Phó Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Colombia Marta Lucia Ramirez khai mạc Diễn đàn Quốc tế Các quốc gia tiếp giáp với hai bờ đại dương. |
Diễn đàn diễn ra tại Cartagena- Colombia hồi tuần trước được tổ chức với mục đích kêu gọi khẩn cấp về hành động chung trên toàn cầu nhằm bảo tồn các đại dương một cách toàn diện và bền vững.
Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Ramirez nhấn mạnh, đây là "cam kết mà tất cả chúng ta đều phải thực hiện với tư cách là một phần của nhân loại. Đối với các thế hệ hiện tại và tương lai, cam kết này chỉ có thể phát huy hiệu quả một khi trở thành cam kết của tập thể”.
Phó Tổng thống Colombia cũng cho biết kế hoạch mà nước này đã thực hiện để biến Colombia thành một đất nước phát triển bền vững ở hai bờ đại dương. Trong số các kế hoạch được đề xuất, hành động đầu tiên là phát triển ngành cảng và vận tải biển; công nghiệp đóng tàu; ngành công nghiệp đánh bắt cá; các ngành công nghiệp ngoài khơi, không chỉ để thăm dò và khai thác nhiên liệu hóa thạch, mà còn để sản xuất năng lượng sạch như năng lượng gió hoặc thủy triều ngoài khơi...
Theo Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann, diễn đàn đã cho đại biểu các quốc gia cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, cũng như thể hiện vai trò lãnh đạo của Colombia trong nỗ lực phát triển bền vững. Điều này giúp xây dựng một lộ trình cho phép phát triển dựa trên tiềm năng của các đại dương và thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự tới năm 2030.
Tổng thư ký OECD cho rằng, điều quan trọng là tất cả các chính phủ phải ứng phó với những thách thức mà nhân loại phải đối mặt, đặc biệt chú trọng đến xử lý chất thải.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải hỗ trợ cho các chính phủ những điều kiện cần thiết để có thể đáp ứng các nhu cầu hiện tại. Phải đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa đổ ra đại dương. Các nỗ lực chính trị phải được thực hiện để quản lý sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.