Chị Đinh Thu Hồng và cuốn sách mới nhất. (Ảnh: NVCC) |
Công tác tại trường tiểu học Bethesda (học khu Gwinnett, bang Georgia), chị vẫn có nhiều cách để kết nối với quê hương như làm giảng viên nhiều khóa học cộng đồng, diễn giả cho các tổ chức uy tín như Chương trình học thuật Đại sứ quán Mỹ và những talkshow về phương pháp giáo dục, nuôi dạy con…
Tốt nghiệp ngành báo chí và từng làm nghề báo ở Việt Nam, lý do chị rẽ ngang làm giáo viên tiểu học tại Mỹ?
Tôi sang Mỹ định cư từ năm 2007, lúc đó có bằng cử nhân khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và văn bằng hai khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dù được đào tạo cơ bản báo chí nhưng tôi nhận thấy làm báo ở Mỹ rất khốc liệt và không phù hợp với tính cách bản thân, tôi quyết định chuyển nghề giáo viên vì yêu trẻ em, tính cách cẩn thận và kiên trì.
Tuy nhiên, muốn theo nghề này tôi cần tiếp tục theo chương trình đào tạo giáo viên ở Mỹ, đáp ứng hai điều kiện: có bằng cử nhân và thi đỗ kỳ thi Praxis I, gồm ba môn cơ bản ở bậc tiểu học là đọc, viết và toán.
Với kỳ thi Praxis I, tôi phải mua tài liệu trên mạng và hiệu sách về tự ôn và mất nhiều thời gian để học do từ vựng khó. Dù vậy, tôi đã đỗ Praxis I ở lần thi đầu tiên và trở thành sinh viên Đại học Stockton, bang New Jersey.
Với chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL), tôi phải học trong ba năm. Ngoài thời gian học trên lớp, sinh viên có bốn lần đi thực tập diễn ra ngay từ kỳ học đầu tiên.
Học xong chương trình cũng là lúc phải vượt qua kỳ thi đầu ra Praxis II với các kiến thức tổng hợp của các môn đọc, viết, khoa học và xã hội. Sau khi tốt nghiệp, tôi đi dạy ESL tại một trường cao đẳng cộng đồng năm 2012, rồi chính thức trở thành giáo viên tiểu học ở Mỹ.
Khác biệt văn hóa đã làm khó một giáo viên người Việt như thế nào?
Trong quá trình đi dạy, thách thức lớn nhất với tôi là thích nghi văn hóa. Mỹ là môi trường đa văn hóa, những tiếp xúc như vỗ vai có thể khiến giáo viên bị kiện. Nhiều giáo viên vô tình có những hành động như vậy có thể bị mất giấy phép dạy học.
Ở Mỹ, muốn làm việc với trẻ em còn phải xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, trải qua nhiều bài kiểm tra và có hồ sơ pháp lý để được phép đến gần trẻ. Ngay cả việc viết chữ, các bạn chỉ học viết chữ in chứ không viết các nét cong như ở Việt Nam, nên tôi phải thay đổi nét chữ của mình.
Tuy nhiên, khi làm giáo viên tôi có cái nhìn sâu sắc và bao dung hơn, hiểu biết được văn hóa, hoàn cảnh của học sinh và chấp nhận những góc nhìn khác nhau.
Từ trải nghiệm của bản thân, chị cho rằng phương pháp giáo dục nổi bật nào của Mỹ mà người Việt cần học hỏi?
Theo tôi, đó là góc nhìn nhân văn, các học sinh được coi là đặc biệt, thiểu số rất được quan tâm như có xe đưa đón riêng, chương trình học riêng, miễn phí đồ ăn…
Về phương pháp dạy, ở Mỹ không chỉ có ghi nhớ thông tin cơ bản mà có phân tích, tổng hợp, đào sâu cùng với tư duy phản biện, đánh giá. Cùng một khái niệm nhưng giáo viên sẽ đưa ra nhiều phương pháp khác nhau để giúp học sinh nắm vững khái niệm ấy; cùng một vấn đề nhưng học sinh sẽ có một vài cách để tiếp cận khác nhau…
Vậy công việc viết sách của chị khởi nguồn từ đâu?
Tháng 12/2016, tôi về Việt Nam chuyến đầu tiên sau khi đã đi làm ở trường công tại Mỹ. Gặp gỡ bạn bè thân trong nước, tôi có chia sẻ với các bạn về công việc giảng dạy của mình tại Mỹ và các bạn bảo nó rất hay và khác lạ nên tôi quyết định lập một fanpage trên Facebook là Học kiểu Mỹ tại nhà – với mong muốn tạo một kênh trao đổi với nhiều người. Lúc đầu trang có khoảng 300 người theo dõi, đến nay đã có gần 60.000 người kết nối. Một biên tập viên của Nhã Nam đã liên hệ và muốn tôi tập hợp các bài viết trên trang của mình thành một cuốn sách.
Năm 2019, cuốn sách đầu tiên của tôi đã ra đời mang tên Học kiểu Mỹ tại nhà nói về tổng quan các môn học tại Mỹ, phương pháp học như thế nào và nguồn tài liệu tham khảo. Cuốn thứ hai ra đời trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 là Học STEM kiểu Mỹ tại nhà, bởi đây là phương pháp học thực hành rất tốt, bố mẹ có thể giúp các con học với các vật dụng trong nhà.
Nếu hai cuốn đầu về trí tuệ thì cuốn thứ ba Phát triển năng lực cảm xúc xã hội tìm hiểu về thế giới nội tâm. Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho góc nhìn của chúng ta biến đổi nhiều, sống chậm hơn và có thể tĩnh tâm nhìn lại con người bên trong.
Thời điểm ấy, trường học của tôi triển khai các bài học về cảm xúc xã hội nên tôi quyết định làm cuốn sách này. Hơn nữa, lĩnh vực giáo dục cảm xúc xã hội ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, nguồn tài liệu chủ yếu bằng tiếng Anh.
Chị Đinh Thu Hồng. (Ảnh: NVCC) |
Chị muốn truyền thông điệp gì qua những cuốn sách tại Việt Nam?
Những cuốn sách của tôi ra đời với mong muốn nền văn hoá giáo dục tiên tiến bậc nhất ở Mỹ sẽ được đến với mọi đối tượng, bởi không phải ai cũng có Internet nhưng ai cũng có thể mua được sách.
Tôi hy vọng những phương pháp giáo dục tôi đang thực hành bên Mỹ có thể đến với những thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa, cũng như cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, bởi không phải ai cũng có điều kiện để sang Mỹ học hoặc được dự các khóa học về phương pháp giảng dạy mới.
Thông tin mà tôi đưa ra cũng là nguồn tham khảo cho những đồng nghiệp, những người làm trong ngành giáo dục Việt Nam cũng như phụ huynh người Việt. Đây đều là những phương pháp tiến bộ nên tôi muốn lan tỏa đến mọi người.
Chị có ấp ủ gì cho những dự án sách trong thời gian tới?
Có một chủ đề mà sau này tôi muốn viết như về việc học tiếng Anh, bởi rất nhiều học sinh Mỹ là đối tượng người nhập cư và việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam trong nhiều trường học vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
Một dự định khác là viết về đối tượng học sinh tài năng - năng khiếu. Ở Việt Nam, dù chúng ta có rất nhiều trường chuyên nhưng khái niệm học sinh tài năng - năng khiếu vẫn đang bị hiểu chưa đúng, chẳng hạn là học sinh học giỏi mới là tài năng, năng khiếu.
Ở Mỹ, cả những học sinh học chưa tốt nhưng vẽ giỏi thì cũng là học sinh tài năng - năng khiếu, thậm chí cả các bạn bị tự kỷ nhưng giỏi về máy móc, lắp ráp hoặc tư duy tin học tốt cũng được coi là học sinh tài năng - năng khiếu. Tôi đã dạy lớp tài năng-năng khiếu được ba năm nay, nên có kinh nghiệm để có thể viết thành sách.
Công việc giảng dạy bận rộn nhưng chị luôn dành nhiều thời gian kết nối và tương tác với trong nước. Chị còn làm admin của nhiều group như Đồng hành cùng con ở Mỹ, Giáo viên người Việt tại Mỹ phải không?
Khi lập group Giáo viên người Việt tại Mỹ, tôi muốn hỗ trợ những bạn giáo viên lập nghiệp ở Mỹ. Hiện khu vực tôi sống chỉ có khoảng ba, bốn người thôi, nhưng gặp nhau, trao đổi sẽ kết nối được các bạn ở các tiểu bang khác và chúng tôi có thể hỗ trợ nhau về thông tin, tinh thần và nghiệp vụ chuyên môn.
Trong thời gian dịch bệnh, thông qua phát trực tiếp trên trang, nhóm, chúng tôi đã vận động quyên góp cho các quỹ phòng chống Covid-19 ở các tỉnh, thành khác nhau.
Có thể nói, dù sống ở Mỹ nhưng tôi luôn mong muốn được kết nối với quê hương thông qua các khoá học đào tạo, dự án cộng đồng, buổi nói chuyện ở các trường học… với những chia sẻ từ phương pháp giáo dục đến nuôi dạy con cái. Ngày nào tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi mua sách, tư vấn tình huống, chia sẻ nghiệp vụ… Có những câu hỏi đã gợi ý cho tôi những ý tưởng, đề tài mới.
Là phụ nữ Việt nuôi con trong môi trường giáo dục Mỹ, chị có gặp trở ngại khi giúp con không quên ngôn ngữ mẹ đẻ và gìn giữ văn hóa truyền thống?
Hồi cháu còn bé, tôi thường đọc truyện tiếng Việt, cho con nghe hát và đọc thơ, cho đi học tiếng Việt, giao tiếp thường xuyên với ông bà ngoại nên cháu nói được giọng Bắc chuẩn.
Khi cháu lớn lên, công việc này khó khăn hơn vì đi học ở trường chỉ nói tiếng Anh. Ngoài ra, với suy nghĩ của Gen Z, các bạn học gì phải có nhu cầu nên đến khi nào bạn ấy có nhu cầu về Việt Nam thì sẽ chủ động học thêm tiếng Việt.
Tuy nhiên, chúng ta có thể dạy con về văn hoá truyền thống, về lễ nghi, tôn sư trọng đạo, về ẩm thực…
Điều đặc biệt là tuy sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng con tôi rất yêu thích ẩm thực Việt Nam, luôn chọn đồ ăn Việt hơn đồ ăn Tây. Đây cũng chính là một cách con thể hiện sự trân trọng với giá trị nguồn cội của mình!
Baoquocte