Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai của phiên họp thứ 33, cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH).
Báo cáo tờ trình tóm tắt dự án Luật trên, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nhận định thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư.
Nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội…
Ông Long nhấn mạnh thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCCC hiện hành.
Hiện, dự thảo Luật do Chính phủ trình lên gồm 9 chương, 65 điều, bao gồm các quy định chung, quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, bố trí lực lượng, phương tiện...
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh quan tâm đến điều 13 của dự thảo Luật về quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới trong công tác phòng cháy.
Theo ông Thanh, quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng... phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng loại quy hoạch.
"Chúng tôi thấy nội dung rất cần thiết vì vừa qua các khu dân cư có vụ cháy xảy ra đường vào rất bé, không đưa được các phương tiện chữa cháy vào. Nhưng khi chúng tôi thẩm tra Luật Quy hoạch, chưa thấy có quy định về vấn đề này", ông Thanh nêu.
Ông cũng cho rằng hiện nay, quy hoạch đô thị, nông thôn cũng chưa có quy định về vấn đề. Chính vì vậy nên thời gian qua, công tác PCCC mới có vấn đề.
"Chỗ nào cũng có vòi nước chữa cháy nhưng không dùng được"
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định hơn 10 năm qua, chúng ta rất quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng tình hình cháy nổ tai nạn xảy ra liên tục, hàng năm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Theo ông Mẫn, những vụ cháy ở TPHCM, Hà Nội trong những năm qua cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác PCCC. Ông nhận định có 3 vấn đề liên quan tính mạng và tài sản được người dân rất quan tâm gồm: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vấn đề cháy nổ.
"Đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến kinh tế xã hội, đời sống nhân dân và doanh nghiệp, gắn với đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Do đó, cần nghiên cứu rà soát một cách kỹ lưỡng, để khắc phục những bất cập hạn chế, đồng thời có những đổi mới khả thi gắn với đời sống kinh tế", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Ông Mẫn cũng nêu quan ngại khi xem quy hoạch về PCCC, chỗ nào cũng có bể nước, vòi nước chữa cháy nhưng thực tế không sử dụng, khi có cháy thì không vận hành được.
Cùng với đó, ông cho rằng địa phương nào cũng tổ chức công tác diễn tập, có nơi làm quy mô lớn nhưng thực tế, có địa phương xe chữa cháy lên được 5-7 tầng nhưng nhà xây lại cấp phép 12 tầng nên xe chữa cháy không tiếp cận được.
Ngay tại Hà Nội và TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng cần làm rõ xe chữa cháy có thể tiếp cận được công trình cao bao nhiêu mét, bao nhiêu tầng. Ông lo ngại địa phương cấp phép xây dựng nhà ở vượt số tầng so với chiều cao xe chữa cháy có thể tạo ra những bất cập.
Góp ý thêm một số nội dung cụ thể, ông Mẫn cho rằng dự thảo Luật cần thống nhất phạm vi điều chỉnh mở rộng đối với công tác cứu nạn, cứu hộ. Mặc dù trong hồ sơ, Bộ Quốc phòng tán thành vì không mâu thuẫn với Luật Phòng thủ dân sự, ông Mẫn đề nghị vẫn cần đánh giá kỹ lưỡng công tác cứu hộ vì liên quan nhiều ngành, lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng vừa qua, việc phòng cháy được quan tâm nhưng ông băn khoăn công tác này đã đủ điều kiện, đủ trang thiết bị, đủ lực lượng chưa. Đồng thời, việc phòng cháy cần xuất phát từ người dân, từ gia đình để làm sao hạn chế tối đa cháy nổ.
"Khi có cháy nổ thì xử lý tại chỗ là vấn đề quan trọng nhất. Nhấn gọi 114, tới nơi có khi thiêu rụi rồi", ông Mẫn nói và nhấn mạnh công tác "phòng còn hơn chống".
Riêng về phòng cháy với nhà ở, ông Mẫn cho rằng đây là vấn đề được người dân quan tâm nhưng dự thảo luật quy định chưa có điểm mới, nét mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu thực tế các vụ cháy vừa qua, nhất là cháy nhà dân, chung cư mini đều rất thảm khốc, do đó cần có quy định cụ thể. Cùng với đó, cần có các quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.