Thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên đi ngang khi các cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 phân hóa sau 3 phiên hồi phục. Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) quay đầu giảm sau nhiều phiên tăng.
Thông tin VinFast có thể IPO tại Mỹ vào tháng 1/2023 và huy động tối thiểu 1 tỷ USD không còn hỗ trợ thêm được cho nhóm cổ phiếu của tỷ phú Vượng.
Tính tới 10h50, VN-Index giảm gần 1 điểm xuống 968,58 điểm. HNX-Index tăng khá mạnh, thêm hơn 1,2% lên 193,18 điểm. Upcom-Index tăng 0,75%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa rõ rệt. BIDV (BID), Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), HDBank (HDB), TPBank (TPB), ACB giảm giá, trong khi đó, MBBank (MBB), Techcombank (TCB), VIBBank (VIB) tăng nhẹ.
Trong nhóm VN30, các cổ phiếu bất động sản đều giảm.
Cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn giảm hết biên độ phiên thứ 13 liên tiếp. Giao dịch thành công đạt 571.200 đơn vị (tính tới 10h56), trong khi dư bán sàn còn gần 60 triệu đơn vị.
Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt giảm sàn phiên thứ 12 liên tiếp với dư bán lên tới hơn 124 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên giảm thứ 24 của cổ phiếu này.
Tâm điểm của thị trường sáng 21/11 là sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản quy mô tầm trung và nhỏ.
Nhiều mã tăng trần sau khi mất 60-90% trước đó như: DIC Corp. (DIG), Nam Long (NLG), Ninh Vân Bay (NVT), Tập đoàn PC1 (PC1), Đô thị Nam Hà Nội (NHA), DRH Holdings (DRH), Tập đoàn Đạt Phương (DPG)…
Cổ phiếu HAG tăng hết biên độ 4 phiên liên tiếp sau khi chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) có tâm thư về đợt giảm sâu kéo dài.
Chứng khoán đi ngang dù sự thận trọng còn lớn, áp lực bán gia tăng khi lượng hàng bắt đáy trước đó về tài khoản.
Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán đón nhận những tín hiệu tích cực. Giới đầu tư chờ thêm tin tốt sau khi chứng kiến những động thái của Chính phủ tìm giải pháp ổn định các thị trường.
Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản, xem xét nới “room” tín dụng phù hợp, xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản cũng giúp tình hình bớt xấu.
Theo FiinGroup, dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 10. Hoạt động rút trước hạn của nhà đầu tư và mua lại trái phiếu đã phát hành gây không ít khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó giúp giảm đáng kể áp lực từ số dư trái phiếu sẽ đáo hạn còn lại tại thời điểm hiện nay. Tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21,85 nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp gần đây đẩy mạnh mua vào cổ phiếu. Trong khi đó, đã có doanh nghiệp tính mua cổ phiếu quỹ.
Đầu tư Nam Long (NLG) vừa thông qua chủ trương mua lại cổ phiếu với tổng giá trị không vượt quá 1.000 tỷ đồng, trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của công ty.
Thị trường chứng khoán phản ứng bớt tiêu cực còn do vĩ mô Việt Nam khá ổn định. Việt Nam gần đây đã phần nào kiểm soát được tỷ giá. VND là một trong những đồng tiền giảm giá ít nhất so với USD trong khu vực và trên thế giới. Lạm phát trong khi đó thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.
Theo Maybank, thị trường chứng khoán khả năng còn giằng co khá nhiều khi đối mặt với áp lực chốt lời T+ tiếp tục cao, dù vậy cơ hội có thêm hồi phục vẫn được đánh giá khả quan. VN-Index có thể tăng lên để thử thách các vùng hỗ trợ gần nhất tiếp theo tại 985 và 1035 điểm.