Chuyện xưa tích cũ Gò Công

Tổng hợp| 24/02/2024 22:00

Chuyện cổ lưu truyền tại Gò Công (nay thuộc Tiền Giang) phong phú và thú vị, tác giả Việt Cúc tái hiện trong quyển sách "Gò Công cảnh cũ người xưa", phản ánh đầy đủ về quá khứ đầy biến động của vùng đất này.

“Năm Thìn bão lụt"

00b39263-9585-46d5-8719-16825df6baf6.jpeg
Gò Công ngập trong biển nước - Ảnh: tư liệu

“Năm Thìn bão lụt” xảy ra vào năm 1904. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nề là Gò Công, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang); Tân An (tỉnh Long An); Chợ Lớn, Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) và dọc theo vùng duyên hải. Nhiều làng xóm ở cận bờ biển đã bị những đợt “sóng thần” cao hơn 10 m cuốn đi mất. Vùng Gò Công thuở ấy có câu ca dao:

“Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
 Một trận Đông phong xiêu lạc vợ chồng
 Em nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi”.

Trận bão năm Giáp Thìn xảy ra vào ngày 1-5-1904, nhằm ngày 16-3 âm lịch, gây thiệt hại hầu hết các tỉnh ở Nam bộ. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là Gò Công và vùng phụ cận, với trên 60% nhà bị sập đổ, 5.000 người chết trôi, 80% gia súc bị chết... Còn theo dân gian, truyền miệng qua thơ, vè, thì số người chết khoảng “một muôn hai” (tức khoảng 12.000 người).

Bắt đầu khoảng 16 giờ ngày 16-3 âm lịch năm Giáp Thìn, gió thổi liu riu từng lúc kèm theo mưa giông; rồi gió thổi mạnh lên và lốc xoáy dữ dội. Các nhà lá bị sập, nhà ngói tốc nóc, tường xiêu vách đổ. Những ngư dân đánh cá ngoài biển không vào bờ kịp. Các nông dân thì còn ở trên đồng. Lễ cúng đình đang diễn ra, dân chúng tụ họp xem hát bộ…

Ở các làng ven biển, nước dâng cao bất ngờ, sóng to nhiều đợt tràn lên bờ cao hơn 10 m, đánh văng, cuốn trôi các tàu thuyền ra biển trên 10 km. Có người may mắn trèo được lên cây, có người nằm trên đụn rơm trôi lềnh bềnh trên biển nước mấy ngày rét lạnh, đói lả… Mấy hôm sau, bão tan, nước rút, xác người chết, xác thú vật trương sình trôi tấp khắp nơi, nhà sập, đất lở, cây cối đổ gãy ngổn ngang… Cảnh tượng hãi hùng chưa từng có.

Công việc cứu trợ sau bão được tiến hành khẩn trương. Cha mẹ mất con, chồng vợ chia lìa, xóm làng tang tóc. Từ năm ấy về sau, hằng năm, những người có thân nhân chết bởi trận thiên tai năm Giáp Thìn tổ chức một lễ giỗ chung, gọi là “Giỗ hội”.

Nạn "Hoàng Trùng", "Bạch Đồng"

chogocong.jpeg
Chợ Gò Công xưa. Ảnh: Internet

Sau cơn bão lịch sử năm Giáp Thìn, sang năm Ất Tỵ (năm 1905), Gò Công bị nạn “hoàng trùng” (giặc châu chấu) phá hoại mùa màng khoảng gần nửa tháng, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp rất nặng nề. Người ta cho rằng, loài châu chấu này từ châu Phi tràn đến, chúng bay rợp trời, có đến hàng mấy triệu con mỗi đàn, đậu đáp ở đâu thì chỗ đó cây cỏ “trơ xương”, trụi lá.

Ruộng vườn xơ xác, mùa màng, hoa lợi mất trắng, nạn đói đe dọa dân chúng. Trước tình hình này, Tham biện Gò Công truyền lệnh xuống tận các làng, thôn quyết liệt chống nạn châu chấu. Các biện pháp thực hiện như: Phun xịt dầu lửa, rải vôi, tro, giăng lưới, đập chổi được dân chúng áp dụng triệt để nhằm tiêu diệt bọn “châu chấu” ác ôn.

Sau loạn “hoàng trùng” năm 1905, năm sau thì bị nạn “bạch đồng”. Suốt từ tháng 6 âm lịch đến tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 1906) trời trong xanh, không có lấy một giọt mưa. Ban đêm sao sáng đầy trời. Khô hạn nhằm vào lúc nông dân sửa soạn làm lễ hạ điền, xuống giống.

Đất ruộng, rẫy ban đầu từ màu đen, chuyển dần sang trắng, rồi nứt thành những lằn dài, khô cứng như đá. Cỏ cây chết rụi, chỉ những cây cổ thụ rễ sâu mới sống sót. Nước dưới sông trong xanh do mặn xâm nhập, ao hồ khô cạn. Một hiện tượng khí hậu, thời tiết rất lạ lùng, chưa từng có. Bình thường, thời gian này là mùa mưa bão.

Hạn hán gây nắng nóng làm người già, trẻ em dễ nhiễm bệnh, chết nhanh, cứu chữa không kịp. Gia súc, gia cầm thiếu nước, suy kiệt, chết lần mòn. Nước ngọt không đủ uống. Dân chúng vô cùng thống khổ. Trước tình cảnh này, các vị cao niên và hương chức trong làng ăn chay, nằm đất, gióng trống, động chuông cầu xin thần linh, đất trời độ hộ cho mưa xuống cứu dân.

Nhiều nơi tổ chức cầu đảo, bơi xuồng trên cạn, mỗi người cầm một cái dầm, đi theo chiếc thuyền có nhiều người khiêng, làm động tác bơi gió; phía sau là lân múa, có ông Địa cầm quạt phe phẩy dẫn đường, đoàn người vừa đi vừa hát đồng dao:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước dân uống
Lấy ruộng dân cày
Lấy nồi nấu cơm
Lấy rơm đun bếp.

Ly kì chợ Mãnh Ma

Giồng Xe nằm phía dưới Giồng Tháp (thuộc làng Tân Niên Tây, nay là xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) là một giống đất cao chạy dài, phía trên nối liền Giồng Tháp và phía dưới nối với xẻo Ông Trinh, chiều dài đến trên 3.000 thước, bề ngang hơn 20 thước.

Mặt giồng cát đỏ, đến năm 1968 là bãi tha ma, mồ mả chen chúc liên tiếp, trông xa tít mắt. Phía trên đầu giồng, có một cái giếng xưa, xây bằng đá ong, trét hồ ô dước rất chắc, lòng giếng nhỏ hẹp, đáy sâu thăm thẳm, nhưng về sau giếng ấy bị vùi lấp mất dấu.

Hình ảnh hiếm có về mảnh đất Gò Công từ những năm đầu thập niên 1920
Hình ảnh quý hiếm về Gò Công thập niên 1920 | Trung Học Cơ Sở Lê Lợi
Hình ảnh quý hiếm về Gò Công thập niên 20 - Ảnh: tư liệu

Thuở xưa, giồng này là đại lộ, từ Giồng Sơn xóm Bà Trà chạy thẳng đến xóm Mãnh, rồi nối liền với đầu Giồng Tháp, đến cuối cùng là Giồng Xe. Chính giữa giồng có cái tháp xưa, nay không còn dấu tích, chỉ còn cái tên lưu truyền là Giồng Tháp.

Giồng Xe có truyền thuyết do người xưa thuật lại, như sau: Có hai chị em người ở xóm chợ, rủ nhau đi thăm nhà một người bà con ở làng Mỹ Xuyên. Lúc buổi chiều tính trở về nhà, nhưng thấy trời còn nắng, nên ở nán lại chơi, đợi mát dịu sẽ về. Đến khi ra về thì mặt trời gần sắp lặn, hai chị em đi vội vã. Lúc về gần đến Giồng Xe thì trời tối. Cảm thấy mệt nhọc và chân quá mỏi, hai người đều ngồi xuống nghỉ mệt.

Đường về nhà còn xa, chốc lát đứng dậy đi, bất giác chị em đi lạc lối, vào một cái chợ đêm, thấy đèn đuốc đốt đỏ, thiên hạ xôn xao, cười nói ồn ào, có người lạ và người quen chen chân mua, bán. Hai chị em vui vẻ vào trong và dạo chơi theo hàng phố, cửa hàng bán buôn như chợ tết, với nhiều mặt hàng bánh, trà, rượu, áo khăn, đèn hoa, tạp vật, không thiếu món chi.

Hai chị em cũng mua một ít bánh quà và đồ vật. Chợ nhóm đến khuya, chị em cảm thấy mệt mỏi quá, ngồi xuống góc chợ để nghỉ chân, rồi ngủ hồi nào không hay. Đến sáng ngày, mặt trời mọc sáng trưng, người chị tỉnh dậy trước, thấy đầu, mặt nặng nề, loáng choáng, mở mắt ra trông cảnh lạ lùng; trong khi người em còn nằm mê man, gối đầu trên gò đất nằm giữa đám tranh nát, cỏ khô.

Chị đánh thức em tỉnh dậy để chứng kiến một đêm màn trời chiếu đất. Xem lại bên mình chỉ còn cái gói trầu cau, có một mớ đất cục, lẫn lộn với lá cây đồng cỏ dại. Hai chị em nhìn nhau ngượng cười và nhớ lại đêm qua chị em đi chợ đêm có mua quà bánh... Rùng mình, chị em vội vã đi khỏi xóm mồ hoang, cỏ rậm. Từ đó về sau, vùng đất này có bài thơ truyền lại, kể về câu chuyện kỳ lạ này:

Nghe đâu nhóm chợ Mãnh Ma dị kỳ.
Phố phương hàng quán thiếu chi,
Chen chân mua bán khác gì chợ xuân.
Trong ngoài đèn đuốc sáng trưng,
Người quen gặp gỡ chào mừng hỏi han.
Trà sen rượu để bày hàng,
Hoa thơm, bánh ngọt, trang hoàng lụa the.
Cơn ám ảnh lúc say mê,
Sống mộng huyễn hoặc như là thế gian.
Gẫm xem thế sự tuần hoàn,
Hư hư thiệt thiệt mơ màng, chiêm bao.

Về sau, vì sự đồn đại, thiên hạ phân vân, người thì cho là thật, người gọi là “ma”. Nhiều người cho rằng, vì hai chị em đi về vội vã lúc chiều tối, khi đến Giồng Xe quá mệt, lại gặp âm khí nặng nề xâm vào thần kinh, khiến thị giác hai người đều bị mê đi. Đến cái gò, có lẽ té xỉu, rồi nằm luôn một đêm, thần thức bị mê loạn nên thấy cảnh chợ tết.

Đền thờ Trương Định

Đền thờ Trương Định tọa lạc tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. Đền thờ là nơi thờ cúng vị Anh hùng dân tộc Trương Định, người có công khai phá vùng đất Gò Công. Đây được xem là quê hương thứ hai (bên cạnh quê hương tỉnh Quảng Ngãi) của ông, nơi ông lớn lên lập nghiệp và kháng chiến chống ách xâm lược của thực dân Pháp.

Để tưởng nhớ công đức của ông, nhân dân Gò Công thường gọi là “Trương Công Định” hoặc “Ông Trương”, có nơi ở Gò Công gọi là “Ông Lớn”. Di tích Đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận là di tích cấp Quốc gia cùng với Di tích Ao Dinh và Di tích Đám lá tối trời có tên chung là các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định, như: Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời, Ao Dinh. Hiện nay, không những ở TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho mà ở thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và hầu hết các thành phố, thị xã khác trong cả nước đều có đường phố lớn và nhiều trường học cũng mang tên Trương Định.

Chuyện xưa ở “Đám lá tối trời”

Ở gần làng Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, hiện nay là khu dân cư đông đúc, nhưng 150 năm trước, đây là vùng hoang vu, cây cối um tùm với nhiều dã thú. Tại đây có một khu dừa nước rậm rạp. Vào bên trong khu này, dù là ngày nắng, người ta vẫn thấy tối nên người dân địa phương gọi là “Đám lá tối trời” và lâu ngày, tên này trở thành địa danh.

Tháng 2/1859, quân Pháp tiến công đại đồn Chí Hòa. Trương Định chống cự dưới ngọn cờ của Nguyễn Tri Phương. Đại đồn thất thủ, Trương Định rút quân về vùng Gò Công tiếp tục chiến đấu. Ông đã tổ chức nhiều cuộc phục kích tiêu hao lực lượng địch. Ông được triều đình Huế phong Phó Lãnh binh rồi Lãnh binh. Năm 1863, Pháp đánh chiếm Gò Công. Trước sức giặc mạnh bạo với vũ khí tối tân, lãnh tụ nghĩa quân Trương Định chọn “Đám lá tối trời” làm nơi ẩn binh. Trong đám thuộc hạ của Trương Định có Huỳnh Công Tấn, cha của Tấn cộng tác với Pháp, ra đầu hàng Pháp rồi dẫn binh vào “Đám lá tối trời” để bắt ông Trương Định. Ông bị thương nhưng nhất định không hàng giặc mà rút gươm tự sát (năm 1864).

Từ sau trận Trương Định tuẫn tiết, các nghĩa quân bị giặc Pháp tàn sát, “Đám lá tối trời” trở nên hoang vắng, thê lương. Nguyễn Liên Phong - tác giả cuốn Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (năm 1909) - từng ca tụng ông:

Tiếng đồn Đám lá tối trời
Có ông Trương Định trải phơi gan vàng
Hiền vi cơ chưởng nan minh
Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi
Nên hư số hệ ở trời
Khá đem thành bại luận người hùng anh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện xưa tích cũ Gò Công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO