Chuyện về người Nga đầu tiên biết tiếng Việt tại vùng Viễn Đông

19/06/2024 16:22

Giáo sư A.Sokolovki, là Chủ nhiệm Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Nam Á- Nam Á, đồng thời phụ trách Bộ môn tiếng Việt. Ông là người Nga đầu tiên biết tiếng Việt tại Viễn Đông…

Trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân, Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Tp. Vladivostok, Liên bang Nga.

Tôi có 3 nhiệm kỳ công tác tại cơ quan đại diện nước ta ở nước ngoài: Đại sứ tại Cộng hòa Ba Lan (1995-1998), tại Ukraine (2002-2006) và Tổng Lãnh sự tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga (2009-2012). Mỗi nhiệm kỳ đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất là trong quan hệ thân thiết với bạn bè nước sở tại.

chu huan.jpg
Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân, Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Tp. Vladivostok, Liên bang Nga.

Tại Nga, Việt Nam có ba cơ quan đại diện là Đại sứ quán ở Moscow,  Tổng lãnh sự quán tại Vladivostok và Ekaterinbua. Năm 2009, tôi được Chính phủ bổ nhiệm làm Tổng Lãnh sự của nước ta tại thành phố Vladivostok (nằm ở Viễn Đông của Nga).

Viễn Đông là một trong 8 đại khu liên bang của nước Nga, là một vùng rộng lớn ở phía Đông, chiếm một vị trí hết sức đặc biệt của nước này và trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, phía bắc được bao bọc bởi Bắc Băng Dương và phía Đông bởi Thái Bình Dương. Biên giới phía Tây của Viễn Đông là đại khu Siberia; còn phía Nam tiếp giáp với Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Đồng thời, Viễn Đông còn tiếp giáp với Hoa Kỳ qua eo biển Bering và Nhật Bản qua biển Nhật Bản.

Viễn Đông chiếm 36,4 % diện tích đất nước (6,1159 triệu km2),  song dân cư lại rất thưa thớt, chỉ có khoảng 6,5 triệu người. Đây là vùng sâu nhất, xa nhất của Liên bang Nga, cách thủ đô Moscow hơn 9.000km. Tại thành phố Vladivostok có điểm cuối cùng của đường sắt xuyên Siberia.

Cộng đồng người Việt ở Viễn Đông lúc đó có khoảng 3 nghìn người gồm cựu lưu học sinh, công nhân hợp tác lao động sau khi Liên Xô sụp đổ ở lại làm, ăn sinh sống, chủ yếu buôn bán tại các chợ các thành phố lớn như Vladivostok, Khabarovsk, Nakhodka...

Sau khi chính thức nhận nhiệm vụ Tổng Lãnh sự, tôi đi chào xã giao lãnh đạo vùng Primorye, Khabarovsk, thành phố Vladivostok, các Tổng Lãnh sự nước ngoại tại Viễn Đông, thăm Hội người Việt Nam tại Vladivostok, Khabarovsk, các đối tác, bạn bè của Việt Nam, đặc biệt là Trường đại học phương Đông (từ năm 2012, Trường  trở thành một bộ phận của Đại học Liên bang Viễn Đông), nơi có khoa đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam và Hội hữu nghị Nga-Việt tại Viễn Đông.

Vị Giáo sư rất yêu Việt Nam

Giáo sư A.Sokolovki, là Chủ nhiệm Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Nam Á- Nam Á, đồng thời phụ trách Bộ môn tiếng Việt. Ông là người Nga đầu tiên biết tiếng Việt Nam tại Viễn Đông. Vốn là nhà Trung Quốc học, song do yêu cầu của lãnh đạo, ông đã chuyển sang tiếng Việt.

giao su Nga1.jpg
Giáo sư A.Sokolovki là người Nga đầu tiên biết tiếng Việt tại Viễn Đông. Ảnh: Tác giả cung cấp

Việc đào tạo chuyên gia Việt Nam học được tiến hành từ năm 1980 cho đến nay đều dưới sự dẫn dắt của giáo sư  A.Sokolovki. Đã có hàng trăm chuyên gia về Việt Nam được đào tạo, nhiều người nay đang làm việc tại Bộ Ngoại giao, các cơ quan khoa học, đào tạo, doanh nghiệp của Liên bang Nga. Trong thời gian làm Tổng lãnh sự tôi cũng tham gia giảng dạy tại khoa.

Giáo sư Sokolovki đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga -Việt tại Viễn Đông trong thời gian dài. Hội thành lập ngày 17/11/1971 với đông đảo thành viên tập thể cũng như cá nhân tham gia.

Với tư cách là Chủ tịch  Hội và Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam, Giáo sư có nhiều đóng góp rất to lớn, liên tục cho việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Viễn Đông và Việt Nam.

Ông thường là người đưa ra sáng kiến và tổ chức các hoạt động hữu nghị nhân các lễ lớn của Việt Nam và quan hệ Nga - Việt. Tổng  Lãnh Sự quán Việt Nam luôn phối hợp tích cực. Hàng năm giáo sư đều tổ chức kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước, Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cùng Hội Hữu nghị Nga-Việt  đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ có sự tham gia của Hội người Việt Nam, nhất là sinh viên tại Vladivostok như ca múa nhạc Việt Nam, trình diễn áo dài, triển lãm ảnh, chiếu phim Việt Nam...

Buổi biểu diễn nghệ thuật  chào mừng APEC 2012 rất hoành tráng cũng do GS đứng ra tổ chức.

Để khuyến khích việc học tiếng Việt, phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam,  hàng năm Giáo sư Sokolovki đều tổ chức thi Olympic tiếng Việt cho sinh viên. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ Nga-Việt và 30 năm đào tạo Việt Nam học (2010), với sáng kiến và sự thúc đẩy của GS, Trường đại học Tổng hợp Viễn Đông đã tổ chức hội thảo khoa học lớn có nhiều chuyên gia tham dự, được dư luận đánh giá cao.

Tháng 5/2016, với sự hỗ trợ của Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok,  đặc biệt là bà phu nhân cựu Tổng Lãnh sự, một đoàn ca múa nhạc với hơn ba chục thầy trò của Cung văn hóa thiếu nhi Vladivostok do Giáo sư Sokolovki và bà Irina Driuchia, Chủ tịch Trung tâm văn hóa Nga Vladivostok dẫn đầu đã tham dự lễ hội Văn hóa- du lịch thành phố Hải Phòng, thăm Trường đại học Ngoại thương Hà Nội và giao lưu văn nghệ với sinh viên Khoa tiếng Nga của trường. Đặt biệt, Đoàn đã vào viếng Lăng Bác và thăm khu di tích Phủ Chủ tịch với nhiều ấn tượng rất sâu sắc về Bác Hồ và Việt Nam.

Giáo sư đã nhiều lần đi thăm làm việc tại Việt Nam, là đối tác quan trọng của Viện Văn hóa và Nghệ thuật quốc gia thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, là bạn thân thiết của  GS TS Nguyễn  Chí Bền.  Mỗi lần ông tới thăm Hà Nội, chúng tôi bao giờ cũng gặp nhau, để hàn huyên, để trao đổi các vấn đề quan hệ Việt -Nga. Ông là người rất yêu Việt Nam, có rất nhiều đóng góp cho củng cố quan hệ Viễn Đông - Việt Nam. Con gái giáo sư cũng là nhà Việt Nam học, nhiều năm làm việc ở Việt Nam, yêu thích văn hóa Việt, nhất là thơ ca…

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chuyen-ve-nguoi-nga-dau-tien-biet-tieng-viet-tai-vung-vien-dong-2293071.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/chuyen-ve-nguoi-nga-dau-tien-biet-tieng-viet-tai-vung-vien-dong-2293071.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về người Nga đầu tiên biết tiếng Việt tại vùng Viễn Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO