Cơ hội xin việc đầy mong manh của người từng mắc Covid-19 ở Trung Quốc

17/07/2022 10:53

Với những người từng mắc Covid-19 ở Trung Quốc, cơ hội xin việc làm hiện vô cùng mong manh do họ bị phân biệt đối xử và kỳ thị.

Ngày càng nhiều người dân Trung Quốc nói về chuyện họ bị phân biệt đối xử khi đi xin việc hoặc thậm chí bị đuổi việc chỉ vì từng mắc Covid-19.

Một trong số này là cô He Yuxiu (24 tuổi), người từng có quãng thời gian sinh sống ở thành phố lớn thứ 2 của Ukraine là Kharkiv. Cô He đã trở về Trung Quốc sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng Hai. Cô He từng mắc Covid-19, nhưng nay đã hồi phục.

Cơ hội xin việc đầy mong manh của người từng mắc Covid-19 ở Trung Quốc
Cô He vẫn chưa xin được việc làm sau 2 tháng bị nhà trường sa thải với lý do cô từng mắc Covid-19. (Ảnh: Weibo)

Trong nhiều đoạn video được đăng lên mạng xã hội Trung Quốc, cô He đã chia sẻ về quãng thời gian bị mắc kẹt trong căn hộ bị rung lắc vì tiếng súng đạn ở Kharkiv. Vài tuần sau, cô được sơ tán sang Hungary bằng xe buýt dưới sự hỗ trợ của đại sứ quán Trung Quốc. Từ đây, cô He lên máy bay về nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cách ly, cô He được phát hiện có kết quả dương tính với Covid-19 lần thứ 2.

Sau khi khỏi bệnh, cô He được nhận vào làm giáo viên dạy tiếng Nga tại một ngôi trường ở thị trấn nhỏ của tỉnh Hà Bắc vào cuối tháng Năm. Nhưng chỉ một tuần sau, cô đã bị sa thải với lý do từng mắc Covid-19.

“Phân biệt đối xử trong xã hội chính là vấn đề lớn nhất sau khi bạn mắc Covid-19 ở Trung Quốc”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô He.

Theo cô He, hiệu trưởng của trường học đã gọi điện cho cô vào chiều ngày 23/5 và hỏi chuyện có phải cô từng mắc Covid-19.

“Khi tôi nói tôi từng mắc, ông ấy nói tôi phải rời khỏi trường ngay lập tức mà không giải thích gì thêm”, cô He cho biết.

Điều đáng nói, trước cuộc trò chuyện với thầy hiệu trưởng, cô He đã có 60 lần làm xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính, cũng như mã y tế là màu xanh cho thấy cô không mắc Covid-19 và không sống ở nơi có nguy cơ cao mắc bệnh trước đó 14 ngày.

Việc bị đuổi khỏi trường học khiến cô He vô cùng suy sụp. “Tôi thực sự không muốn rời xa các em học sinh, dù chúng tôi mới chỉ quen nhau được một tuần. Tôi cảm giác giấc mơ làm giáo viên của mình đã sụp đổ”, cô He nói.

Chính sách "không ca nhiễm Covid-19" tại Trung Quốc tập trung vào thi hành lệnh phong tỏa, xét nghiệm đại trà và cách ly những người có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc tiếp xúc gần với các ca bệnh tại những cơ sở của chính quyền địa phương.

Hiện tại, trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người đã chia sẻ trải nghiệm buồn của bản thân sau khi mắc Covid-19. Một số người cho hay trong tháng này, không ít nhà tuyển dụng đã loại đơn xin việc của các ứng viên có tiền sử mắc Covid-19.

Ngay sau đó, vào ngày 13/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi quyền xin việc bình đẳng đối với tất cả người lao động. Theo ông Lý, sự phân biệt đối xử với người từng mắc Covid-19 là bị cấm, và bất cứ ai vi phạm cũng sẽ bị xử lý.

Tuy nhiên, sau 2 tháng kể từ khi bị ngôi trường ở tỉnh Hà Bắc sa thải, cô He vẫn chưa xin được việc. Thậm chí, cô gái trẻ còn bị bạn bè xa lánh.

Cô He cho hay cô hiện kiếm tiền bằng cách đăng video về cuộc sống ở Ukraine lên các nền tảng Weibo, Douyin và Bilibili, nơi cô có hơn 2,2 triệu người theo dõi. Nhưng ước mơ của cô He là được làm giáo viên.

“Lý do là vì tôi muốn giúp đỡ các em học sinh ở những thị trấn nhỏ, bởi các em rất cần được giúp đỡ”, cô He nhấn mạnh.

Cũng theo cô He, cô rất khó xin được việc ở các cơ sở giáo dục, bởi họ đều biết cô từng mắc Covid-19 sau khi cô chia sẻ chuyện bị sa thải hồi tháng Năm lên mạng xã hội.

Đoạn video được cô He đăng lên mạng hồi tháng Năm đã được chia sẻ chóng mặt và trở thành một trong những video được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo.

“Vì sao chúng tôi lại bị đối xử như virus, dù chúng tôi đã đánh bại nó?”, cô He nói trong video được đăng lên Weibo vào ngày 29/5.

Nhiều người từng mắc Covid-19 nhưng đã hồi phục cũng chia sẻ trải nghiệm của bản thân dưới những bài đăng và video của cô He. Họ cho biết bản thân đã bị phân biệt đối xử và thậm chí là kỳ thị do từng mắc virus corona.

Cô He cho biết cô hoan nghênh tuyên bố mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhưng cô lo sợ sự thay đổi trong nhận thức của người dân không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

“Tôi hy vọng vào một ngày không xa, tôi sẽ không phải lo lắng khi nói với mọi người rằng tôi từng mắc Covid-19”, cô He tâm sự.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
  • Học xuất nhập khẩu có dễ xin việc không? Cơ hội việc làm thế nào
    Bạn đang tìm kiếm một ngành nghề mới để phát triển sự nghiệp? Bạn đang quan tâm đến lĩnh vực xuất nhập khẩu nhưng lại lo lắng về khả năng xin việc và thành công trong ngành này? Liệu học xuất nhập khẩu có dễ xin việc không mời bạn đọc theo dõi chi tiết trong bài viết này.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội xin việc đầy mong manh của người từng mắc Covid-19 ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO