Có hiện tượng cửa hàng thông báo hết xăng, vắng tanh bóng khách

29/08/2022 18:44

Trong khi Bộ trưởng Công Thương liên tục khẳng định "không thiếu nguồn cung" xăng dầu trong nước thì theo ghi nhận của , một loạt cửa hàng xăng dầu ở Tuyên Quang phải thông báo hết hàng.

Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu mới đây (hôm 26/8), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ nay tới cuối năm không thiếu nguồn cung. Khả năng cung ứng nguồn cung ứng được tính tới từ hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn (3,3 triệu m3 xăng dầu trong quý III và 4,4 triệu m3 vào quý IV), cộng thêm nguồn nhập khẩu.

Tuy nhiên thực tế theo ghi nhận của PV Dân trí, không ít đại lý, thương nhân phân phối kêu khó khăn trong việc nhập hàng. Nhiều thời điểm, các mặt hàng xăng hoặc dầu được thông báo hết. Nếu có, với mức chiết khấu 0 đồng hoặc âm, cả đại lý và phân phối đều than lỗ nặng.

Một số chủ đại lý xăng dầu than không biết chịu được lỗ đến bao giờ. "Càng bán càng lỗ, mỗi lít xăng bán ra lỗ vài trăm đồng, lấy hàng cũng khó khăn, đi vài chỗ mới được đủ xe, tôi thực sự rất muốn đóng cửa", một chủ đại lý xăng dầu ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) nói.

Lãnh đạo một số Sở Công Thương địa phương mới đây cũng đề cập hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ phản ánh chiết khấu hoa hồng giảm về 0, dẫn tới hệ thống khó khăn trong duy trì hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, ngày 29/8, tại một số địa phương vùng xa như Tuyên Giang, theo thông tin Dân trí nắm được, không ít cửa hàng đã phải đóng cửa, thông báo hết hàng.

Bà T. - chủ một cửa hàng xăng dầu ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, cho biết, cửa hàng chỉ còn dầu, xăng đã hết sạch. "Chúng tôi hết xăng từ trưa nay, phân phối hẹn ngày mai giao hàng nhưng cũng chỉ khoảng 2.000 lít, chúng tôi bán duy trì", bà T. nói.

Theo bà T., cửa hàng chấp nhận chịu lỗ khi chiết khấu về 0 đồng, chỉ mong đủ hàng bán nhưng vẫn khó khăn trong việc duy trì. "Nhiều người nói chúng tôi chỉ biết kêu khi lỗ, còn lúc giá lên lãi cao thì không thấy nói. Nhưng thực sự là lúc giá chuẩn bị lên thì có lấy được hàng đâu mà lãi", bà T. ngậm ngùi.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Cục quản lý thị trường Tuyên Quang cho biết, đang cho đơn vị đi xác minh thông tin phản ánh về tình trạng một số cửa hàng xăng dầu hết hàng. Theo vị này, có doanh nghiệp cũng đã chủ động báo cáo tới cơ quan chức năng về tình trạng khó khăn trong nguồn cung khiến họ phải thông báo hết hàng.

Có hiện tượng cửa hàng thông báo hết xăng, vắng tanh bóng khách - 1

Một cửa hàng thông báo hết xăng có địa chỉ ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Việc đóng cửa hết xăng dầu ở những địa phương vùng sâu, vùng xa được cho là vô cùng bất tiện với người dân, bởi đường sá xa xôi, đi lại khó khăn (Ảnh: Đ.M.H).

Ông Đào Minh Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng - một đơn vị phân phối khu vực Tuyên Quang cho biết, tình hình nguồn cung vô cùng khó khăn. Trong 1 tuần trở lại đây, cửa hàng chỉ lấy được xăng dầu một cách nhỏ giọt so với thời điểm bình thường.

"Chúng tôi vẫn xoay đủ nguồn để cấp hàng cho các đối tác có hợp đồng với mình, nhưng nhìn chung tình hình rất khó khăn. Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có biện pháp tháo gỡ tình trạng này", ông Huệ kiến nghị. Theo vị này, nên điều chỉnh giá xăng 7 ngày một lần thay vì 10 ngày như hiện nay, tránh tình trạng đầu mối găm hàng.

Có hiện tượng cửa hàng thông báo hết xăng, vắng tanh bóng khách - 2

Một cửa hàng treo biển "tạm hết xăng" (Ảnh: Đ.M.H).

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết việc các doanh nghiệp đầu mối hạ chiết khấu xăng dầu xuống mức thấp, thậm chí hạ xuống mức 0 đồng là chuyện bình thường trong kinh doanh. Những lúc nguồn cung ổn định, các thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều được hưởng mức chiết khấu cao.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), mặc dù điều hành giá xăng từ lúc 15 ngày đã giảm xuống còn 10 ngày một lần, nhưng vẫn không theo kịp biến động giá trên thị trường quốc tế.

Theo chuyên gia này, cái đoạn chiết khấu 0 đồng chỉ là cách để các doanh nghiệp đầu mối "tăng giá bán buôn" theo đà tăng của thế giới.

"Đương nhiên, khi đầu mối đã tăng giá bán buôn, mà giá bán lẻ không được điều chỉnh, thì bên bán lẻ không muốn làm. Kết quả là thiếu xăng cho dân trong vài ngày", vị chuyên gia lý giải.

"Cứ trước mỗi lần điều chỉnh giá, nếu thấy giá trên thị trường quốc tế tăng cao, thì nhà cung cấp sẽ bán cầm chừng, đợi qua đợt điều chỉnh giá rồi mới bán để hưởng doanh thu cao hơn", ông Nguyễn Minh Đức nói thêm.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp Hội xăng dầu Việt Nam - nhận định, có thể việc tăng giá từ thị trường thế giới những ngày gần đây đã tác động tới tâm lý của một số cửa hàng.

Vị này cũng đánh giá nếu không điều hành giá vào ngày 1/9 thì kỳ điều chỉnh này sẽ kéo dài đến là 15 ngày. Về mặt hoạt động kinh tế thì rõ ràng với chu kỳ điều chỉnh giá trên trong khi giá lại lên và nếu không có giải pháp kịp thời, doanh nghiệp xăng dầu sẽ thêm lỗ, khó khăn trong kinh doanh.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Có hiện tượng cửa hàng thông báo hết xăng, vắng tanh bóng khách
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO