Trong những ngày qua, nhiều nhà vườn thanh long ở Bình Thuận chặt cây, nhổ trụ để lấy đất trồng lại cây màu khác, vì không thể duy trì loại cây này khi giá cả đã xuống quá thấp.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Hải ở thôn Bình Thuỷ, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình vừa thuê xe và nhân công nhổ bỏ gần 500 trụ thanh long trong tổng số 3.000 trụ. Anh Hải cho biết, không còn cách nào khác, phải tìm cách lấy ngắn nuôi dài. Vừa rồi lứa thanh long nghịch vụ, tốn hơn 50 triệu đồng tiền điện chong đèn cho trái vụ, trái ra hơn 10.000 tấn, nhưng với giá hiện nay từ 800 - 1.500 đồng/kg, trong khi đó, tiền công cắt trái hết 500 đồng/kg, chưa kể việc thương lái chọn trái (1 tấn chỉ chọn được 300 - 400kg trái đạt yêu cầu) thì anh Hải lỗ nặng, vì vậy anh quyết định nhổ bỏ bớt.
“Hiện nay đã nhổ tạm thời 500 trụ để trồng cỏ nuôi bò, dê kiếm thêm thu nhập để bù lại cho thanh long, còn chưa có hướng trồng cây gì”, anh Hải nói trên tờ VOV Online.
Ông Trương Quốc Phương (ấp 7, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) có gần 10 năm trồng thanh long với diện tích hơn 10ha cho biết trên tờ Ấp Bắc Online: "Hai năm nay bị ảnh hưởng dịch bệnh nên gia đình lỗ tiền phân thuốc, chưa kể chi phí thuê nhân công từ 35.000 đồng/giờ đã tăng lên 40.000 đồng/giờ. Năm ngoái tôi đã phá một ít diện tích thanh long để lên liếp trồng đu đủ, đến nay đã có trái bán, số tiền thu cũng đủ chi phí đi chợ cho gia đình. Năm nay tôi đã phá gần 1ha thanh long dự kiến sẽ trồng dừa. Diện tích thanh long còn lại gia đình vẫn giữ, hy vọng các cửa khẩu sớm thông quan".
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, do tình hình dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của nước ta là Trung Quốc bị “đóng băng” hơn 1 năm qua. Hiện tại người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tin dùng trái thanh long Việt Nam, nhưng do chủ trương “zero Covid” của nước này, khiến trái cây Việt Nam xuất vào thị trường Trung Quốc (hầu hết xuất tiểu ngạch) gặp rất nhiều khó khăn. Thanh long loại 1 chỉ mua giá trên dưới 5.000 đồng/kg, các loại khác giá 3.000 đồng/kg, không đủ chi phí sản xuất, người trồng bị lỗ.
Cây thanh long không chỉ phát triển mạnh ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, mà nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước cũng đã trồng thanh long, nên việc tiêu thụ nội địa rất khó khăn. Trong khi đó, thị trường chính là Trung Quốc đang dần “khép cửa”.
Thời gian qua, ngành chức năng 2 tỉnh Tiền Giang và Long An đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ người dân tiêu thụ thanh long. Hiện, ngành chức năng các địa phương này đang tính toán phương án giúp người dân giữ lại vườn thanh long cũng như chuyển hướng trồng thanh long công nghệ cao, VietGap nhằm tăng chất lượng trái thanh long cũng như tạo thuận lợi về đầu ra cho trái thanh long đạt chuẩn.
Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương liên quan cần xác định lộ trình giảm dần lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới; tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng, nhà nhập khẩu lớn, nhằm đẩy nhanh xuất khẩu chính ngạch.
Clip giá rẻ bèo, nông dân nhiều nơi phá bỏ trồng thanh long: