Một đám cưới của đôi bạn trẻ gây sốt cộng đồng mạng khi cô dâu mặc áo nhật bình, chú rể khoác áo tấc. Ảnh: baodantoc.vn |
Hồi sinh cổ phục
Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, ta dễ dàng thấy các nhóm “Đại Việt cổ phục”, “Hội yêu cổ phục Việt”, “Chợ phiên Việt Phục”,… với số lượng thành viên từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên mà đa phần là người trẻ. Nội dung hoạt động của những nhóm này là xoay quanh lịch sử của thời trang Việt, kiến thức văn hoá, chia sẻ ảnh mặc cổ phục đẹp,…
Bạn Hải Vân, sinh viên Đại học Luật Hà Nội, thành viên trong nhóm “Hội yêu cổ phục Việt” chia sẻ: Lần đầu nhìn thấy các bạn mặc áo nhật bình em thấy rất thích và ngạc nhiên, bởi từ trước đến giờ em không nghĩ phụ nữ Việt Nam lại có những trang phục tinh tế, màu sắc rực rỡ đến như vậy.
“Khi tìm hiểu thêm về lịch sử em mới biết, ngoài áo dài thì nước ta có những trang phục rất độc đáo, từ khi tham gia nhóm này em có thêm nhiều kiến thức về văn hoá, xã hội và cũng đã mua cho mình vài bộ để chụp ảnh. Em cảm thấy rất tự hào khi được khoác lên mình những tấm áo đẹp đẽ này”, Hải Vân nói.
Trình diễn trang phục Việt tại ngày hội Việt phục “Tóc xanh - Vạt áo”. Ảnh: baodantoc.vn |
Trên thực tế, đã có lúc chúng ta lo lắng khi giới trẻ yêu thích văn hoá trang phục của nước ngoài như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản mà “hờ hững” với những sản phẩm của “ao ta”. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, trào lưu yêu thích cổ phục Việt qua các thời kỳ đang được hình thành và tạo nên những hiệu ứng, dấu ấn riêng.
Đó là những bộ ảnh độc đáo khi các bạn mặc cổ phục Việt trong những dịp đặc biệt như: đám cưới, làm kỷ yếu. Đã có những bộ ảnh gây sốt mạng xã hội về áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, phượng bào triều Nguyễn, nhật bình, ngũ thân…
Điều đáng nói là, nó nhận được sự yêu thích và đón nhận của nhiều người từ mạng xã hội tới đời thật bởi vẻ đẹp, sự tinh tế và những giá trị văn hoá của trang phục mang lại.
Cổ phục Việt là cả một kho tàng với nhiều loại trang phục khác nhau. Trải qua mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử, ta lại tích luỹ được vào kho tàng văn hoá ấy những bộ trang phục mang đậm bản sắc, dấu ấn của từng thời kỳ. Chính những tấm áo đẹp đẽ ấy đã “kéo” nhiều người trẻ gần hơn với lịch sử khi lật giở lại những sự kiện của các thời kỳ.
Cũng từ những trào lưu chụp ảnh, làm video về cổ phục Việt, hàng loạt thương hiệu cổ phục ra đời phục vụ nhu cầu cho giới trẻ. Điều này đã chứng tỏ rằng, trang phục cổ không đơn thuần để trưng bày mà còn có đời sống riêng, được trình diễn sân khấu, quay phim, MV, chụp ảnh, bán và cho thuê trang phục.
Học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) đã chọn cổ phục Việt là trang phục chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: baodantoc.vn |
Một phương pháp bảo tồn động
TS. Lý Tùng Hiếu, nhà nghiên cứu văn hóa - Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM chia sẻ: Khi người trẻ có thái độ, hành động đề cao, phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc thì phải chỉ ra được những phần nào trong văn hoá ấy, bản sắc ấy vẫn còn hữu ích, hữu dụng, tức là còn giá trị, thậm chí gia tăng giá trị trong cuộc sống của họ hôm nay. Đó cũng là con đường để cho các di sản văn hoá tiếp tục sống cuộc đời của nó trong thế giới hôm nay, con đường mà giới quản lý văn hóa gọi là “bảo tồn động”.
Thật đáng mừng là chúng ta đang đi đúng hướng ấy. Không chỉ dừng lại ở trào lưu chụp ảnh đăng mạng xã hội, những bạn trẻ đam mê văn hoá, lịch sử tại nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức rất nhiều những hoạt động về cổ phục.
Tháng 3 vừa qua, triển lãm một số trang phục người Việt dưới thời Nguyễn đã diễn ra tại không gian Mu Lala Art Space (phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội); Ngày hội Việt phục “Tóc xanh - Vạt áo” diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 5/5 vừa qua, chương trình trình diễn trang phục cổ “Niên - Đi cùng năm tháng" do một nhóm sinh viên đại học Hà Nội cũng thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn trẻ.
Ngay cả trong âm nhạc, điện ảnh ta cũng thấy những dấu ấn của sự trở lại của cổ phục Việt. Sau thời của MV (video ca nhạc) cổ trang kiểu pha trộn các yếu tố văn hóa nước ngoài, vài năm gần đây, xuất hiện hàng loạt MV cổ trang thuần Việt mà trong đó, yếu tố văn hóa, trang phục cổ được nghiên cứu và đầu tư khá công phu như: Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy) lấy cảm hứng từ mối tình của Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu; Tứ phủ (Hoàng Thùy Linh) về nghệ thuật hầu đồng, Mặt trăng (Bùi Lan Hương) về chuyện tình Mỵ Châu Trọng Thủy…
Những hoạt động này cho thấy người trẻ đang dần ý thức, trách nhiệm trước những tài sản văn hoá của dân tộc. Họ đã “hành động” để gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp ấy.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Hải Phượng cho biết: "Các bạn trẻ mặc Việt phục không thấy ngượng ngùng mà cảm thấy hãnh diện, đó là một tín hiệu đáng mừng. Khi các bạn hiểu hơn về Việt phục thì chính các bạn sẽ là đại sứ văn hóa, có thể truyền tải tình yêu Việt phục đến nhiều người khác".
Những bộ trang phục của quá khứ tạo nên sứ mệnh mới trong cuộc sống hiện đại cho chúng ta thấy, sau mỗi tấm áo là lịch sử, sau sự trở lại của cổ phục là tình yêu và sự trân trọng đối với tinh hoa văn hóa dân tộc. Giúp cổ phục Việt có đời sống riêng trong xã hội hiện đại, đưa trang phục cổ Việt Nam trở lại với đời sống người Việt mới là phương pháp bảo tồn hiệu quả nhất.