Nhiều cha mẹ thấy những đứa trẻ khác luôn ngoan ngoãn và biết điều, trong khi con mình nghịch ngợm, hay cãi thì thường than mình "số khổ". Trên thực tế, nếu một đứa trẻ không ngoan, thay vì trách mắng con thì cha mẹ nên tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Trong đó, chủ yếu là vì việc sử dụng các phương pháp giáo dục sai lầm, dẫn đến cha mẹ và con cái dù đã nỗ lực, nhưng cuối cùng đã không đạt được kết quả mong muốn.
Nhà giáo dục người Ukraina Vasily Suhomlinsky từng nói: "Mỗi khoảnh khắc bạn nhìn thấy con, bạn cũng nhìn thấy chính mình". Mọi vấn đề của con cái đều có thể tìm thấy ở cha mẹ.
"Mỗi khoảnh khắc bạn nhìn thấy con, bạn cũng nhìn thấy chính mình" (Ảnh minh họa)
Người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc Bạch Nham Tùng từng nói: Để cho trẻ em nếm hai loại đau khổ, đó là sự giúp đỡ con vô cùng lớn.
Bạch Nham Tùng từ trước đến nay được rất nhiều khán giả gọi là "nam thần quốc dân" nhờ ngoại hình và tài năng, thế nhưng ít ai biết rằng Bạch Nham Tùng cũng thành công trong việc giáo dục con trai mình. Con trai ông, Bạch Thanh Dương, không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, mà còn là đội trưởng của đội bóng đá trường học.
01. Hai loại "đau khổ" cần để trẻ nếm là gì?
1. Hãy để đứa trẻ nếm thử nỗi khổ không có tiền
Bây giờ rất nhiều trẻ em trong gia đình một con, từ nhỏ đã sống một cuộc sống nhung lụa, cơm đưa tận tay, áo mặc qua đầu. Muốn mua những gì chỉ cần mở miệng để yêu cầu cha mẹ là hầu như được đáp ứng, không bao giờ lo lắng về chuyện vật chất. Điều này dẫn đến việc trẻ không có nhận thức đúng đắn về tiền bạc, hình thành thói quen chi tiêu phung phí, cũng không thể hiểu cha mẹ mỗi ngày để kiếm tiền khó khăn mức nào, thậm chí đôi khi vì vấn đề tiền bạc mà cha mẹ nảy sinh mâu thuẫn.
Đối mặt với tình huống này, cha mẹ có thể cho phép trẻ em nếm thử "nỗi đau không có tiền", kiểm soát chi phí sinh hoạt của trẻ, để cho trẻ học cách sắp xếp chi phí sinh hoạt một cách hợp lý. Từ đó hình thành một khái niệm tiền bạc đúng đắn, có lợi cho sự phát triển trong tương lai của trẻ.
Tăng Quốc Phiên (1811 - 1872), một danh thần văn võ song toàn, vừa thông thạo binh tướng, vừa am tường Nho học của Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, cha mẹ cần cho con nếm trải cái "khổ" của lao động bởi "cần cù" là nền tảng của việc xây dựng gia đình và xây dựng sự nghiệp.
Trong bức thư gửi cho con trai thứ, ông căn dặn: "Con trai còn nhỏ thì không được tham lam, sống xa hoa và không được sống lười nhác. Dù con là ai, là học giả, nông dân hay thương gia, đều phải biết cần cù lao động, tương lai mới không bao giờ thất bại."
2. Hãy để đứa trẻ nếm thử nỗi đau của sự thất bại
Trẻ em bây giờ sống quá sung sướng, không bao giờ trải qua sự thất bại, dẫn đến khó chấp nhận khi gặp kết quả không mong muốn, thậm chí tuyệt vọng, đôi khi có thể thực hiện hành vi cực đoan. Ví dụ từng có chuyện, một đứa trẻ tham gia cuộc thi piano không đạt được thứ hạng đặt ra, sau khi cuộc thi kết thúc, đã uống rất nhiều thuốc ngủ, may mắn là cha mẹ phát hiện kịp thời, đưa đến bệnh viện tiến hành điều trị, lúc này mới tránh được một bi kịch.
Vì vậy, cha mẹ phải chú ý đến việc giáo dục sự thất vọng của trẻ em, để trẻ em phải đối mặt với những thất bại, hiểu được thất bại. Nói với con đây chỉ là một thử nghiệm của cuộc sống để trẻ hiểu rằng cuộc sống không phải là dễ dàng, cần phải phấn đấu liên tục. Khi trẻ đã được nếm trải thất bại, cha mẹ chỉ cần thêm một chút khích lệ, động viên, cho trẻ biết được thất bại này không phải là điều gì quá khủng khiếp, miễn là chúng kiên trì thì sẽ thành công.
Ảnh minh họa.
02. Cha mẹ cũng nên cho trẻ nếm thử những loại "ngọt" này
1. Kỷ luật tự giác có thể làm cho trẻ trở nên tốt hơn
Tập cho trẻ có những hành động tự giác ngay từ nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản, chính là biện pháp tốt nhất để gieo vào tâm hồn các em ý thức tự chủ trong mọi hành vi ứng xử sau này.
Trước hết, cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày nên chú ý đến việc cho phép trẻ em phát triển thói quen làm việc và nghỉ ngơi tốt, đảm bảo ngủ đủ giấc, để trẻ em có thể ở trong trạng thái tốt nhất để tham gia vào việc học. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cho phép trẻ hình thành thói quen ôn tập, chuẩn bị để nâng cao hiệu quả học tập của trẻ. Thứ hai là đảm bảo tính nhất quán. Trẻ không thể hình thành sự tự giác, nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức.
Để rèn con tính kỉ luật bạn không thể vội vàng một sớm một chiều mà cần có những quy tắc nhất định của riêng mình. Hãy để con biết bạn nghiêm khắc rèn những vẫn rất yêu bé. Không chỉ điều chỉnh hành vi của bé mà bản thân bạn cũng phải gương mẫu trong cách ứng xử hàng ngày, nhất là khi trước mặt con. Chẳng hạn, nếu bạn đã dạy con phải rửa tay trước khi ăn, không được vứt rác bừa bãi… thì đừng bao giờ làm trái những điều này.
2. Cho con sự khuyến khích vô điều kiện
Sự khuyến khích là động lực lớn nhất giúp con trở nên tiến bộ. Vì vậy, khi trẻ em tiến bộ trong học tập hoặc trong cuộc sống, cha mẹ nên khuyến khích nhiều hơn. Hãy tập trung vào điểm mạnh của con và khen ngợi kịp thời những nỗ lực của chúng. Điều đó sẽ làm cho chúng cảm thấy có giá trị và tự tin hơn. Đồng thời làm như vậy sẽ khuyến khích con ước mơ lớn và ngăn không bỏ cuộc sau những thất bại.
3. Đọc sách là một loại "ngọt ngào" có thể mở rộng tầm nhìn của trẻ em
Nếu chọn một cách để nâng cao giá trị cá nhân với chi phí thấp nhất trên thế giới này, chắc chắn sẽ là đọc sách. Chúng ta có thể thông qua việc đọc để "đối thoại" với những người xuất sắc, hiểu được những suy nghĩ tuyệt vời của họ, cũng có thể thông qua việc đọc để hiểu thế giới, mở rộng tầm nhìn.
Hãy để đầy phòng của trẻ những cuốn sách. Những đứa trẻ lớn lên với những cuốn sách xung quanh, chúng sẽ nghĩ về những cuốn sách như những người bạn trong việc theo đuổi phiêu lưu và học hỏi. Một số trẻ có thể thích những câu chuyện đời thực trong khi những đứa trẻ khác thích chuyện ảo mộng.
Trên thực tế, việc phát triển sở thích đọc các loại sách cụ thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang trưởng thành như một người đọc. Vì vậy, bất cứ điều gì làm trẻ hứng thú, hãy để trẻ đọc.
Theo Phụ nữ Việt Nam