Sương mù dày đặc là một trở ngại lớn cho việc giao thông bằng xe cộ. Khi ô tô gặp sương mù thường phải bật đèn sương mù ở trước xe, đèn sẽ phát ra ánh sáng màu vàng chói để mở đường - nên có người gọi là đèn phá sương.
Ánh đèn vừa chiếu sáng đoạn đường ở phía trước, đồng thời chỉ rõ vị trí của mình, làm cho xe cộ và người đi bộ ở phía ngược lại có thể nhìn thấy xe qua lớp sương mù dày đặc, nhanh chóng nhường tránh.
Ánh sáng do đèn sương mù phát ra có màu vàng vì có bước sóng dài nhất, có tác dụng khuếch tán, làm cho chùm tia sáng phân bổ phía trước với một diện tích rộng nhất, khiến cho người lái xe vừa có thể nhìn rõ mục tiêu lại không cảm thấy chói mắt.
Đèn sương mù là trang bị rất ít khi được bật bởi những chủ xe sống ở đô thị, nơi hiếm khi bị sương mù bao phủ đến mức tầm nhìn hạn chế.
Tuy nhiên, trong những ngày mùa Đông, khi di chuyển vào sáng sớm hoặc chiều tối có thể sương mù nhẹ, lái xe nên bật loại đèn này để tránh va chạm. Hiện nay chưa có quy định cấm bật đèn sương mù khi đi trong thành phố.
Đặc biệt là khi lên dốc cầu cạn vượt qua các ngã tư giao lộ trong thành phố, việc bật đèn sương mù rất hữu dụng, giúp xe ngược chiều nhận ra xe đối diện từ xa, hạn chế tối đa va chạm khi tăng ga qua cầu.
Cách sử dụng đèn sương mù cho hợp lý
Đèn sương mù đúng tiêu chuẩn phải quét rộng và chiếu gần, luồng sáng trong khoảng 20 m trở lại. Điều này giúp ánh sáng ít bị phản xạ từ mặt đường lên trên mà thay vào đó là tăng cường độ sáng cho phía trước đầu xe.
Khi lái xe trong điều kiện thời tiết bình thường với tốc độ trung bình thì không nên bật đèn sương mù. Bởi vì, điều này không khiến tầm nhìn rõ hơn mà có thể còn làm giảm khả năng nhìn xa của lái xe.
Khi bật đèn sương mù, khoảng sáng 20-30m phía trước xe sẽ sáng hơn bình thường, trong khi đó, phần ngoài khoảng sáng không có gì thay đổi khiến cho khả năng quan sát chướng ngại vật phía xa bị giới hạn. Do đó, lái xe chỉ nên bật đèn sương mù khi tầm nhìn thiếu sáng, khi có sương mù hoặc mưa phùn.