Chuyện về đứa trẻ gây tranh cãi ngoại giao Đức - Ấn Độ

18/08/2023 05:55

Bé M., 2 tuổi rưỡi, người Ấn Độ đang ở một trung tâm chăm sóc trẻ em đặc biệt tại thủ đô Đức và là tâm điểm của một vụ gây tranh cãi ngoại giao giữa hai nước.

Bé M. bị chia tách khỏi gia đình Ấn Độ của mình từ khi mới 7 tháng tuổi, vì cha mẹ em bị cáo buộc lạm dụng trẻ em ở Đức vào tháng 9/2021.

Ảnh: Times of India

Hồi tháng 6 năm nay, một tòa án ở Berlin đã ra phán quyết chấm dứt quyền nuôi dưỡng con gái của Dia và chồng cô ấy - Amit (tên của họ đã được thay đổi vì lí do pháp lý), đồng thời trao quyền giám hộ đứa trẻ cho Văn phòng Phúc lợi thanh, thiếu niên, nhi đồng Đức (Jugendamt). Tòa án cũng bác bỏ yêu cầu cho bé M. hồi hương về Ấn Độ với cha mẹ. Vợ chồng Dia - Amit đã lên án phiên tòa và đệ đơn kháng cáo.

Trong cuộc trao đổi với BBC, Dia bật khóc khi kể về việc phải xa con gái. Cô hiện ở thủ đô New Delhi để kêu gọi sự ủng hộ trong cuộc chiến đưa đứa trẻ trở lại Ấn Độ.

Người mẹ cho hay, vợ chồng cô đã chuyển tới Berlin năm 2018 khi Amit nhận được một công việc ở đó. Cô sinh bé M. vào ngày 2/2/2021.

Theo các tài liệu của tòa án, tâm điểm tranh cãi giữa gia đình với cơ quan chức năng Đức là vết thương ở bộ phận sinh dục của bé M. khi mới 7 tháng tuổi. Lúc đó, một bác sĩ tuyên bố "chưa bao giờ thấy vết thương nào ở bộ phận sinh dục nghiêm trọng như vậy ở trẻ mới sinh" và bé gái cần được phẫu thuật để phục hồi.

Cơ quan bảo vệ trẻ em ở Berlin đã đưa đứa trẻ đi vì nghi ngờ em bị lạm dụng tình dục trong gia đình. Vợ chồng Dia kiên quyết bác bỏ cáo buộc và bệnh viện, nơi điều trị cho bé M., sau đó đã minh oan cho họ.

Các bác sĩ xác nhận “không có bằng chứng” cho thấy đã xảy ra lạm dụng tình dục. Cảnh sát đã khép lại vụ việc mà không đưa ra cáo buộc chống lại Dia và chồng cô.

Cha mẹ bé M. tin thương tổn với con gái chỉ là tai nạn. Hai bác sĩ độc lập đến từ Mỹ và Ấn Độ đã xem hồ sơ bệnh án của đứa trẻ và nhất trí về điều này trong báo cáo gửi tòa án.

Tuy nhiên, cơ quan bảo vệ trẻ em Đức nói họ không nghĩ bé M. sẽ an toàn khi ở nhà và tòa đã đồng ý với lập luận này. Vì vậy, cô bé hiện đã trải qua gần 2 năm trong cơ sở nuôi dưỡng ở Berlin.

Cha mẹ bé M. cho biết ít được phép tiếp xúc với con gái, mặc dù các nhân viên xã hội được cử đến kiểm tra gia đình mô tả họ là các bậc phụ huynh "đầy tình yêu thương và chăm sóc", đồng thời mô tả các tương tác giữa họ với đứa trẻ "luôn tích cực, vui vẻ và háo hức". Một nhà tâm lý học do tòa chỉ định cũng khuyến nghị, cha hoặc mẹ nên sống với bé M. trong cơ sở dành cho phụ huynh và con cái, do người chăm sóc giám sát.

Dẫu vậy, tuần trước, Jugendamt thông báo với vợ chồng Dia rằng, "tất cả các chuyến thăm con gái của họ đã bị hủy bỏ vì không có ai đưa, đón bé". Dia cũng tố cáo việc vợ chồng cô thậm chí còn không được phép gọi điện video cho con.

"Chúng tôi không có thông tin về người chăm sóc con gái kể từ khi con được chuyển từ cơ sở nuôi dưỡng đến trung tâm dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Những bí mật xung quanh con chúng tôi rất kỳ lạ", người mẹ bộc bạch.

Dia tin cô bị đối xử không công bằng vì “khác biệt văn hóa và hiểu lầm". Cô không thể nói tiếng Đức, trong khi người phiên dịch được chỉ định cho cô nói tiếng Hindi nhưng không biết tiếng Gujarati, bang quê hương cô ở miền tây Ấn Độ .

Ảnh: BBC

Trường hợp của bé M. đã thu hút sự chú ý ở cả Ấn Độ và Đức. Một số cuộc biểu tình đòi trả cô bé cho cha mẹ đã diễn ra ở một số thành phố của Ấn Độ, cũng như được cộng đồng người xa xứ Ấn Độ tổ chức ở 2 thành phố Frankfurt và Darmstadt của Đức.

Tại New Delhi, Dia đã gặp các quan chức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) và vận động hành lang để hàng chục nghị sĩ gửi thư cho Đại sứ Đức Phillip Ackerman yêu cầu hồi hương con gái cô. Các nghị sĩ cũng kêu gọi chính phủ thực hiện các bước trợ giúp cần thiết, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Narendra Modi giải quyết vấn đề này cùng người đồng cấp Đức Olaf Scholz khi các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô Ấn Độ vào tháng sau.

Chính phủ Ấn Độ tuyên bố, vụ việc đang được “ưu tiên cao”. Hồi đầu tháng này, phát ngôn viên MEA cho biết, cơ quan này đã triệu tập đại sứ Đức tới để truyền đạt các quan ngại của New Delhi.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Đức từ chối bình luận về trường hợp của bé M. Song, các nguồn tin trong Chính phủ Đức cho hay, vụ việc đang được giải quyết ở tòa án và nằm ngoài tầm tay của họ. Nhưng các quan chức đang phối hợp với phía Ấn Độ để tìm ra giải pháp.

Trong khi đó, Dia bày tỏ lo lắng, mỗi ngày trôi qua càng làm tăng nguy cơ cô mất con dần dần. Lí do vì, bé M. đang không được dạy tiếng mẹ đẻ Gujarati và chỉ nói tiếng Đức nên người mẹ không có khả năng giao tiếp với em.

Gia đình Dia cũng đang vật lộn tìm cách trả 9 triệu rupee (gần 2,6 tỷ đồng) tiền chi phí nuôi dưỡng con gái và các tranh tụng pháp lý tại Đức. Dia tiết lộ, thông qua kêu gọi gây quỹ ủng hộ, gia đình mới chỉ quyên góp được 5 triệu rupee và đang đối mặt với tình trạng kiệt quệ về tài chính.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chuyen-ve-dua-tre-gay-tranh-cai-ngoai-giao-duc-an-do-2178600.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/chuyen-ve-dua-tre-gay-tranh-cai-ngoai-giao-duc-an-do-2178600.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về đứa trẻ gây tranh cãi ngoại giao Đức - Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO