Có gì trong chính sách 'chủ nghĩa tư bản mới' mà tân Thủ tướng Nhật Bản vừa cam kết thực hiện?

Bảo Hà| 08/10/2021 15:31

Ngày 8/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cam kết thực hiện “chủ nghĩa tư bản mới” để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng và tái phân phối các thành quả của quá trình tăng trưởng xây dựng tầng lớp trung lưu lớn mạnh hơn ở nước này.

Có gì trong chính sách 'chủ nghĩa thực dân mới' mà Thủ tướng Nhật Bản vừa cam kết thực hiện?
Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida phát biểu về chính sách đối ngoại tại Hạ viện ngày 8/10. (Nguồn: AFP)

Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên ở Hạ viện, Thủ tướng Kishida cho rằng, các chính sách tự do mới đã tạo ra rạn nứt lớn giữa người giàu và người nghèo, đồng thời nhấn mạnh, “chỉ khi nào chúng ta phân phối một cách hợp lý các thành quả của tăng trưởng, chúng ta mới có thể đạt tăng trưởng cao hơn”.

Bên cạnh đó, ông cũng cam kết đưa ra các khuyến khích về thuế đối với những công ty tăng lương cho người lao động.

Như một phần trong chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Nhật Bản, Thủ tướng Kishida cho biết, chính phủ sẽ đầu tư vào các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, đồng thời xây dựng các văn bản pháp luật để ngăn chặn sự rò rỉ công nghệ sang các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Trong dấu hiệu thể hiện sự tiếp nối gói chính sách kinh tế Abenomics của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, Thủ tướng Kishida cam kết sẽ ngăn chặn thiểu phát bằng cách nới lỏng tiền tệ quyết liệt và tăng chi tiêu công.

Liên quan dịch Covid-19, ông Kishida khẳng định sẽ tăng cường khả năng ứng phó của chính phủ với dịch bệnh này, trong đó có việc sẵn sàng tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ 3 cho người dân và có đủ thuốc để chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản hứa sẽ xây dựng văn bản pháp luật để giúp chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế về di chuyển cũng như huy động các nguồn lực y tế một cách dễ dàng hơn khi xuất hiện các làn sóng lây nhiễm mới trong tương lai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng cam kết sẽ hỗ trợ tiền mặt cho những người gặp khó khăn như không có việc làm thường xuyên hay đang nuôi con nhỏ, cũng như cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Kishida cam kết hợp tác với các đối tác, trong đó có ba thành viên khác thuộc nhóm Bộ tứ, gồm Australia, Ấn Độ và Mỹ, nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Mặc dù cho rằng, việc duy trì quan hệ Nhật-Trung Quốc ổn định là quan trọng đối với khu vực này và cộng đồng quốc tế, nhưng ông Kishida vẫn khẳng định, Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước có chung chí hướng “để nói những gì cần phải nói”.

Để đối phó với các mối đe dọa, trong đó có việc Triều Tiên gần đây đã nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo, Thủ tướng Kishida cho biết, chính phủ Nhật Bản sẽ sửa đổi Chiến lược An ninh quốc gia, vốn được soạn thảo vào năm 2013 dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Abe, cũng như các Đường lối chỉ đạo chương trình quốc phòng và Chương trình Quốc phòng trung hạn.

Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nhắc lại rằng, ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “vô điều kiện” để giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980.

Liên quan quan hệ Nhật-Nga, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, không thể ký hiệp ước hòa bình với nước láng giềng này nếu không giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ qua và rằng, ông muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa hai nước về vấn đề này.

Ngoài ra, ông Kishida cũng tuyên bố, là một nước duy nhất bị tàn phá bởi bom nguyên tử trong chiến tranh, Nhật Bản sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và các nước không sở hữu loại vũ khí giết người hàng loạt này để hướng tới “một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Về vấn đề sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản, người đứng đầu chính phủ cho biết, ông hy vọng sẽ có các cuộc tranh luận mang tính xây dựng ở Quốc hội và có nhiều hơn các cuộc thảo luận trong công chúng về vấn đề này.

Trước đó, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã đưa ra 4 đề xuất, trong đó có việc bổ sung nội dung đề cập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong Điều 9 của Hiến pháp nhằm hợp pháp hóa sự tồn tại của lực lượng này và giúp chính phủ có khả năng sử dụng quyền lực khẩn cấp trong các cuộc khủng hoảng quốc gia.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có gì trong chính sách 'chủ nghĩa tư bản mới' mà tân Thủ tướng Nhật Bản vừa cam kết thực hiện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO