Khởi công từ 10/2010, sau 12 năm triển khai, dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn trong tình trạng chậm trễ chưa thể đi vào hoạt động. Qua đó, dự án nhiều lần gặp phải khó khăn, vướng mắc, phải tạm dừng dẫn tới khung cảnh hoang tàn tại một số hạng mục thi công chưa hoàn thiện.
Ghi nhận tại điểm thi công nhà ga S12 trên đường Trần Hưng Đạo (trước mặt ga Hà Nội), do lâu ngày không có hoạt động thi công, bụi cỏ cây mọc um tùm cùng với trang thiết bị ngổn ngang tạo nên một khung cảnh hoang tàn ở khu vực này.
Dãy rào chắn bằng tấm tôn đã được dựng lên để phục vụ thi công khiến phần đường dành cho các phương tiện di chuyển theo hướng Trần Hưng Đạo đi Phan Bội Châu thu hẹp lại.
Công trường ga S11 đoạn gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hàng rào chắn được bố trí tạm bợ, người dân có thể tự do di chuyển để vào được bên trong. Ôtô đi qua khu vực này trở nên khó khăn khi lối đi bị thu hẹp trong khi phần đường còn lại bỏ không.
Tình trạng cỏ cây mọc um tùm và vật liệu ngổn ngang cũng diễn ra tại điểm thi công ga ngầm đoạn qua đường Kim Mã.
Phần đường bị đào xới chưa được dọn dẹp do tạm ngừng thi công thời gian dài là môi trường để cỏ cây phát triển, thậm chí cao tới 2-3m vượt cả hàng rào chắn bằng tôn được dựng lên ở khu vực này.
Đoạn thi công ga ngầm tại nút giao cầu vượt Liễu Giai, ngổn ngang máy móc, vật liệu được phủ bạt kín do không sử dụng.
Vật liệu được che chắn khá tạm bợ, dần xuống cấp, hoen gỉ do chịu ảnh hưởng của thời tiết.
Xe cộ di chuyển khó khăn khi đi qua khu vực rào chắn trên đường Kim Mã, đặc biệt là giờ cao điểm khi lưu lượng xe ngày một đông. Một số ngôi nhà xung quanh công trường cũng trở thành "điểm nóng" thời gian qua khi bị ảnh hưởng và sụt lún nghiêm trọng.
Đại công trường thi công dốc hạ ngầm ga S9 không có bóng dáng công nhân, chỉ còn lại đống vật liệu kim loại đang xuống cấp dần theo thời gian.
TP Hà Nội đưa ra 8 lý giải cho đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án thêm 5 năm. Đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực nhà thầu gói thầu công trình kiến trúc depot còn hạn chế; năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp các sở, ngành chưa tốt; sự khác nhau giữa quy định hợp đồng quốc tế với pháp luật Việt Nam; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...
Mới đây, HĐND TP Hà Nội vừa thống nhất thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm (metro) TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, mốc thời gian hoàn thành Dự án đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - ga Hà Nội được lùi từ 2022 sang 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), tổng vốn đầu tư tăng hơn 1.900 tỷ đồng. Trong đó, UBND TP đề xuất đưa tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác, vận hành đoạn trên cao (đoạn Nhổn - Đại học Giao thông Vận tải) vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).
Về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, UBND TP Hà Nội đề xuất tăng từ hơn 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng; nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước.