Bệnh nhân chưa có tiền sử mổ lấy thai, được chuyển đến một cơ sở y tế ở huyện vì đau bụng dữ dội vùng bụng dưới, có thai ở tuần thứ 19 nhưng không khám thai định kỳ.
Khi tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, bệnh nhân được chẩn đoán sốc chưa rõ nguyên nhân. Tại khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân khó thở liên tục, mạch nhanh nhỏ khó bắt, bụng chướng vừa, ấn đau khắp bụng.
Trong quá trình mổ, bụng bệnh nhân tràn ngập máu với 2.200ml máu tự do và 800ml máu cục. Đặc biệt, bác sĩ quan sát thấy bệnh nhân có tử cung đôi. Trong đó, ngoài tử cung bên phải còn nguyên vẹn, ở tử cung bên trái có thai đã ngừng phát triển còn nguyên trong bọc ối chui ra khỏi chỗ vỡ vị trí mặt sau tử cung.
Các bác sĩ đã cắt tử cung bên trái bị vỡ, bảo tồn tử cung bên phải, đồng thời hồi sức, truyền máu truyền dịch bù lượng dịch máu đã mất. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt.
BS Nguyễn Thị Hồng, khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, cho hay theo y văn, nguyên nhân chủ yếu gây vỡ tử cung là do vết mổ cũ trên tử cung bị nứt ra.
Nứt vết mổ cũ có thể xảy ra từ rất sớm hay lúc gần chuyển dạ, có thể xảy ra ở người đã mổ lấy thai ở thân tử cung; Mổ lấy thai từ hai lần trở lên (sẹo mổ ngang đoạn dưới tử cung trước đó, số lần mổ càng nhiều càng làm tăng nguy cơ vỡ tử cung)...
Để phòng vỡ tử cung, các bác sĩ khuyên chị em cần lưu ý khám sức khỏe trước khi có kế hoạch mang thai để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây vỡ tử cung như: khung chậu hẹp, khung chậu méo, dị dạng sinh dục (tử cung đôi, tử cung 2 sừng…).
Thai phụ cũng cần khám thai đúng lịch trong thai kỳ để bác sĩ phát hiện sớm các nguy cơ. Với các thai kỳ có nguy cơ cao như có vết mổ ở tử cung, bất tương xứng thai khung chậu…, cần khám thai ở các cơ sở y tế và tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
"Đối với phụ nữ có vết mổ trên cơ tử cung nên dùng biện pháp tránh thai an toàn ít nhất 24 tháng mới có thai lại" - bác sĩ Hồng khuyên.