Có thể rút ngắn thời gian cách ly F0 tuỳ theo sức khoẻ người mắc COVID-19?

Phạm Đông| 09/05/2022 08:50

Nhiều ý kiến cho rằng, người nhiễm COVID-19 (F0) phải cách ly 7 ngày đang là rào cản trong quá trình khôi phục kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Do đó, có thể rút ngắn thời gian cách ly F0 xuống còn 3 ngày hoặc 5 ngày tùy theo sức khỏe của người mắc COVID-19.

Có thể rút ngắn thời gian cách ly F0 tuỳ theo sức khoẻ người mắc COVID-19?
Người lao động vệ sinh tay nắm cửa phòng trọ để phòng chống COVID-19. Ảnh: Lê Vân

Tái nhiễm COVID-19, người lao động vẫn phải nghỉ 7 ngày

Hơn một tháng sau khi khỏi COVID-19, chị Phan Minh Nhân (26 tuổi, Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) ho nhẹ kèm đau rát họng, xét nghiệm kết quả dương tính SARS-CoV-2. "Tôi thực sự không hiểu sao có thể mắc COVID-19 đến hai lần trong vòng hơn một tháng", chị nói.

Như vậy, chị Nhân lại tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Trước đó, hồi tháng 3 chị nhiều lần phải nghỉ việc do liên tục trở thành F1, F0. Công việc bị gián đoạn, thu nhập giảm không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà cũng khiến công ty phải sắp xếp lại lực lượng lao động tại các bộ phận cho hợp lý để bù trừ, hỗ trợ nhau.

Theo chị Nhân, hầu hết mọi người trong công ty chị đều đã là F0 từ đợt sau Tết Nguyên đán. Hiện tại những người có mắc COVID-19 chỉ là tái nhiễm, triệu chứng nhẹ, đảm bảo sức khỏe lao động, sản xuất kinh doanh bình thường.

Anh Vi Văn Bình (công nhân khu công nghiệp Thăng Long, thuê trọ tại khu nhà ở công nhân Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng gặp tình trạng tương tự. Anh mắc COVID-19 vào tháng 3 đã khỏi, sau dịp nghỉ lễ 30.4 vừa qua rát họng, chảy nước mũi, test nhanh kết quả dương tính.

"Lần này các triệu chứng nhẹ hơn trước, tôi không bị mất mùi vị và sốt", anh nói và cho biết thêm một vài người bạn của anh cũng tái nhiễm kể từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Dù không muốn nhưng theo quy định của ngành y tế, anh Bình vẫn tiếp tục phải cách ly tại nhà 7 ngày để điều trị, cần đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.

Anh Bình cho biết, để duy trì hoạt động sản xuất, đối với những người khỏe mạnh, công ty vẫn tập trung công tác tuyên truyền, động viên để họ có tinh thần cố gắng hơn, bù lại một phần cho những trường hợp lao động nghỉ làm. Thứ hai, công ty cũng sử dụng đến phương án làm thêm giờ nhằm phục hồi sản xuất, mặt khác cũng giúp người lao động có việc làm, thêm thu nhập.

Có thể rút ngắn thời gian cách ly?

Theo quy định của Bộ Y tế, hiện F0 phải cách ly tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy bệnh lý, điều trị đủ 7 ngày, được dỡ bỏ cách ly khi test nhanh âm tính. Nếu xét nghiệm còn dương tính, F0 đã tiêm vaccine COVID-19 phải cách ly thêm 3 ngày, còn F0 chưa tiêm vaccine phải cách ly thêm 7 ngày.

Trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát và đẩy lùi, mở đường cho quá trình phục hồi kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Những giải pháp hỗ trợ đang được tiếp tục thực hiện để đẩy nhanh quá trình này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, người mắc COVID-19 phải cách ly kéo dài đang là rào cản trong quá trình khôi phục kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, nhiều địa phương như Long An, Cà Mau đã cho F0 được tham gia sản xuất, kinh doanh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, ở một số nước trên thế giới, việc cách ly F0 cũng được rút ngắn tối đa, chỉ còn từ 3-5 ngày. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, nước ta có thể rút ngắn thời gian cách ly người mắc COVID-19, điều này giúp các công ty, xí nghiệp khôi phục sản xuất nhanh hơn vì năm 2022 đã trôi qua gần một nửa.

Về mặt dịch tễ, ông Khanh phân tích, với biến thể Omicron, người mắc bệnh hay tái mắc thường có triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Người bệnh chỉ có thể cảm thấy mệt mỏi trong thời gian từ 1-3 ngày chứ không kéo dài quá lâu. Do vậy, khi hết chu kỳ từ 3-5 ngày này, họ hoàn toàn có thể đi làm, miễn là tuân thủ việc đeo khẩu trang trong 5 ngày tiếp theo. Sau thời gian khởi bệnh 10 ngày, người đó sẽ không còn khả năng lây nhiễm cho người xung quanh.

Từ đó, ông Khanh cho rằng có thể sửa đổi quy định về thời gian cách ly giúp khôi phục kinh tế.

PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thực tế, các F0 không có triệu chứng điều trị tại nhà đến ngày thứ ba, thứ tư đã cho kết quả âm tính, muộn nhất là ngày thứ bảy. Khi đó bệnh nhân gần như đã khỏi bệnh, nếu bắt họ ở nhà sẽ bất tiện.

Vì vậy, với người mắc COVID-19 đã tiêm 2 hoặc 3 mũi vaccine ngừa COVID-19, tải lượng virus SARS-CoV-2 thấp có thể giảm thời gian cách ly xuống.

Tính đến 17h ngày 8.5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.269 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 2.268 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.077 ca so với ngày trước đó). Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.320.591 ca.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/co-the-rut-ngan-thoi-gian-cach-ly-f0-tuy-theo-suc-khoe-nguoi-mac-covid-19-1042038.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/co-the-rut-ngan-thoi-gian-cach-ly-f0-tuy-theo-suc-khoe-nguoi-mac-covid-19-1042038.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có thể rút ngắn thời gian cách ly F0 tuỳ theo sức khoẻ người mắc COVID-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO