Sáng nay (27/1), Bộ GTVT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các địa phương và hiệp hội về dự thảo Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, luật này được xây dựng thành hai luật, Luật Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục phó Cục CSGT, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, cùng với việc tách luật, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không còn quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Thay vào đó, việc này được đưa vào Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hội nghị có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều cơ quan, bộ ngành và địa phương |
Theo Đại tá Bình, khi xây dựng dự thảo luật mới, ngành công an sẽ quy định rõ hơn các nội dung như giấy phép lái xe, tổ chức giao thông và có cơ chế chống ùn tắc, trường hợp nào mới được dừng phương tiện... Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý sau cấp phép là quản lý hành vi của con người. Nội dung này liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Cơ sở dữ liệu về cấp giấy phép lái xe được kết nối với dữ liệu vi phạm sẽ giúp lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều quốc gia giao lực lượng cảnh sát làm công tác này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, dự thảo không nhắc tới việc xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch riêng, cơ sở đào tạo riêng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu tách thành 2 luật sẽ không còn nội hàm của luật và Luật An toàn giao thông cũng không đảm bảo nội hàm.
“Hạ tầng, đăng kiểm phương tiện, vận tải đều liên quan đến an toàn. Trong đó, nội dung của giao thông và an toàn không thể tách được vì nó đan xen vào với nhau. Vì sự nghiệp chung, có sự phối hợp các cấp các ngành nên mới phải có Ủy ban ATGT để phối hợp giữa các cấp, các ngành”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, không nên phân công ai làm toàn bộ, tất cả phải có sự phối hợp chặt chẽ. Mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Về quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, ông Quyền cho rằng, ngành giao thông đã quản lý tốt công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe; các trung tâm sát hạch được hiện đại hóa, tăng chất lượng giám sát. Nhiều nước trên thế giới công nhận giấy phép lái xe của Việt Nam. Chúng ta đã thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 về cấp đổi giấy phép lái xe và được người dân đánh giá cao.
"Hầu hết việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở các nước trên thế giới do cơ quan dân sự quản lý. Ngành giao thông đã hình thành hệ thống quản lý sát hạch, cơ sở dữ liệu cấp giấy phép lái xe, giờ chuyển sang ngành công an có thể phải đầu tư mới, tốn kém ngân sách. Do vậy, không nên chuyển chức năng này vì sẽ gây xáo trộn bộ máy thực hiện và công tác quản lý", ông Quyền nói.
Luật phải đi vào cuộc sống
Tham luận tại Hội nghị, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, lĩnh vực giao thông dù là đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa hay đường bộ đều có yếu tố về hạ tầng, phương tiện và con người. Các yếu tố này không thể tách rời. Việc tổ chức giao thông cũng phải dựa trên các cơ sở này.
Về việc có nên tách luật hay không, ông Liêm cho biết cần phải có cơ sở lý luận và thực tiễn. Nếu áp đặt ý chí sẽ không có hiệu quả và không đi vào cuộc sống.
Các yếu tố phương tiện, con người, hạ tầng phải gắn liền với nhau, khi tách vô hình chung sẽ chia nhỏ từng công đoạn.
Đồng quan điểm, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, cần lựa chọn phương án tốt nhất, có cùng mối liên hệ về con người, hạ tầng và phương tiện để người dân, doanh nghiệp hiểu và thực thi pháp luật.
Theo Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, một số cơ quan được lấy ý kiến cũng đề nghị không nên tách Luật Giao thông đường bộ, vì không bảo đảm tính thống nhất, bao trùm mục tiêu và phạm vi của luật.
Đại diện Tổng cục nêu ý kiến từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020), đa số ý kiến đại biểu không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe từ Bộ GTVT tải sang Bộ Công an. Tuy nhiên, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không điều chỉnh nội dung này, tức chưa tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu. Do vậy, Bộ GTVT cần đánh giá kỹ lưỡng tác động và giúp Chính phủ tiếp tục làm rõ, giải trình thuyết phục hơn để báo cáo Quốc hội.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề nghị hai cơ quan soạn thảo tiếp tục bàn về các nội dung trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), làm rõ sự cần thiết việc tách hai luật để trình Chính phủ vào tháng 3 tới.
Ông Thọ nói rõ, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện Luật Đường bộ trên cơ sở tách Luật GTĐB. Bộ Công an nghiên cứu hoàn thiện Luật đảm bảo ATGT trên cơ sở tách từ Luật GTĐB.
Khi xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc là Luật chung, phải đi vào cuộc sống. Khi thực hiện Luật phải nghiêm và hiệu quả.
"Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng Luật phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận. Trách nhiệm của 2 Bộ cần phải làm rõ sự cần thiết và những yếu tố tác động của việc tách luật..", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Vũ Điệp