazon", ông Kim Forrest - Giám đốc đầu tư của Bokeh Capital Partners - nói với Bloomberg.
Nhưng theo ông, một số công ty công nghệ sẽ không bao giờ trở lại thời kỳ đỉnh cao.
Một yếu tố khác tác động tới Phố Wall là sự suy giảm trong lợi nhuận doanh nghiệp. Áp lực đang đè nặng lên tỷ suất lợi nhuận và nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Mike Wilson tại Morgan Stanley cho rằng các ước tính về lợi nhuận doanh nghiệp đang quá cao. "Đợt sụt giảm lợi nhuận doanh nghiệp sắp tới có thể sánh ngang với hồi năm 2008, nhưng thị trường vẫn chưa tính tới điều đó", ông cảnh báo.
Sự bùng nổ của thị trường quyền chọn
Các nhà giao dịch chuyên nghiệp và tổ chức thiên về sử dụng thuật toán đang đổ xô vào thị trường quyền chọn ngắn hạn. Điều này có thể khiến thị trường biến động mạnh hơn, chẳng hạn phiên biến động dữ dội sau khi Mỹ công bố mức lạm phát cao trong tháng 10.
Nếu S&P 500 không thể thoát khỏi đà suy yếu trong năm sau, các giao dịch đầu cơ ngắn hạn vẫn sẽ nghiêng về xu hướng giảm.
Nhưng theo Bloomberg, nếu thị trường quay đầu tăng, các giao dịch này sẽ tiếp nhiệt cho đà phục hồi.