Cô Nguyễn Trúc Dương là giáo viên tập sự giảng dạy bộ môn Toán ở trường Trung học Thực hành Sài Gòn từ tháng 9/2021. Thời gian nghỉ phòng, chống dịch COVID-19 gắn với cô giáo trẻ nhiều kỷ niệm khi dạy học online.
"Tôi nhớ, trong lớp học có một số học sinh ngại giao tiếp. Khi tôi gọi tới tên thì học sinh thoát ra khỏi lớp. Lúc đó tôi không biết làm thế nào để kiểm tra xem học sinh hiểu bài hay không. Tôi đã phải trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để hiểu tình hình thực tế của học sinh, từ đó giúp học sinh khắc phục hạn chế này", cô Nguyễn Trúc Dương kể.
Không bắt buộc học sinh mở camera trong tiết học
Thời gian thực tập, cô Dương đã quen với việc dạy học trực tiếp. Được giao tiếp và giải đáp thắc mắc của học sinh là điều cô quan tâm nhất trong mỗi tiết học. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khoảng thời gian trở thành giáo viên tập sự của Trúc Dương đã phải gắn liền với việc dạy học trực tuyến.
Nhận thấy khó khăn khi dạy online là nhiều học sinh không hiểu bài nhưng ngại giao tiếp để hỏi giáo viên. Cô Dương đã thực hiện giải pháp kiểm tra 15 phút hoặc kiểm tra giữa kỳ để phát hiện học sinh chưa nắm vững kiến thức, sau đó trao đổi riêng để học sinh mở lòng hơn với giáo viên.
"Học sinh mở lòng hơn thì mới chia sẻ với mình những vấn đề còn thắc mắc của bài học. Tôi luôn cố gắng để học sinh học tốt hơn", cô Dương nói.
Cô Dương cho biết phương pháp dạy học của bản thân luôn thay đổi tùy theo những bài học cụ thể.
"Đối với những bài học cần tính trực quan, nếu như ở trên lớp, học sinh có thể học nhóm để hiểu bài thì trong mùa dịch tôi buộc phải giao bài tập về nhà để học sinh tìm hiểu trước kiến thức", cô Dương chia sẻ.
Trong phương pháp dạy Toán của mình, khi cho học sinh tiếp cận với khái niệm mới, cô Dương thường lựa chọn các hình ảnh sinh động, gắn liền với thực tế để học sinh nhận thấy việc học trở nên gần gũi, không trừu tượng. Nữ giáo viên theo đuổi cách cung cấp kiến thức cô đọng và ngắn gọn.
Ở các tiết học online, cô Dương thường dùng phương thức tặng điểm cộng để kích thích tinh thần phát biểu của học sinh. Nữ giáo viên không yêu cầu mở camera vì sợ ảnh hưởng đến đường truyền mạng khi học sinh tiếp thu kiến thức. Để quan sát lớp học, cô Dương thường gọi tên bất chợt của học sinh và yêu cầu trả lời câu hỏi, nếu học sinh trả lời ngay lập tức thì chứng minh đang theo dõi bài giảng.
Cô Trúc Dương nhận định khi dạy học online, giáo viên nên giao bài tập về nhà để học sinh thực hiện ở mức độ vừa phải, khoảng 2, 3 bài để tổng kết kiến thức.
"Học trực tuyến, học sinh đã phải tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, điện thoại rồi nên rất mệt mỏi. Tôi nghĩ, trong mùa dịch này, giáo viên cần giúp học sinh nắm vững các kiến thức trọng tâm, kiến thức cơ bản, không cần dạy những dạng toán nâng cao và giao nhiều bài tập", cô Dương chia sẻ.
Mong muốn trở thành giáo viên dạy giỏi
Tốt nghiệp Đại học Sài Gòn, cô Nguyễn Trúc Dương sở hữu bằng tốt nghiệp loại xuất sắc. Điểm GPA của cô giáo trẻ là 9,09/10. Trong đó, cô Dương đạt điểm A ở 32 môn học.
Ngoài thành tích học tập, cô giáo tập sự còn đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp khoa Toán - Ứng dụng trong 3 năm học liên tiếp là 2018, 2019, 2020. Nữ giáo viên cũng đạt giải nhất cuộc thi "Toán vui" và đạt giải nhì cuộc thi "Nghiệp vụ sư phạm" lần thứ 5 do Ban chấp hành khoa Toán - Ứng dụng trường ĐH Sài Gòn tổ chức.
Cô Dương cho biết bản thân chú trọng việc tự học. Đối với những kiến thức được giảng viên ở trường cung cấp, nếu như chưa hiểu, cô Dương sẽ về nhà đọc sách để tìm hiểu vấn đề đó. Khi không thể hiểu được, cô giáo tập sự sẽ nhờ giảng viên giải đáp thắc mắc.
Định hướng theo đuổi ngành sư phạm từ những năm học cấp 2, cô Dương liên tục nhận những định kiến về đam mê của mình. Trong đó, nữ giáo viên thường xuyên nghe các nhận định là "học Sư phạm dễ thất nghiệp".
"Tôi nghĩ rằng với ngành Sư phạm, mình phải cố gắng thực sự. Nếu bản thân cố gắng thì sẽ có cơ hội việc làm xứng đáng. Tôi không quan tâm đến những định kiến về ngành Sư phạm", nữ giáo viên nói.
Trong tương lai, cô Nguyễn Trúc Dương dự định học lên thạc sĩ ngành Sư phạm Toán học và mong muốn bản thân trở thành một giáo viên dạy giỏi. Theo cô Dương, một giáo viên tốt là phải hiểu tâm lý học sinh và nhận biết học sinh đang cần gì.
"Nhiều lúc, tôi có thể gặp những trường hợp học sinh rất ngỗ nghịch, nhưng cái đó là tâm lý chung của lứa tuổi này. Tôi nghĩ, mình cần cảm thông cho học sinh, không nên vì vậy mà "đì" hoặc "dìm" học sinh. Khi học sinh không hiểu gì thì giáo viên nên giải đáp bằng tất cả sự quan tâm", cô nói.
(Nguồn: Zing News)