Lõi lọc là bộ phận quan trọng của máy lọc nước, có hình trụ, hai đầu thường bằng nhau, hoặc một đầu có dạng vòng chữ O, còn đầu kia dạng tròn hay nhọn.
Vật liệu của lõi lọc nước khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và công dụng. Mỗi một lõi lọc có nhiệm vụ riêng biệt, kết hợp lại tạo thành hệ thống lọc xuyên suốt. Nguồn nước đầu vào được luân chuyển lần lượt qua các cấp lọc, để nguồn nước đầu ra có chất lượng tinh khiết và sạch khuẩn.
Có nên rửa lõi lọc của máy lọc nước?
Sau một thời gian hoạt động, lõi lọc nước sẽ dần tích tụ bụi bẩn và cặn bẩn, ảnh hưởng đến chất lượng nước, có thể đe dọa sức khỏe của gia đình. Đó là lý do tại sao nhiều người thường tự tháo lõi lọc ra để vệ sinh khi phát hiện có cặn bẩn.
Có nên rửa lõi lọc của máy lọc nước hay không? Câu trả lời là tuy việc này có thể khôi phục phần nào khả năng lọc của lõi, nó không đảm bảo chất lượng lọc, tốt nhất là thay lõi mới đúng hạn để an tâm về khả năng lọc nước của thiết bị.
Có nên rửa lõi lọc của máy lọc nước không? Câu trả lời là có nhưng không nên làm, tốt nhất là nên thay lõi mới đúng hạn để đảm bảo khả năng lọc nước của thiết bị. (Ảnh: Primer)
Việc vệ sinh lõi lọc không đúng cách có thể mang lại nhiều nguy cơ:
- Việc cọ rửa lõi lọc chỉ làm sạch bề ngoài, không thể loại bỏ hoàn toàn các tạp chất, cặn bẩn, vi khuẩn và kim loại nặng.
- Nếu không cẩn thận, việc cọ rửa có thể làm biến dạng lõi, gây nhiễm khuẩn và làm giảm hiệu suất lọc.
Do đó, nếu chưa muốn thay lõi lọc và muốn tận dụng nó bằng cách đem rửa, bạn cần vệ sinh lõi lọc nước một cách nhẹ nhàng và cẩn thận. Tuy nhiên, bạn không thể dùng mãi lõi lọc mà phải tuân thủ hướng dẫn về thời gian thay mới theo khuyến nghị của nhà sản xuất, tránh sử dụng lại lõi lọc cũ khi đã quá hạn và tích tụ nhiều tạp chất.
Bao lâu phải thay lõi lọc nước?
Thay thế lõi lọc nước định kỳ và thường xuyên kiểm tra là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả hoạt động của máy cũng như chất lượng nguồn nước đầu ra.
Hệ thống lọc nước hiện nay thường có các lõi khác nhau về tuổi thọ và chức năng nên thời gian thay thế cũng khác nhau.
Lõi lọc nước số 1
Đây là lõi lọc thô nguồn nước đầu vào, có thời hạn thay thế ngắn, cần được chú ý vệ sinh, thay thế thường xuyên.
Các lõi thô số 1, 2, 3 trực tiếp tiếp xúc với nguồn nước đầu vào (chứa nhiều tạp chất, cặn bẩn) nên rất dễ bị bẩn, tắc, hư hỏng. Thông thường, sau khoảng 3-6 tháng sử dụng, bạn nên thay lõi lọc số 1.
Nếu nguồn nước đầu vào là nước máy thì lõi này sẽ có tuổi thọ khoảng 4 tháng. Với nước giếng khoan, khoảng thời gian này rút ngắn chỉ còn 2-3 tháng sử dụng.
Lõi lọc nước số 2
Đây là lõi lọc than hoạt tính, có chức năng khử mùi, chất hữu cơ, kim loại nặng và Clo trong nguồn nước đầu vào. Do đó, thông thường khoảng 6-9 tháng, bạn nên thay lõi lọc số 2.
Trong điều kiện sử dụng nước máy, sau 8 tháng bạn phải thay lõi lọc số 2, còn nếu sử dụng nước giếng khoan thì thời gian này chỉ còn 5-6 tháng.
Lõi lọc số 3
Đây là lõi lọc được cấu tạo từ sợi PP tạo khe hở 1 micromet nên có khả năng lọc sạch cặn bẩn và các thành phần khác trong nước lớn hơn hoặc bằng kích thước trên. Các tạp chất, cặn bẩn khi đi qua màng lọc này đều được giữ lại.
Thời gian thay thế lõi lọc nước số 3 là 9- 12 tháng. Với nguồn nước máy thì tuổi thọ lõi lọc này là khoảng 10 tháng, còn nguồn nước giếng khoan là khoảng 7 – 8 tháng.
Lõi lọc số 4 – màng lọc RO
Màng lọc RO được xem là bộ phận quan trọng nhất của máy lọc nước, có chức năng loại bỏ tạp chất kim loại nặng và các độc tố làm tăng nguy cơ ung thư, bệnh đường tiêu hóa hay viêm dây thần kinh.
Lõi lọc nước số 4 có thời gian sử dụng lâu hơn các lõi khác. Để đảm bảo nguồn nước sau khi lọc luôn đạt chuẩn, nhà sản xuất khuyến khích thay lõi RO định kỳ 24 - 36 tháng. Nên thay 2 năm/lần nếu nguồn nước đầu vào là nước máy hoặc 1-1,5 năm/lần đối với nước giếng. Chi phí thay thế lõi RO cao hơn lõi lọc thô 1, 2, 3.
Theo VTC news