Cố tình chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tài sản

26/08/2020 20:04

Bỗng dưng tài khoản nhận được số tiền chuyển nhầm, tâm lý của nhiều người là sẽ chuyển trả lại. Nhưng gần đây một số đối tượng lợi dụng việc này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Ép” vay, chiếm đoạt tài sản

Vài ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện chủ doanh nghiệp kinh doanh ô tô tên H. bỗng dưng nhận được 36 triệu đồng trong tài khoản với nội dung cho vay trong thời hạn 45 ngày. Sau đó, một phụ nữ gọi cho bà H. nói rằng mình chính là người chuyển nhầm và yêu cầu bà chuyển trả lại tiền. Vốn có nghiệp vụ về tài chính, bà H. phỏng đoán đây có thể là chiêu “cố ý chuyển tiền nhầm” để ép người khác vay. Sau đó, bà H. ra ngân hàng sao kê tài khoản thì biết được người chuyển tên Lê Thanh Văn. Bà H. khẳng định mình không có ý định sở hữu số tiền này nhưng người chuyển phải chứng minh được đó là sơ ý chuyển nhầm hay việc chuyển nhầm có ý đồ khác vì tên người chuyển và người liên hệ xin lại tiền không khớp.

Cố tình chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tài sản
Vì thiếu kiến thức, chị B. đã đưa thông tin ví điện tử Momo của mình cho đối tượng D. và bị D. chuyển sang ví điện tử của một người khác

Luật sư Nguyễn Hà Phong, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, thực tế đã xảy ra vụ lừa đảo bằng cách “cố ý chuyển tiền nhầm” vào tài khoản, sau đó đánh cắp thông tin của nạn nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Chị Nguyễn Thị M., kinh doanh khô đặc sản qua mạng kể, cách đây không lâu, tài khoản của chị nhận được 890.000 đồng. Sau đó, một người xưng là nhân viên ngân hàng V. gọi điện thoại cho chị thông báo có người chuyển nhầm vào tài khoản và hướng dẫn thủ tục hoàn trả.

Người “chuyển nhầm” cũng từng là người đã mua hàng chỗ chị M., nếu không hoàn trả thì chị M. bị quy kết cố tình chiếm đoạt tài sản. Chị cũng cẩn thận kiểm tra thì đúng là người “chuyển nhầm” đã từng mua hàng của mình nên nhiệt tình phối hợp chuyển trả.

Người đó gửi cho chị M. đường link, yêu cầu điền thông tin cá nhân để làm thủ tục ủy nhiệm chi lên hệ thống ngân hàng, sau đó chuyển tiền trả lại cho chủ tài khoản. Khi chị M. truy cập vào đường link thì ra thao tác với ngân hàng V. nên chị không để ý và trong quá trình thao tác đều có nhập các mã yêu cầu gửi về qua số điện thoại. Sau khi thực hiện hết các thao tác thì toàn bộ số tiền 11,7 triệu đồng còn lại trong tài khoản của chị M. bị chuyển vào tài khoản của một người khác. Liên hệ với ngân hàng để chặn giao dịch này, chị M. nhận thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút.

“Họ từng mua hàng, từng trao đổi qua tin nhắn nên biết tôi có nhiều giao dịch và rất nhiệt tình với khách hàng cũ nên đã chủ đích lừa”, chị M. cho biết.

Một trường hợp hy hữu khi số tiền “chuyển khoản nhầm” lại chính là khoản vay vừa mới được giải ngân và sau đó bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt. Một cán bộ thuộc Công an TPHCM thông tin, cách đây không lâu, nạn nhân tên H.Kăt E.B. (ngụ TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã gửi đơn trình báo về việc bị “ép” vay rồi bị lừa chiếm tài sản.

Chị B. cho biết, trước đó có vay trả góp tại một công ty tài chính 10 triệu đồng. Sau khi thanh toán khoản vay được hai tháng thì có một người tên L.D.D. gọi điện thoại thông báo công ty không nhận được số tiền B. đã đóng, yêu cầu chị cung cấp số tài khoản, ảnh chụp hộ khẩu và chứng minh nhân dân cho D. Sau đó không lâu, chị B. bỗng nhận tin nhắn giải ngân khoản vay với số tiền là 31,2 triệu đồng.

Đến 11g cùng ngày, D. gọi điện thoại cho chị B. nói rằng công ty tài chính “giải ngân nhầm” và cần phải thu hồi số tiền này về. Chị B. cho biết mình cũng không có nhu cầu vay nên gọi D. để trả lại tiền. Sau đó D. hướng dẫn chị B. tải ứng dụng ví điện tử (VĐT) Momo để chuyển tiền vào đó. Vì quá tin tưởng và không hiểu gì về VĐT này, chị B. đã cung cấp hết thông tin VĐT cho D. và bị D. chuyển sạch số tiền này cho hai người khác, rồi chặn hết tất cả liên lạc. Về mặt pháp lý, chị B. gặp bất lợi là khó chứng minh được D. đã lừa chị. Bởi khoản vay đã chuyển vào tài khoản của chị, nhưng chị đã tự chuyển sang VĐT rồi chuyển sang cho hai người khác chứ không chuyển cho D.

Cố tình chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tài sản
Chị T. bỗng dưng nhận được tiền và có nhiều người nước ngoài nhắn tin đòi tiền với lời lẽ đe dọa

Các vụ việc lừa đảo tương tự như trường hợp chị B. xảy ra rất nhiều, không chỉ tại các công ty tài chính, các ứng dụng vay tiền mà còn tại các ngân hàng lớn. Một phần là do sự thiếu hiểu biết của nhiều người về bảo mật an toàn thông tin, một phần còn do sự quản lý lỏng lẻo để các ứng dụng vay tiền không phép hoạt động tràn lan. Hơn hết, còn do sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận nhân viên tín dụng.

Dịch bùng phát, lừa đảo tài chính nở rộ

Gần đây, cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo về các hình thức lừa đảo tinh vi, phức tạp trong lĩnh vực tài chính khiến các nạn nhân dù đề phòng vẫn sập bẫy. Dường như số vụ lừa đảo này tỷ lệ thuận với tác động tiêu cực từ diễn biến dịch COVID-19 đến nền kinh tế. Theo Bộ Công an, lợi dụng giãn cách xã hội và tăng cường giao dịch trực tuyến, tội phạm mạng đã bùng phát với đủ hình thức lừa đảo. Thậm chí giả mạo e-mail công an, ngân hàng gửi tin nhắn đính kèm vi-rút, mã độc để chiếm đoạt tài sản.

Trong các vụ việc chuyển khoản nhầm mà khách hàng cung cấp cho chúng tôi, không ít vụ đối tượng nhắn tin đòi tiền là người nước ngoài. Phải chăng đó là đường dây lừa đảo có yếu tố nước ngoài? Chẳng hạn trường hợp của chị Đoàn Thị T.T. (ngụ Q.10, TP.HCM) bỗng dưng nhận được 60 triệu đồng vào tài khoản. Sau đó, có người chuyển thêm 30.000 đồng cho chị T. kèm với số điện thoại liên lạc của người chuyển nhầm. Sau khi liên lạc với người này, chị T. nghi ngờ vì nội dung câu chữ trong tin nhắn rất lộn xộn nên còn e dè chưa chuyển trả. Sau đó, chị T. liên tiếp nhận được những tin nhắn đe dọa sẽ đưa chị T. lên đài truyền hình, thậm chí là kiện ra tòa.

Tiếp đến, có một phụ nữ tên B. nhắn tin tự xưng là chủ tài khoản đã chuyển nhầm, yêu cầu chị T. chuyển trả. Người này giải thích rằng những tin nhắn trước là của chồng người Trung Quốc nên cú pháp không rõ ràng. Lúc này, chị T. càng nghi ngờ hơn nên báo ngân hàng để giải quyết. “Tôi đã làm giấy ủy nhiệm chi để hoàn lại giao dịch theo thông tin tài khoản tôi nhận được. Nhưng trên giấy này hiện vẫn chưa có tên, địa chỉ người thụ hưởng”, chị T. nói.

Theo luật sư Nguyễn Hà Phong, trong câu chuyện của chị T., cũng có thể là chuyển nhầm thật sự, nhưng cũng có thể các đối tượng cấu kết với nhau để “cố ý chuyển nhầm” rồi dựng thành kịch bản để lừa chị T. chuyển sang một tài khoản khác. Nếu chị T. tự ý tác động lên số tiền này và chuyển sang một tài khoản khác không phải là chủ tài khoản thật sự thì chị T. vô tình bị quy tội cố ý chiếm đoạt tài sản. Một khi chủ tài khoản thật sự tìm đến, chị T. sẽ một lần nữa phải trả số tiền này. Cũng có thể là trường hợp đối tượng lừa đảo khi chiếm đoạt được số tiền của nạn nhân sẽ rút tiền về tài khoản nhưng vô tình chuyển khoản nhầm sang một ai đó, trường hợp này hiếm nhưng cũng có.

Mới đây, MBBank phát đi thông báo hiện có tình trạng giả mạo cán bộ, nhân viên MBBank để lấy cắp thông tin cá nhân như số thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… sử dụng cho mục đích lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn mới nhất là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng, sau đó yêu cầu nộp tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên rồi chiếm đoạt tiền.

Luật sư Nguyễn Hà Phong khuyên: “Khi tài khoản vô tình nhận được tiền chuyển nhầm, người bị chuyển nhầm không nên vội vàng chuyển trả nếu vẫn chưa xác định được đó có phải là chủ tài khoản thật sự hay không. Tốt nhất nên liên hệ với ngân hàng và chuyển trả thông qua ngân hàng, có xác nhận, lưu trữ để tránh những phát sinh không đáng có về sau”.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cố tình chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO