Với thân hình nhỏ bé cao chỉ 1,35m và nặng 30kg, đó là những ảnh hưởng của dị tật bẩm sinh hiếm gặp được gọi là “tồn tại ổ nhớp”. Bệnh nhân không có hậu môn, không có âm đạo và tử cung đôi. Để cải thiện tình trạng sức khoẻ và mong muốn con có một cơ thể hoàn chỉnh như bao người, suốt một thời gian dài gia đình đã đưa bệnh nhân đi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.
Sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật mở hậu môn tạm ra da để ruột có thể bài tiết được ra ngoài. Tuy nhiên, vì đoạn ruột quá ngắn, trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng không đóng được hậu môn tạm. Bệnh nhân phải chấp nhận sống với hậu môn tạm suốt đời.
Ở tuổi dậy thì, do không có âm đạo nên máu kinh không thể thoát ra ngoài như bình thường, lâu dần vùng hạ vị hình thành một khối u nang rất to chèn ép vào bàng quang. Bệnh nhân không thể đi tiểu và phải phẫu thuật nhiều lần để giải phóng lượng máu kinh bị ứ lại.
Trước bệnh án khó, các chuyên gia Pháp và Việt Nam đã hội chẩn, quyết định mở một đường dò thông trực tiếp từ buồng tử cung ra thành bụng trước để mỗi tháng máu kinh thoát ra lỗ này. Tuy nhiên, hiệu quả không cao nên máu vẫn ứ đọng. Từ khi sinh ra đến nay, bệnh nhân trải qua 15 lần phẫu thuật.
Sau thời gian phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện bụng căng to, đau nhiều nên vừa qua được gia đình đưa đến Bệnh viện Bình Dân khám, phát hiện sỏi niệu quản và u nang buồng trứng to nên chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ điều trị. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân lạc nội mạc buồng trứng to, ứ dịch tai vòi 2 bên, ứ dịch lòng tử cung/tử cung đôi, thận phải ứ nước, trên bệnh nhân tồn tại ổ nhớp đã phẫu thuật mở hậu môn tạm/thiếu máu…
Sau ca mổ ở Bệnh viện Từ Dũ, do bệnh nhân suy dinh dưỡng, thiếu máu, hậu môn nhân tạo hay chảy dịch vào vết mổ nên ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.
Bệnh nhân được các y bác sĩ chăm sóc tích cực, hội chẩn chuyên khoa dinh dưỡng để nâng thể trạng. 2 tuần sau, vết mổ khô dần không còn rỉ dịch và cô gái được xuất viện.