Huyền My sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Ngay từ năm tháng phổ thông, My luôn ấp ủ giấc mơ du học Mỹ. Do điều kiện gia đình không cho phép, My tạm gác lại dự định du học và trở thành sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội).
“Ngoài đi học em còn dạy thêm IELTS để tiết kiệm tiền chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học. Sau một năm chuẩn bị, em gửi hồ sơ đến 16 trường. Sau gần 10 lần nhận thư từ chối, em vỡ oà hạnh phúc vì giành được học bổng toàn phần trị giá 56.000 USD của Albion College”, My nhớ lại.
Nhưng sau niềm vui ban đầu, My lại phân vân. “Một mình mẹ đã quá vất vả nuôi em suốt thời gian trước đó. Em chỉ mong sớm trưởng thành để lo lắng cho mẹ và các em, nên lúc đó em lại định không đi Mỹ”.
Đến khi thư mời nhập học gửi về tận nhà, mẹ My hay tin đã động viên và khuyên bảo con gái. Cuối cùng, năm 2016, Huyền My đến bang Michigan (Mỹ) theo học chuyên ngành Tâm lý học, nghiên cứu chuyên sâu về Khoa học thần kinh tại Albion College.
Nhờ khả năng tiếng Anh tốt nên Huyền My thích nghi khá nhanh với chương trình học.
Dù vẫn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống đắt đỏ ở Mỹ, nhưng kết quả học tập của Huyền My luôn nằm trong top đầu khoa, cô tham gia thực hiện 4 dự án nghiên cứu và có 1 bài báo quốc tế.
Đề tài Huyền My tâm đắc nhất là nghiên cứu về những khác biệt văn hoá ảnh hưởng tới sự kỳ thị tham vấn tâm lý của một bộ phận dân cư.
“Hiện nay vấn đề này vẫn bị hiểu nhầm, nhiều người Việt còn cho rằng đi khám và chữa tâm lý thì chắc là bị bệnh thần kinh. Hoặc một số người sợ bị kỳ thị nên ngại chia sẻ bản thân, con cái bị trầm cảm, có vấn đề tâm lý,...”.
Theo My, việc hiểu nhầm về tham vấn tâm lý sẽ khiến những người cần bỏ lỡ cơ hội được giúp đỡ kịp thời.
“Thực tế cho thấy rằng các vấn đề tâm lý diễn ra hằng ngày, từ mâu thuẫn vợ chồng, con cái tới công việc. Nếu bạn được tư vấn tâm lý sớm sẽ tìm được cách giải quyết giúp cuộc sống hạnh phúc và tốt hơn”.
Tuy nhiên cũng qua đó, Huyền My nhận thấy các nghiên cứu trước giờ thường thực hiện trên nhóm người WEIRD (West, Educated, Industrialized, Rich and Democratic) là các nhóm người da trắng và ở các nước có nền văn hoá tôn sùng chủ nghĩa cá nhân.
Vì vậy ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng khó để mang kết quả nghiên cứu tâm lý ở Mỹ về áp dụng. Thay vào đó phải nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp hơn với người Việt.
Tháng 7/2019, Huyền My tốt nghiệp xuất sắc ngành Tâm lý học với điểm GPA gần tuyệt đối 3,98/4.0. My sau đó cũng giành được học bổng toàn phần tiến sĩ tại Đại học Yale - ngôi trường danh giá hàng đầu nước Mỹ.
Hành trình tới Đại học Yale
Huyền My cho biết, từ năm thứ hai đại học cô đã âm thầm chuẩn bị và đặt mục tiêu cụ thể cho kế hoạch học lên sau này. Bên cạnh duy trì kết quả học tập tốt, tích cực tham gia các nghiên cứu để tích lũy kinh nghiệm, Huyền My cho rằng phải tìm hiểu kỹ về trường và chương trình mình nộp hồ sơ có những yêu cầu cụ thể gì.
Đặc biệt quan trọng là đầu tư viết bài luận (Statement Of Purpose) chuẩn, không dùng một bài cho nhiều trường mà phải tìm hiểu và xây dựng những ý tưởng riêng. Bài luận sẽ là điểm nhấn để bạn thuyết phục mình phù hợp với trường như thế nào.
Trong bài luận gửi đến Đại học Yale, Huyền My đã đề cập đến những khủng hoảng tâm lý của bản thân, cô đã đi tham vấn tâm lý và không hiệu quả. Sau khi tìm hiểu, cô nhận thấy lý do là người cùng làm nghề tư vấn tâm lý giống nhau cần tham vấn tâm lý chéo cho nhau dựa trên nội dung khác so với câu hỏi bình thường.
“Qua bài luận, em chia sẻ việc nhận ra những khủng hoảng và vấn đề bất cập như thế nào, làm sao để khắc phục. Em có thể chia sẻ về cảm xúc cá nhân một cách logic về chuyên ngành, thể hiện bản thân thật sự hiểu và đam mê nghiên cứu tâm lý”.
Huyền My cũng cho rằng chủ đề đó vừa liên quan đến ngành vừa thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc nhận ra vấn đề nghiên cứu nghiêm túc để giải quyết. Ngoài ra, Huyền My đã xin 3 lá thư giới thiệu từ người hướng dẫn và giáo sư đã tham gia các dự án nghiên cứu cùng.
Để tăng tính cạnh tranh và thuyết phục, Huyền My còn dành thời gian để ôn thi GRE (một bài thi chuẩn hoá được dùng để xét tuyển vào hệ sau đại học ở Mỹ) và đạt kết quả 168/170 phần ngôn ngữ, 170/170 môn Toán, 5.5/6.0 phần Viết.
Ở vòng phỏng vấn, theo Huyền My cách để chuẩn bị tốt cho phần này là tìm hiểu kỹ về các giáo sư và cố gắng thể hiện mình là người phù hợp nhất.
“Khi trả lời bạn hãy chứng minh mình có sự chuẩn bị, đam mê, có hướng nghiên cứu riêng nhưng vẫn có sự linh hoạt, có thể đáp ứng yêu cầu khác. Thậm chí, nếu đã tìm được giáo sư có cùng hướng nghiên cứu, bạn có thể gửi email để trao đổi trước".
Cuối năm 2018, Huyền My gửi hồ sơ tới 4 trường và nhận được phản hồi từ UC Berkeley và Đại học Yale với mức hỗ trợ hơn 150.000 USD/5 năm. My quyết định làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Yale, theo đuổi chuyên ngành về tâm lý học lâm sàng hướng tới trị liệu vấn đề tâm lý.
“Được làm việc trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp với nhiều người giỏi tuy áp lực nhưng cũng là những tấm gương để bản thân em cố gắng hơn”.
(Nguồn: Vietnamnet)