Bộ GTVT mới có tờ trình đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo Bộ GTVT, do yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc rất lớn nên việc xây dựng chính sách để ngân sách có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.
Bên cạnh đó, khi các đường cao tốc hoàn thành cần nguồn tiền bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật. Những năm qua, với các tuyến đường do Nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm mới cơ bản đáp ứng được chi phí quản lý, khai thác và một phần chi phí bảo trì.
Trước kiến nghị trên, nhiều người bày tỏ lo ngại khi tình hình kinh tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nếu tiếp tục thu phí các tuyến đường do Nhà nước đầu tư sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó nên cân nhắc về mức thu phí sao cho phù hợp.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng nhu cầu vốn của chúng ta lớn nên thu phí là một giải pháp.
“Vấn đề đặt ra ở đây là tính hợp lý của việc thu phí những tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đây là những tuyến đường do vốn ngân sách bỏ ra mà bản chất vốn ngân sách là tiền của người dân đóng góp, xây dựng. Nếu người dân đi lại phải nộp phí, như vậy có thể nói là phí chồng phí. Cách nhận định này không phải sai hẳn”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, ngoài ý kiến trên cũng có luồng ý kiến ngược lại cho rằng đây không phải phí chồng phí mà là yêu cầu người dân đóng góp nhiều hơn để đảm bảo cho hệ thống giao thông.
Mỗi quan điểm có cách lập luận khác nhau. Vấn đề thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa thể khẳng định là hợp lý hay bất hợp lý, nhưng có một thực tế đó là nhu cầu vốn để làm đường cao tốc.
Do đó, ông Đức cho rằng không nên đặt vấn đề thu phí toàn bộ các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Thay vào đó, chúng ta tiến hành lựa chọn thu từng đường cao tốc.
"Các tuyến sẽ thu chủ yếu là những tuyến mà mức đầu tư của Nhà nước ít, còn những tuyến Nhà nước đầu tư nhiều thì không nên thu phí. Đặc biệt, phải đảm bảo cho người dân không đi đường cao tốc có thu phí thì họ vẫn có đường khác để đi”, ông Đức kiến nghị.
Về mức phí, ông Đức cho rằng nên tính toán hợp lý, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên.
“Chúng ta phải sửa một điều rất bất hợp lý trong các dự án BOT quy định là cứ đi vào phạm vi dự án phải nộp phí. Ví dụ dự án 3 nhánh đường, phương tiện chỉ đi vào 1 nhánh nhưng bắt phải trả tiền cho cả 2 nhánh kia. Đây là bất cập nhất tại các trạm BOT hiện nay dẫn đến nhiều bức xúc, phản đối của người dân.
Cần rút kinh nghiệm từ bất hợp lý trong tính toán mức giá, phí đang áp dụng cho các trạm BOT để triển khai việc thu phí (nếu có) các tuyến đường do Nhà nước đầu tư. Theo đó, chỉ thu đoạn người dân đi và phải bỏ hẳn quan điểm cứ đi vào trong phạm vi dự án là thu phí”, ông Đức nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư là cần thiết. Về bản chất, đường này là tài sản của Nhà nước, việc thu phí để có ngân sách phục vụ vận hành, duy tu bảo dưỡng đường.
Để việc thu phí hợp lý và đúng quy định, Bộ GTVT nên cẩn trọng, xin ý kiến của cơ quan lập pháp hay cơ quan có thẩm quyền trước khi thực hiện. Đây là vấn đề liên quan đến Luật Phí và Lệ phí nên phải được Quốc hội chính thức thông qua.
Tuy nhiên cần lưu ý, việc thu phí cao tốc đường bộ do Nhà nước làm chủ đầu tư cần xem xét cụ thể từng tuyến đường.
Ví dụ, nếu thu phí mà gây hệ quả là phương tiện dồn vào tuyến đường khác gây ùn tắc thì không nên thu; Hay trên tuyến huyết mạch như tuyến đi về các tỉnh miền Tây, nơi cần thu hút đầu tư cũng không nên thu...
Ông Quyền nhấn mạnh, chỉ tiến hành thu phí những tuyến đường mới đầu tư bằng ngân sách khi có các tuyến đường cũ song hành để người dân lựa chọn. Đồng thời, cần nghiên cứu để có mức thu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp. Cần nghiên cứu kỹ cách thức thu ra sao, có giống như các dự án BOT hay không vì đây là dự án do Nhà nước đầu tư.