Thời gian qua đã có giáo viên bị buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động vì liên quan đến bạo lực học đường nhưng việc dùng bạo lực với học sinh vẫn còn tiếp diễn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, học sinh có thể mắc lỗi, có thể thường xuyên không làm bài tập... nhưng thế không có nghĩa là giáo viên được phép dùng bạo lực với học trò.
Về vụ việc cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím vì không hoàn thành bài kiểm tra, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc - Trung tâm tư vấn trị liệu tâm lý Hạnh Phúc (Hà Nội) cho rằng những vụ giáo viên dùng bạo lực để giáo dục học sinh cũng cho thầy cô một bài học về tính kiên nhẫn của nghề giáo.
“Quá trình đào tạo sư phạm phải làm giúp các thầy cô giữ được chữ "nhẫn" và sự bình tĩnh trước học sinh cho dù là học sinh chưa ngoan, chưa làm bài tập. Vấn đề là giáo viên phải dùng kỹ năng sư phạm của mình để định hướng học sinh phát triển theo hướng tích cực.
Có những người từng hỏi tôi rằng giáo dục bằng bạo lực có thể làm cho đứa trẻ ngoan hơn không?
Tất nhiên là không vì bạo lực chỉ tạo ra bạo lực. Sự phòng vệ của một đứa trẻ bị bạo lực là sự tức giận trút đau đớn đó lên đứa trẻ khác, là lì lợm và chống đối người lớn mà thôi.
Điều nguy hiểm nhất là đứa trẻ bị bạo lực sẽ chán ghét bản thân, trở nên yếu đuối. Tôi đã từng gặp cháu bé kể về sự đau khổ vì không có khả năng học tốt và bị cô giáo chì chiết. Điều này làm cháu thu mình, chán ghét bản thân và thực sự khủng hoảng mỗi khi phải đối diện với học tập.
Tôi cho rằng giáo viên được trao quyền trong giáo dục trẻ nhưng quyền đó phải đặt trên nền tảng của thấu hiểu, bao dung, độ lượng và yêu thương, không bao giờ dung chứa sự bạo hành”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Cũng theo chuyên gia này, để ngăn ngừa bạo lực học đường, bên cạnh gia đình thì nhà trường phải thực thi giáo dục trước, định hướng trước. Nhà trường phải thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử văn hóa trong môi trường học đường để giáo viên và các em học sinh tuân thủ nội quy, quy trình, rèn luyện ở trong chính môi trường quan trọng này.
Đối với học sinh, mỗi thầy cô cần thể hiện rõ vai trò là người hướng dẫn, chỉ bảo các em bằng chính tình thương yêu chân thành của mình. Như vậy, học sinh sẽ cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô dành cho các em. Đây cũng chính là chất xúc tác quan trọng tạo điều kiện cho "phương trình hóa học" mang tên hạnh phúc của cả giáo viên và học sinh được diễn ra trọn vẹn nhất.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám |
Trước đó, chiều tối 23/5, mẹ của em H.T.R (học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Văn Tám ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) đã bức xúc đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh con gái bị cô giáo đánh bầm tím đùi và bắp tay chỉ vì không hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ. Ngay sau khi bài viết đăng tải đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều người bày tỏ thái độ bất bình trước cách hành xử của cô giáo đối với một học sinh còn quá nhỏ.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Đức Thuần - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám xác nhận nhà trường đang vào cuộc xử lý vụ việc một giáo viên của trường dùng thước đánh một học sinh lớp 1.
Theo ông Thuần, bước đầu nhà trường xác định vào chiều 23/5, tại lớp 1B diễn ra buổi kiểm tra cuối kỳ, thời điểm này em H.T.R bị đau bụng nhưng lại không nói cho cô giáo chủ nhiệm là cô Đ.T.X biết và em không hoàn thành bài kiểm tra.
"Khi cô X. hỏi thì em H.T.R cũng không nói gì cả. Cô giáo do áp lực nên đã dùng thước đánh em này", ông Thuận cho hay.
Cũng theo Hiệu trường Tiểu học Lê Văn Tám, trong sáng 24/5, Phòng GD-ĐT huyện đã về trường làm việc với sự tham dự của phụ huynh học sinh. Tại đây, cô giáo X. đã xin lỗi học sinh cùng phụ huynh và rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc.
"Gia đình học sinh cũng chấp nhận lời xin lỗi của cô giáo và bỏ qua mọi việc. Quan điểm của trường trong vụ việc là sai đến đâu phải nhận lỗi ở đó và sẽ xem xét xử lý theo quy định. Đây cũng là bài học không chỉ cho cô X. mà cho toàn thể giáo viên nhà trường", ông Thuần nhấn mạnh.
Hiện vụ việc đã được báo cáo đến UBND thị trấn Ea Pốk và UBND huyện Cư M'gar.
Hoàng Thanh