Vài ngày trước, Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long Nam Em khiến người dùng mạng thót tim khi livestream vào giữa khuya nhưng không nói chuyện.
Sau đó, cô bất ngờ tiến ra ban công, trèo ra ngoài và không quay lại vào nhà. Gần 30 phút sau, bạn trai người đẹp mới tắt livestream, không giải thích gì thêm.
Sự việc gây tranh cãi trên mạng xã hội. Một bộ phận đặt câu hỏi về mục đích của hành vi này. Bởi việc trèo khỏi ban công trên tầng cao khá nguy hiểm, nếu gặp sự cố có thể nguy hiểm đến tính mạng. Một nhóm khác chỉ trích hành động cùng tính khí thất thường của Nam Em.
Dù không nhắc tên Nam Em, streamer, nhạc sĩ ViruSs gây chú ý khi cảnh báo hành động leo ban công nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến người xem, khuyên người làm điều này không nên đi quá giới hạn trên mạng xã hội.
Anh thẳng thắn nói nếu không rút kinh nghiệm sẽ báo cáo với các nền tảng mạng xã hội khiến người có hành vi này mất kênh.
"Hành động này ảnh hưởng đến xã hội. Với cương vị là người Việt Nam, tôi không chấp nhận việc này. Tôi nghĩ bạn nên có lời đính chính và tuyệt đối không làm hành động nguy hiểm này nữa. Tôi xem mà rất bất mãn. Bạn ấy có thể cười, khóc, nói người này người nọ. Nhưng một người đang livestream mà ra ban công đi qua đi lại thì không chấp nhận được", theo ViruSs.
Nam Em trèo ra ban công lúc nửa đêm.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Bá Học - Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định hành vi của Nam Em có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì truyền tải những suy nghĩ tiêu cực, gây ảnh hưởng đến định hướng hành vi của cộng đồng và tâm lý hoang mang trong xã hội.
Cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người đẹp có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng; có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, hành vi của Nam Em còn vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 4 Bộ quy tắc Ứng xử trên mạng xã hội, ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: "Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo".
Trước câu hỏi về việc Nam Em từng bị Sở TT&TT TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020, nay lại tiếp tục vi phạm, làm thế nào để người đẹp không tiếp tục lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi sai phạm?
Theo luật sư Trần Bá Học, trường hợp Nam Em tiếp tục bị xử lý, cơ quan chức năng sẽ xem xét tình tiết tăng nặng tái phạm, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn, bao gồm việc tăng mức phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm ngặt hơn.
Ông nói thêm, mỗi người đều có áp lực cuộc sống riêng. Người có tâm lý không vững vàng có thể bị các áp lực tác động xấu đến hành vi ứng xử, từ đó có thể gây tiêu cực cho chính mình và người xung quanh. Với người nổi tiếng, có sức ảnh như Nam Em, hành vi không đúng mực sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, nhất là người trẻ.
Theo Vietnamnet