Có nên đồng ý cho con 'gap year' khi đang học đại học?

Mỹ Hạnh| 16/04/2023 16:31
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Không có nhiều gia đình đồng ý cho con "gap year" khi đang học đại học, tuy nhiên phụ huynh cần hiểu hơn về góc nhìn, mục tiêu của con cái để giúp con định hướng.

Thông thường, các bạn trẻ sẽ không dễ để có được "cái gật đầu" của phụ huynh khi bày tỏ mong muốn "gap year" (Tạm gác lại chuyện học để tập trung cho mục tiêu khác - PV). Tuy nhiên, anh Nguyễn Anh Tâm và chị Vũ Thị Thanh Phương lại rất nhanh chóng đồng ý cho con gái là Mai Chi (20 tuổi, là con út trong gia đình) khi Chi bày tỏ mong muốn được tạm gác lại việc học.

"Gia đình PTTC" là gia đình bốn người với tên gọi được lấy từ chữ cái đầu của các thành viên trong gia đình bao gồm: anh Tâm, chị Phương cùng hai con gái là Phương Thảo và bạn Mai Chi. Anh Tâm và chị Phương đã cùng hai cô con gái của mình là Phương Thảo và Mai Chi tạo ra kênh Tiktok "Gia đình PTTC" với mục đích đưa ra những góc nhìn trong việc nuôi dạy con cái và lan tỏa năng lượng tích cực.

Theo anh chị, việc phụ huynh đắn đo khi con mình tạm gác lại chuyện học để trải nghiệm có nhiều lý do. Nhiều người lo lắng rằng có thể con cái sẽ phí mất một năm học, lấy bằng và xin việc muộn, hoặc thậm chí vì mọi người xung quanh tỏ ra lo lắng và nghi ngờ về khả năng của con cái. Tuy nhiên, do làm bạn và hiểu rõ các con từ nhỏ, anh chị hiểu được mục tiêu và động lực của Chi khi quyết định "gap year".

Xây dựng và hiểu mục tiêu của con từ nhỏ

Anh Tâm cho biết, khi con gái bày tỏ mong muốn gap year, anh đồng ý ngay lập tức. Vì chơi thân với con gái ngay từ khi còn nhỏ nên cá tính nên nắm rất rõ mục tiêu học tập hay tính tập trung của hai cô con gái anh Tâm đều nắm được rất rõ.

Đối với Mai Chi, anh biết rằng cô bạn có cá tính rất mạnh từ bé. Cô bạn sẽ học rất tập trung vào những kiến thức mà cô bạn thích và cảm thấy cần thiết, đối với những môn còn lại, vì không tập trung bằng nên kết quả những môn học đó sẽ kém hơn.

Có nên đồng ý cho con gap year khi đang học đại học? - 1
Hình ảnh gia đình anh Tâm gồm anh cùng vợ, hai con gái là Mai Chi (người ở hàng dưới, phía bên trái) và Phương Thảo (người ở hàng dưới, phía bên phải) (Ảnh: Phương Thảo).

Nhưng một khi đã tập trung vào điều gì, Chi sẽ dồn toàn bộ sức lực và chăm chỉ hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Cô bạn đã rất nỗ lực để thi vào một trường cấp 3 có điểm đầu vào khá cao ở Hà Nội. Khi Chi học cấp 3, anh Tâm không quá đặt nặng vấn đề điểm số trên lớp vì anh hiểu rõ nhiều khi điểm số không thật sự thể hiện được năng lực và giá trị của con gái.

Anh nhận thấy rằng, rất nhiều bạn trẻ trong giai đoạn này đang sống một cuộc đời bằng phẳng. Có những bạn đạt học sinh giỏi từ khi học cấp 1 cho tới khi lên đại học nhưng sau đó lại sống một cuộc đời rất bình thường, không nổi bật. Phần đông trong số họ chỉ nỗ lực với mục đích lấy bằng đại học để đi xin việc.

Đối với vấn đề gap year. đa số bạn trẻ hiện nay quyết định gap year chỉ bởi cảm xúc nhất thời, do bận rộn hoặc thấy mọi người xung quanh cũng gap year. Họ không có mục tiêu rõ ràng cho việc gap year. Điều này dẫn đến việc nhiều người dễ bỏ cuộc, không quay lại học tiếp đại học, đem lại cái nhìn không tích cực về việc gap year trong mắt nhiều phụ huynh.

Từng trải qua nhiều công việc từ làm thuê cho đến làm chủ, anh Tâm nhận ra rằng nếu như muốn thành công, mỗi người đều cần trang bị cho bản thân một tư duy làm chủ. Hình thành tư duy làm chủ sẽ giúp giới trẻ có ý thức chủ động, thấu hiểu được mục tiêu của bản thân, từ đó có ý thức hoàn thành và có trách nhiệm với công việc của mình.

"Về mặt cơ bản, mình giáo dục con bằng cách làm gương, không giáo điều. Mình và vợ đều có cùng những trải nghiệm và hiểu được tầm quan trọng của sự chủ động. Mình không cần con cái phải học xuất sắc, đỗ đạt các trường điểm, vì mình chứng kiến rất nhiều người học giỏi nhưng không có mục tiêu.

Đối với mình, chuyện học hành chỉ là một phần, con mình cần hiểu biết rằng cuộc sống điều gì mới là giá trị nhất. Có mục tiêu và sự chủ động, động lực sẽ thúc đẩy các bạn ấy hành động. Thực hành rồi quay lại học tiếp, "hành" rồi quay lại "học" sẽ giúp nâng tầm bản thân con lên. Đa phần, đại học ở Việt Nam vẫn cho học sinh học tương đối một chiều.

Các bạn đồng trang lứa của con đi học thêm rất nhiều nhưng mình lại không khuyến khích con học thêm nhiều như vậy. Dù con mình có thể không học thêm quá nhiều ở trường, nhưng con lại tiếp xúc với công việc và học được rất nhiều kiến thức thực tiễn. Vì vậy, mình ngay lập tức đồng ý khi con muốn gap year để tập trung vào công việc sự nghiệp của con", anh Tâm chia sẻ.

Khi Chi quyết định gap year, nhiều người lo lắng cho gia đình anh khi sợ Chi không quay lại học đại học. Anh Tâm cho rằng vấn đề này không phải là vấn đề quá quan trọng. Bản thân Mai Chi cũng nhận thức được rằng, mình và bạn bè sẽ đều có lộ trình riêng, vậy nên thay vì lo lắng, Chi tập trung vào việc nỗ lực hoàn thành mục tiêu của bản thân.

Dạy con "tư duy tiêu tiền" trước khi cho con tiền

Có nhiều tranh cãi xoay quanh quan điểm "Nên cho con tiền từ sớm hay để con tự lập kiếm tiền mới là thương con?". Theo quan điểm của mình, anh Tâm cho biết hai vợ chồng đã đầu tư, dành kinh tế để lo cho các con từ bé, nhưng cùng với đó, anh chị cũng dạy dỗ, định hướng tư duy cho các bạn để sau này các bạn có thể tự kiếm tiền và sử dụng đồng tiền hợp lý dù gia đình có điều kiện.

Mai Chi chia sẻ: "Từ bé, bố mẹ đã dạy cho chúng em suy nghĩ về việc tiêu tiền. Khi em xác định mua máy ảnh để làm công việc Sáng tạo nội dung, em muốn tự kiếm tiền để mua được chiếc máy ảnh. Bố em thì hay bảo, thiếu cứ xin bố, đầu tư cái xịn nhất để phục vụ cho công việc của nếu con muốn theo đuổi.

Khi bố em nói thế thì em cũng sẽ không vì bố nói vậy mà mua tất cả những đồ xịn nhất mà phải biết áng chừng, phù hợp với nhu cầu hiện tại. Thế nên mới nói rằng, bố không chỉ cho tiền mà còn cho em tư duy để sử dụng đồng tiền".

"Mình luôn đầu tư để các bạn có nền tảng ngay từ nhỏ, điều kiện tài chính cho đến tư duy ngay từ nhỏ. Mình tin là dù không có quá nhiều thừa kế để lại cho con cái, các bạn ấy cũng sẽ tự tin tự chủ được tài chính.

Quan trọng là đầu tư về mặt tư duy cho các con, bởi nếu như mình cho tiền mà các con không làm được, không tự chủ được thì cho mấy cũng hết. Và đặc biệt, đó phải là sự đầu tư ngay từ nhỏ", chị Phương nói thêm.

"Nhiều người sẽ mong muốn màu hồng xuất hiện trong cuộc đời của họ, nhưng dù cuộc đời mình có màu xám hay hồng, mình cũng luôn phải ở trong tâm thế đón nhận. Càng đón nhận những khó khăn lúc trẻ, cuộc đời sau này sẽ trở nên đơn giản hơn", đây chính là điều anh Tâm luôn tâm niệm khi dạy con, khuyến khích các con biết sử dụng đồng tiền và tự lực sớm.

Có nên đồng ý cho con gap year khi đang học đại học? - 2
Mai Chi đã có được thu nhập riêng trong công việc Sáng tạo nội dung (Ảnh: Chikakakay).

Hiện tại, Chi đã có cho mình một kênh Tiktok với hơn 300 nghìn người theo dõi. Chia sẻ trên kênh Tiktok riêng, Chi cho biết cô bạn đã bắt đầu có được thu nhập từ công việc Sáng tạo nội dung của bản thân.

Dạy con không ngại thay đổi và mặc kệ đám đông

Bản thân đều là những người từng từ bỏ công việc ổn định tại quê nhà để tới thành phố lớn và bắt đầu với những công việc bấp bênh hơn, anh Tâm cho hay, bản chất những thứ đó đối với anh chỉ là công việc, công cụ. Để có được thành công, việc học tại trường hay đi làm cũng chỉ là một phương thức để đạt được điều đó.

Mục tiêu là một đòn bẩy lớn để thúc đẩy giới trẻ hoàn thành mục tiêu của mình. Hai vợ chồng cũng thường xuyên nhắc nhở các con về nguyên tắc 80-20, phải nỗ lực để trở thành 20% số người xuất sắc và có cuộc sống tốt hơn, tiếp xúc với người giỏi hơn để có được một người hướng dẫn cũng như học hỏi kinh nghiệm sống và làm việc của họ.

Thay vì làm theo đám đông, anh luôn tích cực thúc đẩy con mạnh dạn suy nghĩ, hành động theo mục tiêu của mình khi đã cân nhắc đến bối cảnh xã hội, theo sát lộ trình riêng của bản thân.

Có nên đồng ý cho con gap year khi đang học đại học? - 3
4 thành viên trong gia đình PTTC (Ảnh: Phương Thảo).

Theo anh Tâm, việc rèn luyện cho con sự chủ động và thiết lập mục tiêu cũng không hề phụ thuộc vào tố chất từng đứa trẻ. Thực chất, nhiều phụ huynh có xu hướng nghe theo đám đông khi con cái của những người xung quanh học những trường điểm hay đi du học, rồi có bằng đại học, họ cũng muốn con mình được như vậy mà không quan tâm đến mục đích của việc học là gì.

Anh Tâm cũng nói thêm, "Cách đây mười mấy năm, có một làn sóng đổ xô cho con đi du học. Khi đó, con cái đi du học về sẽ dễ đi xin việc hơn khi có bằng nước ngoài, nhưng nhiều bạn khi đi về vẫn không học được những tinh túy của nước ngoài, có khi còn không bằng được những bạn học trong nước. Bản chất, họ chỉ đang đi theo đám đông chứ không có mục tiêu.

Ngoài ra, việc đi học thêm quá nhiều dễ khiến các bạn bị đầy kiến thức đầu vào. Học sinh chưa kịp trăn trở, tìm tòi các phương pháp mới thì giáo viên đã chữa bài. Giáo viên cứ giao hàng trăm bài tập, nhưng học sinh chưa kịp động não thì giáo viên đã giảng xong rồi".

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có nên đồng ý cho con 'gap year' khi đang học đại học?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO