Là cha mẹ, ai cũng mong con mình có tương lai tươi sáng, học hành giỏi giang. Tính cách và tâm lý của trẻ trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào sự dạy dỗ, chăm sóc của cha mẹ. Những bậc phụ huynh điềm tĩnh sẽ tạo nên những đứa con kiên trì, nhẫn nại. Ngược lại, cha mẹ nóng nãy thì con cái cũng dễ mất bình tĩnh.
Có 2 điều mà cha mẹ Nhật không bao giờ dạy con. Từ đó giúp trẻ trở nên tự lập, ngoan ngoãn ngay từ khi còn nhỏ. Không chỉ cần điểm số cao, trẻ có phẩm chất đạo đức tốt sẽ luôn được yêu thương và coi trọng. Đó cũng là điều mà các bậc cha mẹ nên dạy trẻ từ sớm.
1. Nói không với nuông chiều, bao bọc con
Trong cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con tự lập" của mình, tác giả Sugahara Yuko cho rằng, một trong những biểu hiện rõ rệt của sự "yêu con thái quá" là có không ít cha mẹ cảm thấy "tội nghiệp" khi thấy con phải "hứng chịu" những kết quả tồi tệ do chính hành động của con gây ra. Họ không đành lòng đứng nhìn con mình gặp khó khăn mà không giơ tay ra cứu giúp, hoặc việc đứng nhìn khi con trải qua những khó khăn đó cũng khiến họ cảm thấy thật là tội lỗi.
Cha mẹ nào cũng yêu thương con vô điều kiện, mong cho con được nhận những gì ngọt ngào, tốt đẹp nhất. Gia đình là yêu thương nhưng cũng nên là nơi giáo dục, nuôi dạy trẻ đúng nghĩa. Một đứa trẻ chỉ luôn biết đến chiến thắng, không biết cách đối mặt với thất bại sẽ khó lòng trụ vững khi ra đời.
Nhiều cha mẹ hiện nay có điều kiện thường theo xu hướng nuông chiều con hết mình. Họ kiếm tiền, làm mọi việc chỉ để cho con có cuộc sống sung túc. Yêu thương con không sai nhưng chiều chuộng con quá đà lại vô tình tước đi cơ hội để trẻ tự lập, khám phá thế giới. Những đứa trẻ được đi trên đôi bàn chân của chính mình có nhiều thành tích tốt và sở hữu khả năng sống độc lập trong tương lai.
Cha mẹ cũng nên phân biệt giữa bao bọc và yêu thương vì ranh giới của chúng cực kỳ mong manh. Dù yêu thương con tới đâu, hãy cho con biết thế nào là kỷ luật, là thất bại, là hậu quả khi làm những điều xấu. Gia đình chính là môi trường đầu tiên dạy con biết điều đó, trước khi con bước ra đường đời và phải đối mặt với những điều khó khăn gấp bội.
2. Không làm thay cho con
Trong cuốn sách Cha Mẹ Nhật Dạy Con Tự Lập, tác giả Sugahara Yuko cũng chỉ ra những biểu hiện của "cha mẹ làm thay" như: luôn ra lệnh, chỉ thị bắt trẻ làm thế này, thế kia; đáp ứng vô điều kiện với những đòi hỏi của trẻ (ngay cả khi trẻ không có nhu cầu nhưng vẫn đưa cho trẻ) hay lúc nào cũng muốn trẻ sẽ đáp ứng và làm theo ý mình (không quan tâm xem trẻ muốn gì, dù nghe trẻ nói cũng không tôn trọng ý kiến đó của trẻ)…
Cha mẹ thường cho rằng mình là người lớn, đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm, biết rõ ràng đâu là xấu, là tốt. Bởi vậy, con nhỏ không biết gì cần phải nghe theo lời định đoạt của người lớn, vì đó là điều tốt nhất cho con. Dĩ nhiên, bố mẹ nào cũng muốn con được vui vẻ, hạnh phúc, tuy nhiên thế giới quan của những đứa trẻ đôi khi không như vậy.
Việc bố mẹ làm thay, không cho trẻ quyết định điều gì khiến trẻ nghĩ con thật vô dụng, không được tham gia bất cứ chuyện gì dù nó có liên quan trực tiếp tới bản thân. Việc trẻ nêu ra ý kiến nhưng bị phản bác hoặc bị cho là vô nghĩa cũng khiến trẻ có xu hướng trở nên tự ti, dán nhãn cho bản thân là người vô dụng. Hơn nữa, người lớn nên lắng nghe ý kiến của con trẻ, một phần để hiểu con hơn, phần nữa để thay đổi phương pháp giáo dục sao cho phù hợp với tính cách và từng giai đoạn trưởng thành của con.