Cô giáo bị phạt 5 năm tù: Khắc phục gần 45 triệu sẽ có thêm tình tiết giảm nhẹ

10/05/2023 09:45

Theo Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, bị cáo Lê Thị Dung (nguyên giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên) nếu có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì có thể được HĐXX xem xét giảm nhẹ khung hình phạt.

Ngày 7/5, trao đổi với VietNamNet, ông Lâm Quốc Tú – Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, cơ quan đã gửi báo cáo toàn bộ diễn biến vụ án xét xử bị cáo Lê Thị Dung (nguyên giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hưng Nguyên) lên TAND tỉnh Nghệ An.

“Trong báo cáo nói rõ về việc HĐXX đã làm đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, có một số thông tin dư luận chưa hiểu rõ vụ án nên nhìn nhận chưa khách quan. Chúng tôi cũng gửi kèm đầy đủ nội dung bản án sơ thẩm”, ông Tú thông tin.

Theo ông Tú, nếu luật sư có tâm thì đã tư vấn cho gia đình nộp số tiền gần 45 triệu đồng để được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ trong vụ án. Luật sư không tuân thủ theo các quy định ở phiên tòa nên HĐXX đã mời ra ngoài phòng xử án.

Bà Lê Thị Dung lúc đang làm Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên. Ảnh: QH

“Gia đình bị cáo cứ nộp số tiền đó (gần 45 triệu đồng – PV) trong thời gian xét xử sơ thẩm. Phải khẳng định rằng, nộp số tiền này vì cáo buộc như vậy, và đây là số tiền tạm nộp. Nếu xác định có tội, đó là số tiền khắc phục hậu quả. Trường hợp tòa xác định không phạm tội thì sẽ trả lại số tiền đã nộp”, ông Tú nhìn nhận để có thêm tình tiết giảm nhẹ hình phạt theo Khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự.

Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên khẳng định, việc nộp tiền khắc phục hậu quả không đồng nghĩa với việc bị cáo nhận tội. Đây được coi là tình tiết giảm nhẹ thứ 2 để HĐXX xem xét tuyên án dưới khung hình phạt 5 năm tù.

“Trường hợp dưới khung hình phạt 3 năm trở xuống, có thể xem xét cho bị cáo hưởng án treo. Có những trường hợp ghê gớm hơn còn xử để được hưởng án treo, còn đây là trường hợp có nhân thân tốt và nhiều thành tích trong công tác. Nếu không có thêm một tình tiết giảm nhẹ nào nữa thì việc tuyên án vẫn nằm ở khung hình phạt 5 năm trở lên”, ông Tú cho biết.

Ông Tú nói thêm: “Nếu gia đình bị cáo nộp tiền là thêm 1 tình tiết để phiên tòa cấp phúc thẩm có đủ điều kiện để xem xét, giảm nhẹ hình phạt và cân nhắc có cho hưởng án treo hay không”.

Cùng ngày, ông Trần Ngọc Sơn - Chánh án TAND tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan đã nhận được báo cáo của TAND huyện Hưng Nguyên về phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Dung mà dư luận quan tâm. Đến nay Tòa tỉnh chưa thụ lý hồ sơ nên chưa xác định được thời gian đưa ra xét xử cấp phúc thẩm.

Lý do tòa tuyên án 5 năm tù giam

Trước đó, trao đổi với VietNamNet, một thành viên trong Hội đồng xét xử TAND huyện Hưng Nguyên cho biết, bị cáo Lê Thị Dung được đưa ra xét xử trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vào các ngày 7, 10, 11, 17 và 24/4.

Bà Dung với tư cách là giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hưng Nguyên, đã tự kê khai các hoạt động chuyên môn quy đổi tiết dạy cho năm học theo mẫu đơn vị tự thiết kế là “Bảng kê hoạt động chuyên môn của cá nhân năm học”.

Mẫu này cũng hướng dẫn các giáo viên khác tự kê khai các hoạt động chuyên môn, quy đổi ra tiết dạy cho từng năm học như bà Dung. Từ đó, bà Dung ký, duyệt chi thanh toán không đúng quy định Nhà nước số tiền trên 103 triệu đồng cho bản thân và hơn 175 triệu đồng cho các giáo viên tại trung tâm.

Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án (Ảnh: TAND tỉnh Nghệ An)

Trong những nội dung kê khai thanh toán để nhận trên 103 triệu đồng, việc thanh toán sai thể hiện ở một số nội dung như "bí thư chi bộ, hỗ trợ đi học cao học, tham gia tập huấn"... đã được thanh toán nhưng bà Dung vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho bản thân (thanh toán 2 lần cho cùng một nội dung).

Cụ thể, bà Dung kê khai thanh toán các nội dung lần 2 sai quy định với số tiền gần 31 triệu đồng trong năm học 2014 – 2015, gần 14 triệu đồng trong năm học 2015 – 2016, tổng cộng hưởng lợi riêng gần 45 triệu đồng.

Vì vậy, bà Dung bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Điểm b, Khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự có khung phạt từ 5 - 10 năm tù.

Theo vị thành viên Hội đồng xét xử TAND huyện Hưng Nguyên, từ khi bị truy tố đến phiên tòa xét xử sơ thẩm, bà Dung chưa bao giờ nhận tội và chưa khắc phục hậu quả. Bà Dung chỉ có 1 tình giảm nhẹ hình phạt là có nhiều thành tích trong quá trình công tác. Trong khi đó, nếu bà Dung có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì khung hình phạt sẽ được tòa xem xét dưới 5 năm tù.

Vị này giải thích thêm, bị cáo phải có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự thì khi đó HĐXX mới có căn cứ để áp dụng Khoản 1, Điều 54, Bộ luật Hình sự xem xét giảm nhẹ dưới khung hình phạt 5 năm. Đây là căn cứ pháp lí, pháp luật quy định để thẩm phán tuyên án trong vụ án này.

"Đối với tất cả các giáo viên khác, chỉ một số ít người được hưởng lần thứ 2 như bà Dung nhưng họ là những người không có chức vụ, quyền hạn và số tiền một lần thanh toán của những người này không đủ 10 triệu đồng, để thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội danh theo Khoản 1, Điều 356, Bộ luật Hình sự", vị thành viên Hội đồng xét xử TAND huyện Hưng Nguyên giải thích vì sao không truy tố các giáo viên, cán bộ khác của trung tâm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo bị phạt 5 năm tù: Khắc phục gần 45 triệu sẽ có thêm tình tiết giảm nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO