Amazon vừa công bố sẽ tổ chức sự kiện mua sắm thường niên Prime Day vào tháng 7. Sự kiện diễn ra tại hơn 20 quốc gia, tạo cơ hội cho các nhà bán hàng toàn cầu – trong đó có Việt Nam – tiếp cận khoảng 200 triệu khách hàng của nền tảng này.
Amazon Prime Day là một trong những sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm trên toàn cầu. Sự kiện kéo dài trong 48 tiếng đồng hồ, chỉ dành cho những thành viên có đăng ký gói Prime của Amazone. Trong dịp này, rất nhiều chương trình ưu đãi được đưa ra nhằm kích thích mua sắm.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho hay sự kiện Prime Day năm ngoái các mặt hàng “made in Vietnam” nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhất là các sản phẩm trang trí nhà cửa. Năm nay, sự kiện tiếp tục là cơ hội để quảng bá sản phẩm Việt Nam ra khách hàng toàn thế giới.
Đội ngũ Amazon tại Việt Nam cho biết sẽ thực hiện các chương trình đào tạo nhằm giúp doanh nghiệp trong nước sẵn sàng và tận dụng lợi thế trong ngày Prime Day, cụ thể về cách tạo và quản lý các ưu đãi và khuyến mãi, cách sử dụng công cụ quảng cáo để đạt được thành công khi triển khai chiến dịch.
Trên Amazon, ngoài các mặt hàng do hãng này cung cấp còn có hàng hoá từ các nhà bán từ toàn cầu. Năm 2021, sự kiện Prime Day kéo dài hai ngày đánh dấu sự kiện lớn nhất từ trước đến nay cho các doanh nghiệp bên thứ ba hoạt động trên Amazon, với mức tăng trưởng thậm chí vượt mảng kinh doanh bán lẻ của Amazon.
Trên toàn cầu, hơn 250 triệu sản phẩm, trong đó có các sản phẩm Made-in-Vietnam, được bán ra cho các thành viên Prime trong sự kiện Prime Day 2021. Trong đó, các ngành hàng bán chạy nhất bao gồm dụng cụ, làm đẹp, dinh dưỡng, chăm sóc trẻ em, đồ điện gồm các thiết bị Amazon, quần áo và sản phẩm gia dụng.
Prime Day năm ngoái, hơn 67.000 sản phẩm của các nhà bán tại Việt Nam được bán ra trong 2 ngày. Trong đó, các sản phẩm trang trí nhà cửa được ghi nhận bán chạy nhất trong loạt sản phẩm Made in Vietnam được tiêu thụ.
Trả lời ICTnews trước đây về khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam so với các nước khác trên toàn cầu, ông Gijae Seong thừa nhận năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước không thể so sánh với một số nước tiên tiến về các loại hàng có hàm lượng công nghệ cao, ví dụ hàng điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt có thế mạnh về hàng thủ công, nội thất, đồ nhà bếp, đồ gốm, mây tre đan…
Ngoài việc phải bảo đảm chất lượng, ông Gijae Seong khẳng định các doanh nghiệp Việt cần nắm những quy tắc cạnh tranh toàn cầu trên thương mại điện tử.
Chẳng hạn, phải kể các câu chuyện riêng về sản phẩm của mình sao cho thu hút so với các đối thủ khác trên sàn. Khách hàng toàn cầu hiện nay chú trọng về câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm, do chất lượng hàng hoá đã ngang nhau giữa nhiều nhà bán.
Song song đó, cần chú trọng phản hồi của khách hàng về sản phẩm để trả lời kịp thời, giúp người mua thấy được sự nhiệt tình từ nhà bán. Việc lắng nghe phản hồi trên sàn cũng giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu để được khách hàng toàn cầu biết đến nhiều hơn.