Cơ sở điều tra tội 'Loạn luân' trong vụ Tịnh thất Bồng Lai

06/01/2022 10:03

CQĐT sẽ làm rõ tuổi của người có cùng dòng máu trực hệ quan hệ tình dục với nhau như thế nào? Việc quan hệ tình dục có tự nguyện hay không?, để xác định tình tiết loạn luân là định tội danh hay chỉ là tình tiết định khung.

Liên quan đến “Tịnh thất Bồng Lai” hay tên khác là “Thiền am bên bờ vũ trụ” tại ấp Lập Thành (xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An), Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án để điều tra các tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Loạn luân”.

Trong đó, vai trò quan trọng là ông Lê Tùng Vân (SN 1932, quê An Giang, ngụ quận 6, TP.HCM), người tự xưng là Thầy ông nội, Đại đức Thích Tâm Đức, người đứng đầu “Tịnh thất Bồng Lai” từ năm 2014 đến nay.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, có nghi vấn về việc những đứa trẻ có cùng huyết thống với ông Lê Tùng Vân nên việc CQĐT vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối với những người vi phạm là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật.

tinh-that-bong-lai-va-nhung-dieu-ong-le-tung-van-phai-doi-mat.jpeg
Ông Lê Tùng Vân tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại Tịnh thất Bồng Lai

Tiến sĩ Đặng Văn Cường đưa ra phân tích cho rằng, tội Loạn luân được BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Như vậy, yếu tố "cùng dòng máu về trực hệ" là một trong những căn cứ để xác định tội danh về tội Loạn luân.

Trong trường hợp những người trong nhóm của ông Lê Tùng Vân biết rõ có mối quan hệ huyết thống về cùng dòng máu về trực hệ hoặc là anh chị em ruột của nhau, nhưng vẫn có hành vi quan hệ tình dục với nhau thì đây là hành vi loạn luân.

Trường hợp những người thực hiện hành vi quan hệ tình dục đã từ đủ 16 tuổi thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể lên đến 5 năm tù, theo điều 184 BLHS năm 2015.

Theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định tại của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có hướng dẫn thế nào là "loạn luân".

Theo đó, hướng dẫn áp dụng tình tiết định khung hình phạt “có tính chất loạn luân” thuộc một trong các trường hợp sau: Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột; Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi; Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

Theo luật sư, quá trình điều tra, CQĐT cũng sẽ làm rõ độ tuổi của những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc anh chị em ruột quan hệ tình dục với nhau như thế nào? Việc quan hệ tình dục có tự nguyện hay không?, để từ đó xác định tình tiết loạn luân là định tội danh hay chỉ là tình tiết định khung hình phạt.

Trường hợp hành vi loạn luân diễn ra trái ý muốn, hình phạt có thể từ 7- 15 năm tù, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 144 BLHS năm 2015 về tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện với người dưới 13 tuổi hoặc dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được để hiếp dâm người cùng dòng máu về trực hệ thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Hiếp dâm với tình tiết định khung là có tính chất loạn luân, hình phạt sẽ rất nghiêm khắc, có thể đến 20 năm tù.

Nhà hảo tâm được xác định là bị hại


Tiến sĩ Đặng Văn Cường cũng cho rằng, hành vi giả mạo cơ sở tôn giáo để nhận tiền từ thiện là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

CQĐT sẽ làm rõ những thông tin gian dối trong việc giả mạo cơ sở tôn giáo của “Tịnh thất Bồng Lai” được thực hiện như thế nào và số tiền đã nhận ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân là bao nhiêu để làm cơ sở xác định tội danh và mức hình phạt.

Ngoài ra, thủ đoạn gian dối còn thể hiện ở việc những người này đưa ra thông tin sai sự thật về những đứa trẻ mồ côi, được nhận về từ nhiều nơi làm con nuôi của ông Lê Tùng Vân nhằm kêu gọi tiền từ thiện.

Những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân nhẹ dạ cả tin đã góp tiền cho những đối tượng này sẽ được xác định là người bị hại, có quyền yêu cầu những người đã lợi dụng tôn giáo, giả mạo trẻ mồ côi để trục lợi phải trả lại toàn bộ số tiền, tài sản đã nhận được của họ.

Vẫn theo luật sư, thời gian qua, nhiều người đã khiếu kiện, tố cáo, bóc phốt hoạt động trục lợi từ thiện của “Tịnh thất Bồng Lai”.

Những người này đã có những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của các tổ chức cá nhân, đưa những thông tin luận điệu xuyên tạc sai sự thật làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân.

Bởi vậy, CQĐT cũng khởi tố những người này theo Điều 331 BLHS về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là có cơ sở.

Với tội danh này thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể lên đến 7 năm tù.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở điều tra tội 'Loạn luân' trong vụ Tịnh thất Bồng Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO