Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không? Lý do tại sao?

28/05/2022 10:31

Hình ảnh chiếc võng không còn xa lạ gì đối với những gia đình có con nhỏ ở Việt Nam bởi nhiều người cho rằng trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh nằm võng sẽ dễ ngủ và ngủ ngon giấc hơn, hay thậm chí nằm võng thì đầu bé sẽ không bị méo dẹt mà tròn đẹp hơn…

Điều này có thực sự đúng hay không, Tintuconline sẽ cùng bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không?

Nói về kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, rất nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi sẽ nhắc ngay đến việc nên sở hữu một chiếc võng trong nhà  vì họ đã từng chăm con như vậy và không gặp vấn đề gì mà con lại được ngon giấc. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học lại đưa ra lời khuyên rằng không nên cho trẻ sơ sinh ngủ trên võng vì dụng cụ này có thể gây ảnh hưởng khá nhiều tới cột sống, lồng ngực, thói quen ngủ,...của trẻ.

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không? Lý do tại sao?-1

Theo đó xét một cách khách quan và toàn diện, nằm võng đối với trẻ sơ sinh có cả ưu và nhược điểm riêng, phụ huynh nên tìm hiểu và cân nhắc trước khi quyết định có cho bé yêu của mình sử dụng phương tiện truyền thống này hay không.

1. Ưu điểm khi cho trẻ sơ sinh nằm võng

Đánh giá về tư thế nằm của thai nhi và trẻ sơ sinh những tháng đầu mới trào đời, nằm võng được cho là có những ưu điểm rõ rệt là khi trẻ nằm võng, võng sẽ ôm trọn bé, bao bọc lại bé như thể khi còn nằm trong bụng mẹ. Chính điều này giúp bé cảm thấy an toàn hơn, dễ ngủ hơn khi nằm võng.

Hơn thế nữa, chuyển động đung đưa của võng giúp bé cảm thấy như đang ở trong tử cung của mẹ nên có tác dụng làm dịu sự lo lắng, tạo môi trường thoải mái và ấm cúng giúp bé an tâm hơn, ngủ ngon và ngủ lâu hơn. Nhờ đó việc chăm trẻ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, mẹ bé cũng đỡ căng thẳng và có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Ngoài ra, chi tiết về việc nằm võng thì đầu trẻ sơ sinh sẽ đẹp hơn cũng là một lợi điểm khiến phụ huynh thêm động lực lựa chọn võng, tuy nhiên khía cạnh này chưa được kiểm chứng rõ ràng và nó còn phụ thuộc vào từng loại võng khác nhau cũng như mức độ quan tâm chăm sóc con của mỗi bậc cha mẹ.

2. Nhược điểm khi cho trẻ sơ sinh nằm võng

So với những ưu điểm “hấp dẫn” như ở trên thì thông qua những phân tích và đánh giá của giới chuyên môn, chúng ta lại nhận ra một sự thật phũ phàng rằng trẻ sơ sinh nằm võng có nhiều nhược điểm hơn hẳn với những nguy hiểm tiềm ẩn.

- Gây hội chứng rung lắc: Do hệ thần kinh của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên những chấn động, rung lắc quá mạnh có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển não bộ của trẻ. Tình trạng cho trẻ nằm võng kéo dài, đu đưa nhiều có thể dẫn tới hội chứng rung lắc - một dạng chấn thương não khá nghiêm trọng. Tổn thương nặng có thể khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ, động kinh, giảm thị lực, rối loạn khả năng định hướng và chậm hình thành nhận thức.

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không? Lý do tại sao?-2

- Ảnh hưởng tiêu cực tới cột sống và lồng ngực: Vì võng không phải là một mặt phẳng nên khi nằm võng, cột sống của trẻ sẽ không được nâng đỡ nên dễ bị cong vẹo. Điều này là do cột sống của bé còn mềm, chưa đủ độ vôi hóa như người trưởng thành nên dễ bị cong theo độ lún của võng. Bên cạnh đó, khi đốt sống cong thì lưng sẽ gù, gây ảnh hưởng xấu cho hoạt động của các cơ quan như tim, phổi,...( như gù vẹo cột sống, có thể gây khó thở..)

- Ức chế thần kinh: Trẻ ở trong trạng thái rung lắc mạnh liên tục (do đu đưa võng) sẽ bị mệt mỏi thần kinh nên dù đã đi vào giấc ngủ thì bé vẫn mang tâm trạng run sợ. Do đó, khi bế trẻ ra, bé hay bị giật mình, khóc thét. Nếu phải trải qua tình trạng này trong thời gian dài thì não của trẻ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi.

- Thần kinh vận động kém phát triển: Trẻ nằm trên võng sẽ khó học, hình thành các động tác như trườn, bò, đi lại, chạy, cầm nắm đồ vật,... Sự ảnh hưởng trên hệ thần kinh vận động khiến bé kém linh hoạt, làm khả năng nhận thức và tiếp thu kém đi.

- Cơ bắp kém phát triển: Nếu được vận động, co duỗi thường xuyên thì cơ bắp trẻ sẽ phát triển, nở nang. Trong khi đó, trẻ nằm võng thường bị chèn ép chân, tay hoặc vẹo đầu, vẹo cổ,... Đây là những tư thế khiến trẻ dễ bị tụ máu ở một vị trí, lưu lượng máu không điều hòa, khiến cơ bắp và não bộ phát triển kém.

- Giấc ngủ của bé phụ thuộc vào võng: Khi quen với chuyển động đu đưa của võng thì trẻ sẽ dễ trở nên phụ thuộc vào nó, nếu không có võng sẽ khó ngủ được.

- Dễ té ngã và khó thở: Với trẻ nằm võng, nếu trẻ trở mình, lật người trên võng thì rất dễ bị té ngã ra ngoài võng. Hoặc khi bé lật sang một bên thì rất khó lật ngửa trở lại. Mặt khác, trẻ sơ sinh nằm võng sẽ nằm ở tư thế cong người, gập cổ - là tư thế khiến hô hấp khó khăn.Trường hợp này có thể gây nguy hiểm, thậm chí gây tử vong vì bé không thở được.

- Bé bị nóng: Một số loại vải làm võng có thể không thoáng khí, khi đó dễ khiến bé nằm bị bí, nóng, toát mồ hôi, khó chịu, dễ nổi rôm sẩy….

Với một loạt những nguy cơ như vậy, các chuyên gia y tế đã khuyến nghị phụ huynh không nên lạm dụng võng cho trẻ sơ sinh và tốt nhất là không nên để bé nằm võng trừ một số trường hợp ngoại lệ được bác sĩ khuyên dùng vì lý do đặc biệt nào đó.

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không? Lý do tại sao?-3

# Một số lưu ý cho trẻ nằm võng đúng cách

Rõ ràng nằm võng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ cho trẻ sơ sinh nhưng nó cũng có những ưu điểm nhất định, vậy nên trong những trường hợp cần thiết cha mẹ vẫn có thể cho con sử dụng võng nhưng phải đúng cách và phải tuân thủ những lưu ý sau để đảm bảo an toàn cho bé:

- Chỉ cho bé nằm võng trong những giấc ngủ ngắn vào ban ngày, không cho trẻ nằm võng trong suốt cả đêm;

-  Không đu đưa võng quá lâu và quá mạnh để tránh gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh của bé.

-  Lót chiếu nhỏ hoặc cho trẻ nằm chéo so với chiều của võng để nâng đỡ vùng lưng của bé, không làm cột sống của bé bị cong theo chiều cong của võng.

- Không cho trẻ ngủ võng quá sớm khi chưa được 3 tháng tuổi.

-  Luôn đặt bé vào võng ở tư thế ngửa, không đặt bé nằm sấp hoặc nghiêng.

- Không đặt bất kỳ gối, chăn hoặc đồ chơi mềm vào trong võng vì chúng có thể gây nguy cơ nghẹt thở cho trẻ và quá nóng.

- Không cho anh chị lớn của bé đung đưa võng vì vô tình trẻ dùng nhiều lực có thể làm văng trẻ sơ sinh ra khỏi võng.

- Không cho phép anh chị lớn trèo vào võng em bé. Trẻ nhỏ có thể thích vào võng nằm cùng em nhưng trẻ không biết giữ thăng bằng và có thể gây nguy hiểm cho em bé.

- Chọn loại vải võng thoáng mát, dễ tháo và dễ giặt.

- Không treo phụ kiện như tua rua, chuông kim loại,... lên võng vì có thể khiến trẻ với tay gây té ngã hoặc ngậm vào miệng gây khó thở, nghẹt thở.

-  Nên có dụng cụ chắn võng ngang để tránh trẻ bị lật võng hoặc té ngã trong khi ngủ.

- Đảm bảo võng được treo ở nơi chắc chắn, cân bằng; thường xuyên kiểm tra dây buộc võng.

- Để võng ở vị trí thoáng mát, sạch sẽ và dễ quan sát để đảm bảo rằng bạn có thể nhìn được bé mọi lúc.

- Có thể đặt dưới võng một tấm đệm để chẳng may nếu bé bị rơi ra ngoài, bé cũng đỡ bị đau hơn.

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không? Lý do tại sao?-4

Theo V.K (tổng hợp) - Vietnamnet

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không? Lý do tại sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO