Cô giáo đánh 19 học sinh: Bộ quy tắc văn hóa học đường phải trở thành hành động tự giác của học sinh, giáo viên

20/05/2022 11:54

Qua làm việc với đoàn kiểm tra của Phòng GD&ĐT huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cô giáo L. - giáo viên trường THCS Quang Trung thừa nhận đã đánh 19 em của hai lớp khối 9 trong giờ học.

Trước vụ cô giáo tiếng Anh dùng thước đánh 19 học sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu gây xôn xao dư luận những ngày qua, nhiều chuyên gia cho rằng giáo dục bằng đòn roi, bạo lực chưa bao giờ mang lại hiệu quả, ngược lại còn phản giáo dục.

Theo cô Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thì bây giờ kể cả cha mẹ cũng không dùng đòn roi để dạy con. Trong các phương pháp giáo dục thì việc dùng bạo lực là ít hiệu quả nhất.

Cô giáo đánh 19 học sinh: Bộ quy tắc văn hóa học đường phải trở thành hành động tự giác của học sinh, giáo viên
Trường THCS Quang Trung nơi xảy ra vụ việc cô giáo đánh 19 học sinh gây xôn xao dư luận.

“Dù biết rằng, mỗi lớp có vài chục học sinh và mỗi em một tính cách khác nhau nhưng người thầy giỏi, tâm huyết với nghề sẽ biết định hướng và “lái” học trò theo hướng tích cực để tiến bộ chứ không ai dùng bạo lực với học trò bao giờ.

Giáo viên hãy đặt mình vào vị trí học trò, khi người khác truyền đạt, giảng dạy kém hấp dẫn, không thuyết phục thì mình cũng nói chuyện, cũng không tập trung.

Vì thế, học trò chưa ngoan thì đôi khi thầy cô cũng cần xem lại cách giảng dạy của mình đã thực sự lôi cuốn học trò hay chưa.

Đánh trẻ chỉ thể hiện sự bất lực, như một cách trút giận, giải tỏa cảm xúc tiêu cực của người lớn lên thân thể các em.

Bất cứ lúc nào bạn dùng toàn bộ lực tay của một con người, qua cây thước, vụt thẳng xuống học trò, thì tôi cho rằng đó chỉ là cách thỏa mãn cái cảm giác bề trên của người có quyền lực, và thể hiện sự bất lực trong kiềm chế cảm xúc.

Lâu nay, người thầy chưa được trang bị nhiều kỹ năng, kỹ thuật xử lý tình huống, đến nghệ thuật giảng dạy. Thế nhưng nói gì thì nói, mục đích của giáo dục là để học sinh hoàn thiện nhân cách, phát triển bản thân, dạy học sinh thành người tích cực. Vậy nên trong giáo dục, giáo viên phải tìm cách khắc phục những lỗi của học sinh, tìm hiểu vì sao học sinh lại mắc lỗi đó, có thể phạt nhưng không được dùng đòn roi.

Sản phẩm của giáo dục là đứa trẻ, vậy mục tiêu của tất cả hoạt động này là đứa trẻ có phẩm chất, nhân cách tốt, giáo viên từ đó xây dựng lộ trình phát triển cá nhân cho học sinh. Giáo viên nên đưa ra tiêu chí cho từng hoạt động để đánh giá khuyến khích chứ không phạt, bắt ép học sinh làm”, cô Loan cho hay.

Lý giải về việc bạo lực học đường lâu nay được nhắc đến rất nhiều nhưng vẫn còn những giáo viên dùng đòn roi với học trò, chuyên gia này cho biết ý tưởng xây dựng bộ quy tắc ứng xử học đường là tốt nhưng tại nhiều cơ sở giáo dục thì bộ quy tắc này chưa được thực hiện bằng hành động cụ thể, việc triển khai chỉ dừng lại ở khâu lý thuyết.

Hiện nay, chúng ta chưa trả lời được câu hỏi vì sao có mô hình tốt nhưng chưa triển khai được? Phải khuyến khích ra sao để nó trở thành hành động tự giác của bản thân mỗi học sinh, giáo viên? Ở đây điều quan trọng là vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Trước đó, mạng xã hội Facebook lan truyền bài viết của tài khoản "Khang Nguyễn" với nội dung "tố" đích danh cô giáo N.T.K.L. nhiều lần đánh đập, xúc phạm học sinh trong giờ học.

Theo bài viết đăng tải, cô L. thường xuyên xúc phạm học sinh hai lớp khối 9 trong giờ học với lời lẽ khó nghe. Ngoài đánh và xúc phạm học sinh, cô L. còn không công bằng trong chấm điểm đối với học sinh không đi học thêm, do cô L. có mở trung tâm tiếng Anh.

Cuối bài viết, tài khoản này cho biết đã hơn 1 tháng gửi tâm thư, kiến nghị lên hiệu trưởng nhà trường để đổi giáo viên dạy tiếng Anh nhưng chưa được giải quyết.

Liên quan đến sự việc này, ông Lê Thanh Kính - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Đức cho biết: "Sáng 18/5, tại buổi làm việc trực tiếp giữa đoàn kiểm tra của phòng giáo dục huyện với Ban giám hiệu trường THCS Quang Trung, cô giáo L. và các bên liên quan, bước đầu cô L. thừa nhận đã đánh tổng cộng 19 em trong giờ học, nhưng chỉ mang tính chất răn đe vì gia đình những em bị đánh có gửi gắm cô L. nhờ "giúp" các em học tốt hơn, chứ cũng không có ý kiến gì. Riêng đối với các nội dung tố cô L. xúc phạm học sinh và chấm điểm không công tâm, đoàn kiểm tra đang tiếp tục xác minh, làm rõ".

Cũng theo ông Kính, hiện Phòng GD&ĐT huyện Châu Đức đã chỉ đạo Ban giám hiệu trường THCS Quang Trung cho cô L. tạm ngưng tham gia dạy học ôn tập đối với hai lớp khối 9, bố trí giáo viên khác thay thế.

"Còn hai tuần nữa khối lớp 9 sẽ kết thúc môn học để chuẩn bị thi cuối cấp, nên trước mắt để giảm áp lực, tạo tâm lý ổn định cho các em, Phòng đã chỉ đạo nhà trường cho cô L. ngưng đảm nhận việc ôn tập cho hai lớp khối 9 đó. Sau khi xem xét mức độ vi phạm, sẽ tổ chức kiểm điểm, kỷ luật theo quy trình”, ông Kính cho hay.

Hoàng Thanh

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/van-hoa-hoc-duong/co-giao-danh-19-hoc-sinh-bo-quy-tac-van-hoa-hoc-duong-phai-tro-thanh-hanh-dong-tu-giac-cua-hoc-sinh-giao-vien-411329.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/van-hoa-hoc-duong/co-giao-danh-19-hoc-sinh-bo-quy-tac-van-hoa-hoc-duong-phai-tro-thanh-hanh-dong-tu-giac-cua-hoc-sinh-giao-vien-411329.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo đánh 19 học sinh: Bộ quy tắc văn hóa học đường phải trở thành hành động tự giác của học sinh, giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO