Có hơn 43 triệu tấn, giá ‘hạt vàng’ Việt Nam phá đỉnh lịch sử

22/12/2023 13:29

Với sản lượng ước khoảng trên 43 triệu tấn trong năm nay, giá gạo của nước ta tăng mạnh, tiếp tục phá đỉnh lịch sử. Nông dân lãi lớn khi đầu tư 1.000 USD/ha lúa và đang thu về 3.000-3.500 USD.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tính đến ngày 15/12 đạt 7,9 triệu tấn, thu về 4,54 tỷ USD, lập kỷ lục lịch sử mới trong ngành hàng lúa gạo của nước ta.

Thị trường thế giới sôi động, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các quốc gia vẫn không ngừng tăng đẩy giá gạo trên toàn cầu tăng mạnh.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo trên thị trường thế giới vào nhịp tăng mới, đặc biệt là gạo Thái Lan tăng 58 USD/tấn chỉ trong chưa đầy một tháng, lên 646 USD/tấn. Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam neo ở mức đỉnh lịch sử 663 USD/tấn.

Tại các vùng trồng lúa ở nước ta, nguồn cung không còn nhiều đẩy giá lúa lên mức cao chưa từng có.

Cập nhật tuần mới nhất (ngày 7-14/12) từ VFA, giá trung bình lúa thường tại ruộng vọt lên trên mốc 9.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục lịch sử của loại "hạt vàng" này mà người nông dân bán được tại ruộng.

lua gao.jpg
Giá lúa thường tại ruộng vượt 9.000 đồng/kg - mức cao nhất trong lịch sử (Ảnh: TTXVN)

Lúa thường tại kho cũng tăng lên mốc 10.300 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá 15.738 đồng/kg; gạo 5% tấm có giá 15.386 đồng/kg, gạo 15% tấm giá 15.150 đồng/kg, gạo 25% tấm giá 14.850 đồng/kg…

Bộ NN-PTNT tính toán, sản lượng lúa năm 2023 ước đạt trên 43 triệu tấn. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, năm nay nước ta xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,6 tỷ USD.

Việc giá lúa gạo tăng mạnh và lập kỷ lục lịch sử đã giúp người nông dân trồng lúa thu lãi cao.

Báo cáo từ Cục Trồng trọt, ở các tỉnh phía Bắc người dân canh tác 2 vụ lúa/năm. Tổng chi phí trung bình cho vụ sản xuất lúa 2023 (Đông Xuân, vụ Mùa) khoảng 35,85 triệu đồng/ha/vụ, tăng khoảng 600.000 đồng/ha so với năm 2022.

Tổng doanh thu đạt khoảng 54,3 triệu đồng/ha/vụ, tăng khoảng 7,3 triệu đồng/ha/vụ; lợi nhuận đạt gần 18,5 triệu đồng/ha/vụ, tăng khoảng 6,64 triệu đồng/ha. Canh tác 2 vụ lúa, người nông dân thu lãi 37 triệu đồng/ha/năm.

Với diện tích trồng lúa ước khoảng 2,245 triệu ha, trong năm nay, nông dân trồng lúa ở các tỉnh phía Bắc thu lãi gần 83.000 tỷ đồng.

Tại vựa lúa gạo ĐBSCL, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, giá lúa đang giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí lớn nhất trong tất cả các ngành kinh tế hiện nay. Bỏ ra 1.000 USD để đầu tư trên 1ha trồng lúa, thời điểm này doanh thu đang từ 3.000-3.500 USD. Tức người nông dân đang lãi 2.000-2.500 USD.

Chia sẻ về thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong năm 2024, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng El Nino trong năm 2024 cùng với việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ góp phần làm thị trường khó đoán định hơn.

Hiện nay, giá gạo ngày càng tăng là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Bởi, chúng ta có nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao; các công trình thuỷ lợi ở ĐBSCL giúp ngành lúa gạo ứng phó được với hạn mặn.

W-xuat-khau-gao-2.jpg
Thị trường gạo toàn cầu năm 2024 dự báo thiếu hụt lớn, giá sẽ neo ở mức cao (Ảnh: Hoàng Hà)

Ông Xuân dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt trên 700 USD/tấn. Do đó, chúng ta nên xem xét canh tác 4 vụ lúa một năm với nhiều loại gạo chất lượng cao để tận dụng thời cơ xuất khẩu nếu nguồn cung mặt hàng này trong năm tới ít hơn so với nhu cầu.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), cho biết, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Theo đó, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm 2024.

Cùng với đó, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Trong khi, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia như Indonesia, Philippines, Trung Quốc... có nhu cầu nhập khẩu lượng gạo lớn. Ông Hoà cho rằng, đây là thời cơ tốt cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động, song nguồn cung gạo thiếu hụt so với nhu cầu. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải cẩn trọng trong việc ký hợp đồng giao xa, đồng thời phải có trữ lượng hàng nhất định trong kho trước khi ký hợp đồng mới, tránh trường hợp ký bán giá thấp sau đó phải mua hàng giá cao.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có hơn 43 triệu tấn, giá ‘hạt vàng’ Việt Nam phá đỉnh lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO