Có gì sau sóng gió tại Kazakhstan?

Minh Vương| 13/01/2022 09:02

Mặc dù làn sóng bạo động tại Kazakhstan đã tạm lắng, nhưng dư âm địa chính trị của nó sẽ còn vang vọng tại khu vực và trên thế giới thời gian tới.

(01.12) Kazakhstan đã trải qua làn sóng bạo động nghiêm trọng từ ngày 2/1/2022 tới nay. (Nguồn: Reuters)
Kazakhstan đã trải qua làn sóng bạo động nghiêm trọng từ ngày 2/1/2022 tới nay. (Nguồn: Reuters)

Bề nổi tảng băng chìm

Nguyên nhân trực tiếp của làn sóng bạo loạn là giá nhiên liệu tăng cao. Từ ngày 1/1/2022, quy định kiểm soát giá LPG đã được chính phủ Kazakhstan gỡ bỏ, với hy vọng giá cao hơn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tập trung bán nhiên liệu cho thị trường trong nước, thay vì xuất khẩu.

Tuy nhiên, chỉ ngay ngày hôm sau, giá LPG đã tăng gấp đôi. Những lời giải thích của chính quyền nước này cho sự thay đổi đột ngột của giá nhiên liệu, dù là nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp thông đồng hay ảnh hưởng của thị trưởng quốc tế không thể thuyết phục người dân Kazakhstan. Sinh kế của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng, bất ổn xã hội gia tăng, kéo theo đó là làn sóng bạo loạn.

Nhưng giá nhiên liệu không phải tất cả đằng sau câu chuyện này.

Kazakhstan là nước có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt cùng xếp thứ 12 trên thế giới, với tổng trữ lượng dầu mỏ là 30 triệu thùng. Riêng mỏ dầu Kashagan có trữ lượng lớn thứ năm thế giới và lớn nhất bên ngoài khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, do thiếu đầu tư cùng các cáo buộc tham nhũng, ngành công nghiệp dầu mỏ của Kazakhstan vẫn kém phát triển, khiến đất nước thường xuyên thiếu nhiên liệu.

Năm 2020, GDP bình quân đầu người của nước này là 9.056 USD, cao so với các quốc gia khác trong khu vực, nhưng lại giảm tới 35% so với năm 2013, khi giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng. Năm 2021, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng của nước này là 3,4%, gần như thấp nhất cả khu vực.

Một nửa dân số trong 19 triệu người Kazakhstan sống ở nông thôn và gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, khó tiếp cận các dịch vụ công. Nguồn thu nhập từ dầu mỏ và quặng kim loại phân bố không đồng đều, khiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập tăng cao. Giá cả liên tục leo thang, lạm phát cao khiến lãi suất tăng càng khiến hộ gia đình càng khó khăn.

Bất ổn về chính trị, kinh tế suy thoái và an sinh - xã hội không đảm bảo là nguyên nhân đằng sau làn sóng bạo loạn nghiêm trọng vừa qua tại Kazakhstan.

Song theo giới phân tích, bên cạnh nền kinh tế, một trong những nguyên nhân sâu xa của các cuộc bạo loạn vừa qua đến từ cạnh tranh quyền lực giữa ông Nur-Sultan Nazarbayev, người lãnh đạo Kazakhstan từ năm 1990 đến tháng 3/2019 và đương kim Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.

Khi biểu tình chống chính phủ nổ ra đầu năm 2019, ông Nazarbayev đã nhường chức lại cương vị Tổng thống cho ông Tokayev, người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ít lâu sau đó. Tuy nhiên, với danh hiệu “Lãnh đạo quốc gia” tự phong năm 2010, cùng chức vụ Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, Chủ tịch đảng cầm quyền Nur Otan và nhiều người thân, quan chức thân cận tiếp tục đảm nhiệm trọng trách trong nội các, ông vẫn là nhân vật quyền lực nhất tại Kazakhstan.

Sự hiện diện rộng khắp của người tiền nhiệm Nazarbayev khiến mọi nỗ lực thay đổi chính sách của ông Tokayev, từ mở rộng các quyền chính trị của người dân hay cải tổ nền kinh tế, trở nên khó khăn hơn, thậm chí đe dọa trực tiếp tới chiếc ghế của chính vị đương kim Tổng thống Kazakhstan.

Tất nhiên, ông Tokayev không thể đứng nhìn. Điều này lý giải tại sao ngay khi bạo loạn đang diễn ra, đương kim Tổng thống đã ra lệnh giải tán nội các, đồng thời bắt giam cựu Giám đốc Ủy ban An ninh quốc gia Kazakhstan (KNB) Karim Massimov và quan chức thân tín của người tiền nhiệm.

Bất ổn về chính trị, kinh tế suy thoái và an sinh - xã hội không đảm bảo mới là nguyên nhân đằng sau làn sóng bạo loạn nghiêm trọng vừa qua tại Kazakhstan.

Tình hình Kazakhstan: Gần 10.000 người bị bắt, Tổng thống chỉ định Thủ tướng, CSTO tính rút quân. (Nguồn: Reuters)
Theo giới phân tích, một nguyên nhân dẫn đến làn sóng bạo động vừa qua đến từ cạnh tranh quyền lực giữa đương kim Tổng thống Tokayev (ảnh) và người tiền nhiệm Nazarbayev. (Nguồn: Reuters)

Bất ngờ mang tên CSTO

Dù vậy, trong quá khứ, Kazakhstan đã không ít lần đối mặt với hoạt động bạo loạn do giá nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt trong làn sóng bạo loạn này là sự can dự của lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), cơ chế an ninh tại Trung Á do Nga dẫn dắt, với năm thành viên còn lại lần lượt là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Có vài điểm đáng chú ý khi ông Tokayev mời CSTO tới để lập lại an ninh, trật tự tại Kazakhstan.

Thứ nhất, Hiệp ước chung của CSTO yêu cầu các nước thành viên kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời khẳng định các hành động gây hấn nhằm vào một trong số các nước thành viên được xem như hành động gây hấn với tất cả các nước thành viên CSTO. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cơ chế này được thành viên, cụ thể là Kazakhstan, chủ động kích hoạt.

Động thái này cũng đánh dấu lần đầu tiên CSTO, vốn được thiết kế theo mô hình liên minh quân sự NATO và thành lập sau khi Liên Xô sụp đổ, đã có một hành động mang tính tập thể để thực hiện sứ mệnh trên lãnh thổ của một thành viên của khối. Nó thể hiện một đặc trưng mới của tổ chức này, điều đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin bóng gió trong phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của CSTO hôm 10/1 vừa qua về tình hình tại Kazakhstan.

Thứ hai, Tổng thống Tokayev đã khéo léo “gài” yếu tố nước ngoài vào các tuyên bố trước đó của mình, cho rằng những cuộc tuần hành quy mô nhỏ ban đầu đã được các lực lượng, chính phủ nước ngoài kích động thành làn sóng biểu tình, bạo lực để lật độ chế độ, lấy đó làm căn cứ để CSTO triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Để minh chứng cho điều này, lực lượng an ninh Kazakhstan còn tung ra bằng chứng về một người biểu tình khai nhận là người vô gia cư từ các quốc gia lân cận được cho tiền để tham gia bạo loạn vừa qua.

Như đã nêu, ông Nazarbayev vẫn có ảnh hưởng lớn khi nắm giữ chức vụ an ninh quan trọng, không thể bị truy tố và có nhiều thân tín trong nội các. Bởi vậy, ông Tokayev không thể dựa hoàn toàn vào các lực lượng an ninh chịu ảnh hưởng của người tiền nhiệm. Đó là lúc CSTO được gọi tên.

Thực tế cho thấy mặc dù nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO chủ yếu tập trung bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu tại Kazakhstan, song sự hiện diện của lực lượng này vẫn đóng vai trò then chốt.

Sân bay Almaty là cửa ngõ kết nối Kazakhstan với thế giới và giải pháp an toàn cho ông Tokayev. Các cơ sở năng lượng là xương sống của nền kinh tế đất nước Trung Á, còn sân bay vũ trụ tại Baikonur đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa nước này và Nga, nước dẫn dắt CSTO.

Đây là yếu tố sống còn để ông Tokayev chiến thắng trong tranh đấu chính trị vừa qua trước ông Nazarbayev, qua đó củng cố quyền lực, duy trì quan hệ với Nga để tiếp tục lãnh đạo Kazakhstan.

(01.12) Sự hiện diện của lực lượng Nga và CSTO tại Kazakhstan đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng chính trị của Tổng thống Tokayev. (Nguồn: TASS)
Sự hiện diện của lực lượng Nga và CSTO tại Kazakhstan đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng chính trị của Tổng thống Tokayev. (Nguồn: TASS)

Thứ ba, tại sao ông Tokayev lại lựa chọn CSTO, thay vì Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc dẫn dắt? Cần nhớ rằng bản thân SCO được hình thành theo sáng kiến của Bắc Kinh, với nhiệm vụ ban đầu là giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và láng giềng thuộc Liên Xô cũ, trước khi mở rộng thêm nhiệm vụ chống ma túy, khủng bố và ly khai.

Tuy nhiên, SCO, được điều hành bởi Trung Quốc và Nga, trên thực tế là một diễn dàn chính trị hơn là một cơ chế an ninh Á-Âu. Thêm vào đó, theo Asia News, Tổng thống Tokayev đã tính đến sự bất mãn ngày càng tăng của người Kazakhstan đối với Trung Quốc. Những năm gần đây, biểu tình nổ ra ngày nhiều nhằm phản đối sự hiện diện của các công ty Trung Quốc, vốn được coi là tác nhân gây ô nhiễm lớn cho quốc gia này.

Ngoài ra, sự lựa chọn của Kazakhstan cũng phản ánh rằng mặc dù ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á đang ngày một tăng song trong thời khắc quyết định, Nga mới là đối tác được các nước này dựa vào do ảnh hưởng chính trị và quân sự vững chắc tại không gian hậu Xô Viết.

Thêm vào đó, chẳng phải ngẫu nhiên mà Nga lại tích cực giải quyết tình hình tại Kazakhstan. Đất nước Trung Á là một trong những quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới. Hỗ trợ Kazakhstan giúp Nga có cơ hội kiểm soát nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng. Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng ít phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, việc giữ chắc Kazakhstan trong quỹ đạo ảnh hưởng giúp Moscow có thêm những quân bài trong quan hệ với Bắc Kinh sau này.

Ngoài ra, Nga muốn gửi đi thông điệp rằng nước này sẽ không bao giờ để mất vai trò truyền thống tại Trung Á, dù Trung Quốc hay Mỹ có thể rót hàng chục tỷ USD vào những dự án kinh tế tại đây.

Mặc dù ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á ngày càng lớn song trong thời khắc quyết định, Nga mới là đối tác được các nước khu vực dựa vào do ảnh hưởng chính trị và quân sự vững chắc tại không gian hậu Xô Viết.

Cuối cùng, với phương Tây, sự hiện diện của CSTO cho thấy ngay cả khi quan hệ Nga - Trung đang ở vào giai đoạn “tốt nhất trong lịch sử”, hai bên vẫn tồn tại khác biệt. Dù có quan hệ đối tác thân thiết, song Trung Quốc và Nga đều là nước lớn và không muốn có lực lượng quân sự triển khai gần biên giới mình. Với Nga, đó là Ukraine và với Trung Quốc, đó là Kazakhstan.

Tuy nhiên, không ít nhà phân tích phương Tây cũng cho rằng thành công trong chiến dịch gìn giữ hòa bình vừa qua tại Kazakhstan có thể “cổ vũ” chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin quyết đoán hơn trong mở rộng, củng cố không gian hậu Xô Viết, đặc biệt là tại biên giới Nga - Ukraine. Điều này sẽ gây khó khăn cho Washington và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dù là trên bàn đàm phán Nga - Mỹ trong tuần này hay hạ nhiệt căng thẳng trên thực địa ở Đông Ukraine.

Có thể thấy, mặc dù làn sóng bạo động tại Kazakhstan đã tạm lắng, song dư âm địa chính trị của nó sẽ còn vang vọng, tác động đáng kể tới tình hình khu vực và thế giới thời gian tới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có gì sau sóng gió tại Kazakhstan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO