Cô Tô Lan Hương là giáo viên có 20 năm kinh nghiệm dạy học, Tổ trưởng tổ ngữ văn của Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ về kinh nghiệm thích nghi và làm quen với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thông qua chu trình 5 bước do cô và các giáo viên khác trong tổ ngữ văn của trường cùng thực hiện.
Tinh thần "cứ đi sẽ thành đường"
Để vượt lên những thách thức, khó khăn trong khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Hương và tổ ngữ văn của Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu đã triển khai chương trình giáo dục này dựa trên tinh thần "cứ đi sẽ thành đường" và xây dựng quy trình gồm năm bước.
Bước thứ nhất là tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa (SGK) mới để giáo viên hiểu về chương trình. Các giáo viên trong tổ bộ môn tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các buổi tập huấn riêng do nhà trường tổ chức.
"Phải hiểu chương trình thì mới tự tin để triển khai chương trình", cô Hương nói.
Bước thứ hai, các giáo viên bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch dạy học.
Cô Hương cho biết, kế hoạch dạy học được xây dựng dựa trên khung gợi ý của nhóm tác giả của bộ SGK mà tổ bộ môn lựa chọn. Việc xây dựng dựa trên đặc thù của nhà trường, đồng thời xây dựng dựa trên mô hình lớp học.
Cô Hương cũng nhấn mạnh, kế hoạch dạy học phải đảm bảo việc thực hiện chương trình nhưng không nhất thiết phải dạy hết các văn bản mà SGK đưa ra. Tổ bộ môn chỉ lựa chọn các văn bản phù hợp với từng mô hình lớp. Do đó, giáo viên thực hiện chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo nguyên tắc nhưng không máy móc.
Bước thứ ba, từ xây dựng kế hoạch dạy học, các giáo viên tiến đến xây dựng giáo án, hay còn được gọi là kế hoạch bài dạy.
Việc xây dựng giáo án được thực hiện làm hai lần. Lần đầu tiên, cả tổ ngữ văn cùng nhau xây dựng dựa trên tinh thần cùng xây dựng, chia sẻ công việc và cùng giải quyết vướng mắc. Các kế hoạch bài dạy được lưu vào kho học liệu của tổ để làm tài nguyên chung.
Ở lần xây dựng giáo án thứ hai, giáo viên sẽ tự điều chỉnh bài dạy sao cho phù hợp với học sinh lớp mình phụ trách sau khi được phân công giảng dạy. Thậm chí, việc điều chỉnh này sẽ còn diễn ra thêm nhiều lần nữa ở các lớp khác nhau.
Vận dụng thêm nhiều kỹ thuật dạy học mới, đa dạng hình thức đánh giá, kiểm tra
Bước thứ tư trong quá trình triển khai chương trình giáo dục mới chính là thay đổi phương pháp dạy học.
"Không loại bỏ các phương pháp truyền thống mà vận dụng linh hoạt", cô Hương cho biết.
Theo cô Hương, các giáo viên phải vận dụng nhiều kỹ thuật dạy học khác nhau như: Kỹ thuật khăn trải bàn (kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm - PV), kỹ thuật phòng tranh (trưng bày sản phẩm học tập của học sinh - PV), kỹ thuật đường ray…
Bên cạnh đó, giáo viên cũng vận dụng linh hoạt nhiều cách khác nhau để tổ chức hoạt động nghe, nói nhằm tăng thêm cơ hội cho học sinh được đánh giá việc nghe, nói nhiều hơn.
"Ngoài nói trực tiếp trên lớp, giáo viên khích lệ học sinh nộp các sản phẩm luyện kỹ năng nói qua các nền tảng phổ biến trong tổ chức dạy học trực tuyến để giáo viên và các bạn cùng lớp nghe, nhận xét và đánh giá", cô Hương chia sẻ về phương pháp mở rộng cơ hội luyện tập kỹ năng nói cho học sinh.
Bước cuối cùng của quá trình triển khai chương trình mới chính là xây dựng nội dung ôn tập và kiểm tra đánh giá.
Về nội dung ôn tập, giáo viên phải thống nhất, giới hạn nội dung ôn tập trong tổ nhóm, dành ít nhất một tuần cho việc ôn tập trước các kỳ kiểm tra định kỳ cho học sinh. Ngoài ra, giáo viên cũng chia sẻ cấu trúc chi tiết của đề kiểm tra cho học sinh để các em hiểu rõ mức độ của đề cũng như những kỹ năng, kiến thức cần ôn tập. Cuối cùng, giáo viên đưa ra đề luyện theo cấu trúc đã đưa ra để học sinh làm, giáo viên chấm và giải đáp thắc mắc cho các em.
Cuối cùng, về nội dung kiểm tra đánh giá, giáo viên xây dựng cấu trúc đề thi và tổ chức đánh giá định kỳ bao gồm kiểm tra viết và triển khai hoạt động dự án. Ngoài ra, việc đánh giá cũng diễn ra dưới nhiều hình thức như: Chấm phiếu học tập, chấm sản phẩm nói, nghe, báo cáo…
Dù đã lên được một chu trình cụ thể cho việc triển khai chương trình học mới để áp dụng vào công tác giảng dạy nhưng cô Tô Lan Hương và các thầy cô khác vẫn còn nhiều trăn trở vì các khó khăn và thách thức vẫn còn đó.
Cơ hội nằm trong thách thức với cả thầy và trò
Với giáo viên, những thầy cô đã "làm bạn" với chương trình giáo dục cũ hàng chục năm nay không tránh khỏi sự lúng túng khi phải chuyển đổi phương án dạy học. Từ việc thuyết giảng của dạy học truyền thống, các giáo viên phải chuyển sang tổ chức các hoạt động cho học sinh.
"Phải làm sao để học sinh được làm việc, từ đó chủ động chiếm lĩnh được kiến thức. Ngoài ra, việc tìm kiếm ngữ liệu để xây dựng các bài kiểm tra đòi hỏi nhiều thời gian", cô Hương chia sẻ về những khó khăn mà cô và các đồng nghiệp gặp phải.
Giáo viên gặp khó khăn, học sinh cũng gặp không ít những thách thức vì chính các em cũng phải trải qua sự thay đổi cả về tư duy lẫn cách học tập. Các em phải từ bỏ nếp học "đọc chép" và luôn phải tiếp cận với tri thức mới.
"SGK không còn là "cây gậy thần" để học sinh chống đỡ trong các kỳ kiểm tra. Nó chỉ được coi như một công cụ, phương tiện học tập", cô Hương chia sẻ về vai trò của SGK trong bối cảnh giáo dục mới.
Từ đó, vai trò của đánh giá học sinh cũng thay đổi, không còn thông qua cách kiểm tra lại kiến thức của các tác phẩm đã học trong chương trình.
"Trong bài kiểm tra đánh giá, các em học sinh sẽ được tiếp cận với ngữ liệu hoàn toàn mới", cô Hương cho biết.
Tuy nhiên, việc không kiểm tra đánh giá những tác phẩm trong SGK cũng khiến độ tập trung vào bài học của các em học sinh không cao.
Mặt khác, chương trình giáo dục 2018 cũng mở ra những cơ hội mới. Theo cô Hương, đó là sự "cởi trói" trong tư duy với cả thầy và trò, đẩy lùi lối đánh giá kiến thức nặng nề, học gì thi nấy.
"Giáo viên được trao quyền nhiều hơn. Cái tôi, cá tính sáng tạo cũng như quan điểm cá nhân, tư duy phản biện của học sinh cũng có cơ hội được phát triển, các kỹ năng nghe, nói được cải thiện", cô Hương chia sẻ.