Nhựt Sương còn được trao giải thưởng danh giá Ngôi sao Gubkin của ĐH Tổng hợp Dầu khí Gubkin.
Quyết tâm đỗ đại học để xóa bỏ định kiến
Lê Thị Nhựt Sương sinh ra tại Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp – huyện biên giới giáp ranh Campuchia. Lớn lên trong gia đình làm nông nên từ bé Sương vừa đi học, vừa phụ ba mẹ công việc đồng áng.
“Ở chỗ em, ba mẹ và mọi người quan niệm con gái không cần học nhiều. Thời điểm đó bạn bè đa số chỉ học hết cấp 3 rồi đi làm. Riêng em luôn khát khao được đi ra ngoài, phải đỗ đại học mới thay đổi được cuộc đời. Dù gia đình không ủng hộ nhưng em vẫn kiên trì tự ôn thi và tìm hiểu những trường đại học có nhiều chính sách hỗ trợ”, Sương chia sẻ.
Năm 2015, nguyện vọng của Sương thành hiện thực khi em đỗ vào Trường ĐH Dầu khí (Vũng Tàu). “Mang theo hoài bão thoát nghèo em khăn gói lên thành phố nhập học. Để tự trang trải chi phí sinh hoạt, ngoài thời gian học trên lớp, em tranh thủ làm thêm nhiều việc một lúc từ chạy bàn đến bưng bê, đi dạy thêm”.
Kết thúc năm thứ nhất, Trường ĐH Dầu khí (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu chọn sinh viên tham gia chương trình học tập tại nước ngoài. Cơ duyên du học đến với Sương khá bất ngờ vào đầu năm 2016, khi chỉ còn 2 tuần nữa là hết hạn. Dù gấp rút nộp hồ sơ nhưng nhờ có kết quả học tập cao nên Sương đỗ học bổng toàn phần của Trường ĐH Tổng hợp Dầu khí Gubkin tại Moskva (Nga), chuyên ngành Địa chất.
Đây là ngôi trường được thành lập năm 1930 bởi nhà khoa học xuất chúng Ivan Mikhailovich Gubkin. Vào năm 2010, Trường đã nhận được danh hiệu “Trường đại học nghiên cứu quốc gia”.
“Tháng 11/2016, với vốn tiếng Anh ít ỏi, em bắt đầu hành trình du học của mình. Hành lý không có gì ngoài mấy bộ quần áo và đồ ăn mang theo. Cú sốc đầu tiên đến với em là thời tiết khắc nghiệt, mùa đông ở đây lạnh giá đến buốt hết tay chân” - Sương nhớ lại.
Thời gian học dự bị, Sương phải học tiếng Nga từ đầu nên gặp rất nhiều khó khăn. Sương cho biết, đôi khi em cảm thấy cô độc và căng thẳng khi một mình là du học sinh trong lớp học toàn là sinh viên người Nga. Chăm chỉ học mỗi ngày cùng sự giúp đỡ từ anh chị khoá trước, Sương nhanh chóng thích nghi với cuộc sống và học tập.
Để đạt được kết quả tốt, Sương đặt ra kế hoạch cụ thể, đặt mục tiêu phấn đấu mỗi kỳ. Học ngành kỹ thuật nên chương trình khá nặng, trung bình mỗi kỳ học của Sương có 10 – 12 môn học. “Em chủ động xin tài liệu từ khoá trước để ôn tập, tránh dồn đến gần thi mới học. Đối với những từ ngữ chuyên ngành thì cẩn thận ghi lại giúp nhớ lâu hơn. Nếu có phần nào chưa hiểu em liên hệ giảng viên nhờ trợ giúp. Bên cạnh đó em tự mày mò học thêm về Machine learning – Học máy”.
Ngoài thời gian học, những kỳ nghỉ hè Sương đều đi thực tập tại các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Sương chia sẻ tìm kiếm cơ hội thực tập ở Nga khó hơn vì yêu cầu khắt khe về giấy tờ.
“Sau nhiều lần bị từ chối, kỳ hè năm thứ hai, em đã được nhận thực tập tại Skolkovo Center of Innovation (trung tâm công nghệ hiện đại hàng đầu nước Nga)”.
Sinh viên Việt được trao tặng "Ngôi sao Gubkin"
Theo Sương, dù học ở đâu quan trọng nhất phải chủ động nắm bắt cơ hội. Trong suốt 6 năm, Sương có những trải nghiệm đặc biệt khi tham gia hơn 20 hội nghị và diễn đàn quốc tế, nhiều ấn phẩm khoa học được báo cáo, đăng tải. “Mỗi sự kiện giúp em mở mang kiến thức, được giao lưu với bạn bè quốc tế, gặp gỡ nhiều người tài giỏi”.
Chia sẻ về nghiên cứu tâm huyết, Sương cho biết: “Đồ án tốt nghiệp là đề tài em “dày công” thực hiện hơn 4 năm. Chuẩn bị từ năm thứ 2, sau nhiều lần thay đổi em chọn nghiên cứu về dầu đá phiến ở Nga”.
Sang năm thứ 3, Sương bắt tay vào làm thí nghiệm để thu thập dữ liệu. Ngoài ra, em còn áp dụng kiến thức về Học máy để viết chương trình dự đoán chuyên sâu, xây dựng mô hình mỏ. Sau thời gian dài chuẩn bị và hoàn thành, đồ án tốt nghiệp của Sương được đánh giá xuất sắc với số điểm gần tuyệt đối 97/100.
Tháng 6/2021, Sương tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, vinh dự trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên được trường trao giải thưởng Ngôi sao Gubkin (dành cho 1% sinh viên có thành tích xuất sắc, đóng góp cho trường).
Nhìn lại hành trình đã qua, Sương nói, bản thân trải qua không ít khó khăn và biến cố. “Mỗi lần chán nản em nghĩ về lý do mình bắt đầu để bước tiếp. Em quan niệm rằng “Bạn không cần phải là người đầu tiên, bạn chỉ cần trở nên khác biệt và tốt hơn”.
Một mục tiêu Sương đặt ra là tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu ở môi trường mới. Dù đã apply thành công chương trình thực tập tại Saudi Arabia nhưng em phải hoãn lại do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Hiện tại, Sương dành thời gian để học thêm tiếng Anh và tích lũy thêm kiến thức.
(Nguồn: Vietnamnet)