Những ngày này, nhu cầu đăng kiểm ô tô của người dân, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM bắt đầu tăng lên. Nhiều chủ phương tiện chọn cách đăng ký qua app.
Tuy nhiên, khi mang phương tiện đi đăng kiểm theo lịch hẹn trên app, nhiều chủ phương tiện tại Hà Nội bất ngờ khi bị từ chối. Họ phải xếp hàng, lấy số trực tiếp nếu muốn tiếp tục đăng kiểm.
Một chủ phương tiện bức xúc cho rằng đây là điển hình của việc “trên bảo dưới không nghe”. Bởi vì trước đó, để tiết kiệm thời gian cho người dân và các trung tâm chủ động sắp xếp tránh ùn tắc, Cục Đăng kiểm Việt Nam luôn tuyên truyền, khuyến khích người dân đặt lịch qua app.
Thế nhưng các trung tâm lại từ chối với lý do là hệ thống dùng chung nên dù không nhận xe qua app họ vẫn không thể gỡ khỏi hệ thống đặt lịch.
Xác nhận điều này với VietNamNet, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, những ngày qua đã nhận được nhiều phản ánh của chủ xe về việc đặt lịch hẹn đăng kiểm thành công trên app, nhưng khi đến nơi lại bị trung tâm đăng kiểm từ chối, chỉ chấp nhận phục vụ xe đang xếp hàng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trên cả nước phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện trên địa bàn khi có yêu cầu; công bố duy trì số điện thoại đường dây nóng và số điện thoại của lãnh đạo đơn vị đăng kiểm để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức thực hiện việc đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định (thông qua ứng dụng phần mềm TTDK, trang thông tin điện tử https://ttdk.com.vn/ hoặc cấp phát số trực tiếp).
"Nghiêm cấm trung tâm đăng kiểm từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện đã đặt lịch thành công qua hệ thống trực tuyến. Cục sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát, đối chiếu trên hệ thống phần mềm và xem xét xử lý đối với đơn vị đăng kiểm không chấp hành theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 139/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 30/2023/NĐ-CP)”, ông An nhấn mạnh.
Theo quy định, đơn vị đăng kiểm sẽ bị tạm đình chỉ 3 tháng nếu: Đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ GTVT ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định của pháp luật.
Tăng ca, làm thêm giờ nếu ùn tắc dịp nghỉ lễ 30/4
Ông Nguyễn Tô An cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị đăng kiểm liên hệ thông qua đường dây nóng của các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam để kịp thời hỗ trợ. Cục đề nghị các đơn vị đăng kiểm bố trí làm tăng ca, làm thêm giờ trước, sau và cả trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nếu xảy ra tình trạng ùn tắc.
Ngoài ra, đề nghị các trung tâm đăng kiểm tăng cường thông báo, tuyên truyền tới các hiệp hội vận tải, logistics và chủ phương tiện thực hiện một số giải pháp để kiểm định đạt yêu cầu và tiết kiệm thời gian như: Chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi kiểm định. Việc làm này nhằm tránh phương tiện phải khắc phục, sửa chữa nhiều lần gây mất thời gian của chủ phương tiện, gây ùn tắc, tạo thêm áp lực cho đơn vị đăng kiểm.
Cả nước hiện có 294 trung tâm đăng kiểm và các chi nhánh với 546 dây chuyền kiểm định. Trong đó, có 279 trung tâm đang hoạt động với 455 dây chuyền kiểm định.
Hà Nội có 28 trung tâm đăng kiểm với 53/59 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, có thể đáp ứng kiểm định cho khoảng 67.680 xe mỗi tháng.
Theo dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tại Hà Nội, các tháng 4,5,6,7 sẽ là cao điểm khi nhu cầu đăng kiểm vượt quá năng lực phục vụ của các trạm.
Cụ thể, trong tháng 4, số lượt xe dự kiến đến kiểm định lên đến gần 77.400 xe, tháng 5 là hơn 90.700 xe và tháng 6 là gần 87.000 xe. Tuy nhiên, các trung tâm chỉ có thể đáp ứng khoảng 74 - 87% nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Tương tự, tại TP.HCM, các tháng 4, 5 và 6 cũng ghi nhận mức nhu cầu cao hơn công suất đáp ứng. Nguy cơ ùn tắc đang dần hiện hữu tại các thành phố lớn.