Từ lâu, mẹ bỉm Phan Mỹ Thanh (26 tuổi) rất yêu mến chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa. Thế nên, khi được chương trình gửi lời mời, cô hào hứng tham gia ngay. Góp mặt trong tập 208 của chương trình, Thanh vui vẻ kể lại hành trình bầu bí với nhiều cung bậc cảm xúc.
Mỹ Thanh kể, cô có kế hoạch kết hôn khi bước vào năm cuối đại học. Sau lễ ăn hỏi, cô đi khám sức khỏe tiền hôn nhân thì phát hiện mắc bệnh lạc nội mạc tử cung.
Trước đó, vợ chồng Thanh dự định 4 năm sau cưới mới có con. Thế nhưng, bác sĩ chẩn đoán Thanh “không còn nhiều thời gian” để chần chừ.
Từ thời điểm đó, Thanh bắt đầu uống thuốc điều trị, mong chờ tin vui. Sau 9 tháng trông mong, cô dần chán nản, mất hết hy vọng.
Hai ngày trước cưới, Thanh đến thử món ăn ở nhà hàng. Khi thử đến món bò khoái khẩu, cô liền nôn hết ra ngoài.
“Tôi cảm thấy món ăn rất tanh. Trực giác mách bảo, tôi về thử thai thì thấy 2 vạch rất mờ. Tôi không dám kể cho chồng nghe, sợ anh lại thất vọng như những lần trước. Tiếp đó, tôi mua rất nhiều que thử, cách 1 tiếng lại thử 1 lần. Qua ngày sau, que thử lên 2 vạch đậm. Tôi hạnh phúc, òa khóc trong nhà vệ sinh”, Mỹ Thanh chia sẻ.
Trước đó, mỗi tháng, Thanh đều trêu chồng bằng cách gửi ảnh que thử thai có 2 vạch. Đến lần mang thai thật, cô gửi ảnh cho chồng thì nhận lại sự im lặng.
Thanh đặt que thử thai vào hộp quà và đặt trong phòng riêng của vợ chồng. Cô muốn tạo bất ngờ cho chồng.
Tuy nhiên, chồng vào phòng hơn 15 phút, Thanh đứng chờ bên ngoài vẫn không thấy anh chạy ra mừng rỡ. Cô vào bên trong thì thấy chồng đang ôm hộp quà khóc nức nở. Vợ chồng cứ thế ôm nhau khóc trong hạnh phúc.
Dù vui và cảm thấy may mắn nhưng Thanh hoang mang, lo sợ rất nhiều. Lúc đó, cô còn chưa cầm được tấm bằng tốt nghiệp đại học, không biết sắp tới phải làm mẹ ra sao…
Chồng “mất tích” lúc vợ vượt cạn
Tạm gác những lo toan, Thanh tận hưởng thai kỳ suôn sẻ, ấm áp bên chồng. Cô chỉ nghén trong 1 tháng đầu, thời gian còn lại Thanh ăn uống thuận lợi.
Mỹ Thanh cho biết: “Lúc tôi mang thai, dịch bệnh Covid-19 đang rất căng thẳng. Chúng tôi không thể ra ngoài nhiều, may mà tôi không thèm ăn lung tung”.
Gần sinh, Thanh chọn dịch vụ sinh thường, cho phép chồng “vượt cạn” cùng vợ. Đến ngày dự sinh, bụng của cô không có dấu hiệu chuyển dạ. Hai vợ chồng phải nhập viện, chờ giục sinh.
Ngoài dự tính, Thanh không thể sinh thường, phải mổ khẩn nên chồng không được vào chung. Dù rất tiếc nuối nhưng chồng động viên Thanh cố gắng và ra ngoài ngồi chờ đón con.
Tỉnh lại sau ca mổ, Thanh nghe bác sĩ hỏi: “Em tỉnh chưa? Tôi có tin này cần báo nhưng em phải bình tĩnh đón nhận”. Thanh lo lắng, sợ con gái có chuyện không may. Bác sĩ nói em bé không sao nhưng chồng cô thì không thấy đâu.
“Anh ấy không có ngoài phòng chờ. Chúng tôi gọi điện theo số đã khai trong hồ sơ cũng không ai nghe máy. Bây giờ, em bé ra phòng chờ nhưng không ai đón”, bác sĩ trao đổi với Thanh.
Thanh hoang mang, nghĩ dại: “Chẳng lẽ, mình mới sinh con mà anh đã bỏ đi biệt tích như trong phim”.
Hết cách, bệnh viện đành phát loa giữa đêm tìm chồng Thanh. Vậy mà, Thanh và con lên phòng sau sinh chờ hơn 20 phút chồng mới tất tả chạy vào.
Tức giận, Thanh hỏi chồng đã đi đâu mà không chờ đón con lên phòng. Lúc này, chồng cô bối rối, thú thật: “Anh sợ quá, không dám đứng ở phòng chờ. Anh hỏi y tá khoảng bao lâu ca mổ kết thúc thì họ bảo 1 tiếng đồng hồ.
Anh thấy vậy cũng lâu nên đi lòng vòng bệnh viện, tìm người nói chuyện cho đỡ sợ. Bệnh viện giữa đêm cũng chẳng còn ai, anh ra nói chuyện với bác bảo vệ.
Bác ấy kể chuyện bệnh viện có ma cho anh nghe. Anh không tin lắm, bèn đến chỗ bác chỉ để kiểm chứng. Đến đó, anh nghe loa bệnh viện gọi về nhận con nhưng lại không biết đường quay trở ra”.
Thanh nghe chồng kể vừa tức vừa không nhịn được cười. Cô xem đó như kỷ niệm ngày đi sinh không thể quên.