Có cá nhân, tổ chức ‘ẩn danh’, ngành Thuế rà soát mạnh các dữ liệu bán hàng online

04/08/2024 17:00

Thời gian qua, có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng, dư luận đang đặt câu hỏi về công tác quản lý thuế ra sao cho hiệu quả nhằm chống thất thu. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Dựa trên quá trình tìm hiểu và nắm bắt khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT tử trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ thuế, MISA đã phát triển bộ giải pháp toàn diện kết nối trực tiếp với các sàn TMĐT.

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) nói chung, kinh doanh online và bán hàng livestream trong thời gian qua? Phía cơ quan thuế đang gặp phải những khó khăn gì?

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế).

Livestream là một trong những hình thức quảng cáo sản phẩm và bán hàng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng khá rộng rãi thời gian qua để hỗ trợ cho việc kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như: Mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT... Cá nhân livestream bán hàng hóa để hưởng hoa hồng từ hoạt động quảng cáo.

Thời gian qua, cơ quan thuế đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT nói chung, livestream bán hàng nói riêng thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế; không ngừng cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế theo phương thức điện tử cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo cấp độ công nghệ 4.0.

Tuy nhiên, cơ quan thuế nhận thấy bên cạnh nhiều tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã tuân thủ quy định pháp luật thuế, vẫn còn một số trường hợp tổ chức, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ kê khai, đăng ký và nộp thuế đầy đủ, kịp thời.

Chú thích ảnh
Theo quy định của pháp luật về thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.

Cơ quan thuế cũng gặp nhiều thách thức trong công tác quản lý như: Việc định danh, xác thực cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động TMĐT, đặc biệt hoạt động livestream bán hàng do người nộp thuế (NNT) trong hoạt động này có tính ẩn danh cao, có trường hợp cá nhân không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không có địa điểm kinh doanh cố định.

Bên cạnh đó, việc kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông ... của NTT đang trong quá trình triển khai để định danh,  xác thực các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, từ đó hỗ trợ hoạt động TMĐT phát triển đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước hiệu quả.

Cơ sở dữ liệu (CSDL) TMĐT cần được tiếp tục quan tâm rà soát, thu thập, làm giàu từ nhiều nguồn như: Dữ liệu từ các nền tảng kinh doanh TMĐT, dữ liệu từ các đơn vị vận chuyển, dữ liệu từ các Bộ, ngành liên quan,... một cách thường xuyên, liên tục phục vụ công tác quản lý Nhà nước cũng như quản lý thuế một cách kịp thời.

Thời gian qua, cơ quan thuế đã triển khai các giải pháp ra sao để phối hợp với công an, với chính quyền địa phương,...) trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói chung và kinh doanh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội nói riêng, thưa bà? 

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành chủ động rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý thuế; đồng thời triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Sau hơn 1 năm triển khai, Bộ Công Thương đã chia sẻ với Bộ Tài chính thông tin về 929 sàn giao dịch TMĐT và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chia sẻ với Bộ Tài chính thông tin về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, 157840470 truyền hình.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai việc cung cấp thông tin với Bộ Tài chính số hiệu của 157,8 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức và cá nhân. Phía Bộ Công an đã vận hành và chia sẻ với Bộ Tài chính CSDL  Quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân. Ngành thuế đã thực hiện rà soát với cơ sở dữ liệu về mã số thuế cá nhân, đến ngày 30/6 đã đạt tỷ lệ khớp đúng là 93,9%, tiến đến sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.

Ngành thuế đã triển khai xây dựng CSDL lớn quản lý thuế đối với TMĐT về các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT (chủ sở hữu sàn, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà cung cấp nước ngoài - NCCNN...); bao gồm: thông tin định danh đối tượng; thông tin hoạt động kinh doanh; thông tin về dòng tiền, thu nhập; thông tin kê khai nộp thuế. Trên cơ sở khai thác CSDL lớn về TMĐT, ngành thuế triển khai quản lý theo rủi ro, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Vậy thưa bà, thời gian tới, Tổng cục Thuế có những giải pháp căn cơ nào để quản lý thuế hiệu quả hơn nữa đối với hoạt động livetstream bán hàng? 

Thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật, ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.

Tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, đảm bảo NNT có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử, đặc biệt trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện.

Ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn: thông tin do sàn cung cấp, thông tin do các NCCNN là chủ các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành. Trên cơ sở đó thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Đặc biệt, xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, theo đó áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế; tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, các nhân kinh doanh TMĐT nói chung, kinh doanh theo hình thức livestream nói riêng; doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh TMĐT; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán.

Đặc biệt tăng cường công tác phối hợp với bộ ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18 và tăng cường trách nhiệm các Bộ, ngành địa phương trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và livestream bán hàng.

Thời gian tới, Bộ Công An chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp và lộ trình làm sạch tài khoản cho các trang TMĐT và các trang mạng xã hội thực hiện hoạt động kinh doanh, quảng cáo; ban hành các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, kỹ thuật để sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử đáp ứng mục tiêu quản lý hoạt động TMĐT; phối hợp với các Bộ ngành, xử lý nghiêm các hành vi phạm trong hoạt động TMĐT nói chung, livestream bán hàng nói riêng, nhất là các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, trốn thuế, gian lận thuế

Tổng cục Thuế có khuyến cáo gì với người nộp thuế nói chung và người có hoạt động livestream bán hàng nói riêng khi chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế?

Cơ quan Thuế luôn luôn ưu tiên hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định. Trường hợp NNT chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế hay không thực hiện việc kê khai, nộp thuế hoặc kê khai không đầy đủ số thuế phải nộp theo quy định, tùy theo mức độ vi phạm của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Nếu NNT có hành vi gian lận, trốn thuế, cơ quan Thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Clip phỏng vấn Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế):

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/kinh-te/co-ca-nhan-to-chuc-an-danh-nganh-thue-ra-soat-manh-cac-du-lieu-ban-hang-online-20240803203555566.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/kinh-te/co-ca-nhan-to-chuc-an-danh-nganh-thue-ra-soat-manh-cac-du-lieu-ban-hang-online-20240803203555566.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có cá nhân, tổ chức ‘ẩn danh’, ngành Thuế rà soát mạnh các dữ liệu bán hàng online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO