Cơ hội mở rộng năng lực MRO với ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc

08/02/2024 09:34

Hàn Quốc và Mỹ đang xem xét khả năng ngành công nghiệp quốc phòng của Seoul tham gia bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO) tàu chiến cũng như vũ khí của Washington.

Hàn Quốc và Mỹ đã thảo luận về các dịch vụ MRO cho tàu chiến của Washington được một năm nay. Trong khi đó, các dịch vụ MRO cho vũ khí của Washington chỉ mới được hai nước bắt đầu thảo luận từ tháng 12-2023. Mỹ hiện duy trì khoảng 28.000 quân tại Hàn Quốc trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1953. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, một thỏa thuận song phương về các dịch vụ MRO cho tàu chiến và vũ khí sẽ góp phần nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội hai nước, đóng góp vào ổn định trong khu vực.

"Nếu các loại vũ khí của quân đội Mỹ đóng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể được bảo dưỡng tại Hàn Quốc thì năng lực MRO của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc có thể được mở rộng và thời gian bảo dưỡng có thể được rút ngắn", một thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh.

Tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge của hải quân Mỹ trong một lần được bảo dưỡng tại nhà máy đóng tàu Norfolk, bang Virginia. Ảnh: Stars and Stripes

Năm ngoái, các doanh nghiệp Hàn Quốc gồm HD Hyundai Heavy Industries, Hanjin Heavy Industries, SK oceanplant, Hanwha Ocean cùng giới chức Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc (DAPA) đã có chuyến thăm tới các hãng đóng tàu của Mỹ như Huntington Ingalls Industries (HII), General Dynamics NASSCO để tìm hiểu khả năng hợp tác đóng tàu và các dự án MRO chung.

Theo DAPA, chuyến thăm "xác định các cam kết", tìm giải pháp ứng phó "tình trạng bất ổn trong chuỗi cung ứng" và sự thiếu hụt lực lượng lao động có trình độ, các giải pháp "khắc phục những khó khăn về thể chế và môi trường" mà ngành công nghiệp đóng tàu phải đối mặt. Hai bên cũng thảo luận việc phát triển các công nghệ tân tiến, nâng cao chất lượng tàu chiến. "Cần có sự hợp tác và hành động ở cấp chính phủ của Mỹ và các quốc gia đồng minh", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh.

Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh cải thiện năng lực bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật là vấn đề được hải quân Mỹ chú trọng những năm gần đây. Điều này cũng là dễ hiểu bởi kể từ khi Hải quân Mỹ chuyển trọng tâm từ “sửa chữa thời chiến sang bảo dưỡng thời bình, giảm số lượng các nhà máy đóng tàu” sau Chiến tranh Lạnh, năng lực bảo dưỡng của lực lượng này thường xuyên bị đánh giá là “gặp nhiều vấn đề, gây trở ngại nghiêm trọng đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu”. Văn phòng Kiểm toán Liên bang Mỹ (GAO)-một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ không ít lần khẳng định năng lực bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật của hải quân Mỹ “không hiện diện ở nơi cần thiết”.

Tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis (CVN-74) của hải quân Mỹ trong một lần được bảo dưỡng tại nhà máy đóng tàu Puget Sound, bang Washington. Ảnh: Stars and Stripes

Theo Chuẩn đô đốc William Greene, người phụ trách công tác bão dưỡng tàu mặt nước của hải quân Mỹ, thời gian qua, lực lượng này đã dành nhiều sự quan tâm tới việc chuẩn bị cho kịch bản tàu chiến bị hư hại trong trường hợp giao tranh. Hải quân Mỹ đã đưa kịch bản này vào trong các cuộc tập trận lớn trên biển, cho kích hoạt thuốc nổ trên các tàu-vốn đã bị loại biên-để các thủy thủ thực hành đưa chúng quay trở lại cảng, tiến hành đánh giá hư hại và sửa chữa.

Phó đô đốc James Downey, người đứng đầu Bộ chỉ huy các hệ thống tác chiến của hải quân Mỹ cho biết, lực lượng này đang soạn thảo đề xuất các tàu chiến Mỹ được bảo dưỡng tại các nhà máy đóng tàu ở các quốc gia đồng minh trong tương lai gần. Đề xuất dự kiến sẽ cho phép trong một tài khóa có tới 6 tàu chiến của hải quân Mỹ được bảo dưỡng ở nước ngoài, có thể là 3 chiếc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và 3 chiếc tại châu Âu, với thời gian bảo dưỡng tối đa 90 ngày/chiếc. Mặc dù con số 90 ngày nói trên ngắn hơn nhiều so với thời gian bảo dưỡng tại các nhà máy đóng tàu của Mỹ nhưng nó sẽ cho phép các cơ sở bảo dưỡng ở nước ngoài phần nào hiểu được "cách làm việc với hải quân Mỹ, thiết kế và hệ thống vũ khí trên các tàu chiến của Mỹ", đồng thời tạo cơ sở cho việc sửa chữa các tàu chiến của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp.

Trong khi đó, về phía Hàn Quốc, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này ngày càng phát triển, ăn nên làm ra. Các sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc được các khách hàng đánh giá là đáng tin cậy, có công nghệ tiên tiến với giá cả phải chăng. Hàn Quốc hiện đang đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu quốc phòng lớn thứ tư thế giới vào năm 2027, sau Mỹ, Nga và Pháp.

HOÀNG VŨ (theo Defense News, DW, CNBC, Business Insider)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/co-hoi-mo-rong-nang-luc-mro-voi-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-han-quoc-764503
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/co-hoi-mo-rong-nang-luc-mro-voi-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-han-quoc-764503
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội mở rộng năng lực MRO với ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO