Cụ thể, dưới bài viết, cô gái này cho biết:
"Sau gần nửa năm chữa trị, đến ngày hôm nay chính thức buông xuôi và mình chấp nhận sự thật là bản thân đã bị mất 1 bên thính giác vĩnh viễn - chỉ sau một giấc ngủ. Đây cũng là 1 dạng tai biến... 100.000 người thì chỉ có 4-5 người bị, và mình không may nằm trong con số ấy.
Ngày 24/12/2020 sau một giấc ngủ dậy mình bị choáng váng rất nặng, nôn nhiều, không đi lại được và cảm thấy ù đặc một bên tai. Sau khi cấp cứu tại BV Thụy Điển đến 2h sáng ngày 24/12/2020 mình được chuyển lên BV 108 cấp cứu và tiến hành tất cả các xét nghiệm hiện đại nhất. Kết luận là mình bị điếc đột ngột một bên tai phải cấp độ nặng. Lúc đó bản thân và gia đình được bác sĩ tư vấn sẽ cố gắng phục hồi khoảng 60% thính giác trong khoảng 7-14 ngày. Mình đã rất buồn. Nhưng vẫn tin vào 1 kỳ tích.
30 Tết Dương cố vịn vào thành giường, nằm trên tầng 19 nhìn ra cửa sổ ngắm pháo hoa, nước mắt chảy dài. Đón nhận biến cố mất mát lớn nhất lần đầu tiên phải trải qua suốt 26 năm...
Mỗi ngày là tiêm truyền, nằm lồng oxy cao áp, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc mẹ và chồng, không tự đi lại được. Mỗi tiếng động đều khiến mình không chịu đựng được, thần kinh của mình rất yếu.
17 ngày đằng đẵng trôi qua trong sự buồn bã, bệnh tình không tiến triển, mình không hề đáp ứng với thuốc, bác sĩ lắc đầu, vậy là không phải phục hồi 60% mà tai của mình không lên được 1% nào...
Mình chỉ nằm ngủ 1 tư thế quay về bên trái, nếu quay sang phải sẽ choáng nặng, hoặc đêm ngủ say không biết có lỡ quay sang thì cả ngày sau sẽ ngơ ngẩn đầu óc...
Những ngày đầu ra đường không phân biệt được âm thanh đến từ đâu, không tự sang đường, không lái xe được, đầu óc chậm chạp thực sự với một người như mình là một cực hình vậy...
Suốt từ đó đến nay 6 tháng trôi qua là sự chạy chữa trong hy vọng mong manh, biết bao mũi kim châm vào mặt, vào thóp đầu, vào tai, vào tay... bao nhiêu loại thuốc, đến tận giờ tai phải của mình lúc nào cũng có tiếng ve kêu rất to, hôm nào mệt nó sẽ lan ra khắp nửa đầu... Mỗi ngày ngủ dậy là mất hàng tiếng đồng hồ chờ load.
Vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng ai có thể vui trong khi bản thân vừa bị điếc ở tuổi 26. (Thế nên thời gian qua những ai quan tâm động viên mình mình ghi nhớ suốt cả cuộc đời).
Nhóm nguyên nhân gây điếc đột ngột có thể do vi khuẩn, do va đập... còn với mình do bản thân mất ngủ, căng thẳng stress kéo dài trong lúc ngủ tim không đưa được oxy lên não gây chết tế bào ốc tai tiền đình... gây nên điếc đột ngột. Mà tế bào thần kinh đã chết đi vĩnh viễn ko thể khôi phục được...
Theo bác sĩ Lê Đức Thành Nhân - Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện thì triệu chứng đầu tiên của bệnh điếc đột ngột là ù một bên tai rồi nhanh chóng dẫn đến nghe kém, điếc hẳn và có thể điếc đặc. Điếc đột ngột chiếm tỷ lệ 5 – 10 ca/100.000 người, ước tính một năm có khoảng 15.000 ca điếc đột ngột mới trên thế giới.
Các chuyên gia ước tính rằng điếc đột ngột chiếm tỉ lệ từ 1 – 6 ca / 5000 người mỗi năm, nhưng số trường hợp điếc đột ngột mới thực tế mỗi năm có thể cao hơn nhiều vì bệnh thường không được chẩn đoán.
Điếc đột ngột nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng điếc nặng, điếc vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhiều người không biết nên khi đến bệnh viện đã quá trễ, dẫn đến việc điều trị khó khăn, hiệu quả thấp.
“Triệu chứng của điếc đột ngột chính là mất thính lực mà người bệnh có thể thấy rõ. Người bệnh thường phát hiện ra tình trạng này vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy.
Một số người bệnh nhận thấy điều này đầu tiên khi họ cố gắng sử dụng tai bị điếc, chẳng hạn như khi họ sử dụng điện thoại.
Một số khác vẫn nghe thấy một tiếng “bụp” lớn, đáng báo động ngay trước khi giảm thính lực.
Người bệnh cũng có thể bị ù tai, cảm thấy đầy tai hoặc có tiếng lộp bộp trong tai, có thể kèm theo chóng mặt hoặc mất thăng bằng”, bác sĩ Lê Đức Thành Nhân nói.
Để phòng tránh bệnh điếc đột ngột, các bác sĩ cho rằng người trẻ nên tránh stress, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý; tránh những nơi có tiếng ồn lớn. Cần giữ gìn sức khỏe khi thời tiết thay đổi, mang khẩu trang có hoạt tính bảo vệ khi ra đường, tránh những nơi có nguy cơ dễ lây bệnh siêu vi. Đặc biệt, cần phải ăn uống đủ dưỡng chất, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, hạn chế rượu, bia, thuốc lá.