Chuyện từ cái hồi 'năm Thìn bão lụt!'

Tổng hợp| 24/02/2024 09:55

'Năm Thìn bão lụt' không chỉ là một sự kiện trong lịch sử của vùng đất Nam Bộ, mà đã trở thành một thành ngữ để miêu tả sự việc đã diễn ra quá lâu, xưa cũ.

Làng mạc Gò Công tiêu điều chết chóc sau bão lụt - Ảnh: tư liệu

Cơn bão lịch sử

‏Tròn 120 năm trôi qua, “Năm Thìn bão lụt” vẫn là thiên tai kinh hoàng với người dân Nam Bộ.

‏Nhắc đến “Năm Thìn bão lụt”, nhiều người nghĩ ngay đến cơn bão lụt năm Giáp Thìn 1904, thiệt hại nhất là Gò Công, Mỹ Tho tức Tiền Giang, Tân An Long An, Chợ Lớn Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và dọc theo bờ duyên hải. Những làng ven biển đã bị những đợt sóng thần cao hơn 10m cuốn mất, Gò Công thuở ấy còn có ca dao: ‏

"Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc

‏Gió nào độc cho bằng gió Gò Công,

‏Một trận đông phong siêu lạc vợ chồng em nằm nghĩ lại

‏Nước mắt hồng tuông rơi."

Vũng Tàu trước cơn bão lịch sử - Ảnh: tư liệu

‏Đến nay, tư liệu về trận cuồng phong này không nhiều, chủ yếu thông qua văn học dân gian, chỉ duy nhất được nhắc đến trong cuốn “Gò Công cảnh cũ người xưa” của cụ Việt Cúc xuất bản thập niên 1970, sau đó được NXB Trẻ tái bản vào năm 1993.‏

Nhà cửa hoang tàn sau cơn bão lịch sử quét qua - Ảnh: tư liệu

‏Theo cụ Việt Cúc thuật lại, đó là ngày rằm tháng 3 năm Giáp Thìn đương mùa khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ bỗng trời nộ cuồng phong, mây đen bao phủ từ 10 giờ sáng đến chạng vạng. Hơn 5 giờ chiều: “Bỗng xoay chiều gió từ phương Đông ào ào xô gãy cây và trốc gốc, vách nhà đổ xiêu. Lá cây, lá lợp nhà tốc bay tứ tung, cây cối nằm la liệt”, cụ Việt Cúc hồi tưởng. Không chỉ vậy, tàu thuyền ngoài biển, trong sông bị nhấn chìm vô số, xác người, xác súc vật trôi lềnh bềnh trên sông, cảnh tượng tang thương - bình địa khởi phong ba. Cụ Huỳnh Ngọc Liêng, người Gò Công, đã cảm tác thành thơ:‏

‏“Rương xe, thùng bộng, mái lơn

‏Thuyền chài, cối giã, chạy bôn trên đồng

‏Xác người, xác thú chập chồng

‏Sóng dồi rều dập, vun giồng lấp khe”

‏Cơn bão đi qua, niềm đau ở lại. Tiếng hờ khóc vang vọng một vùng. Đàn ông tìm cây lá cất chòi ở tạm, đàn bà bòn mót lúa cho qua bữa. Ngày 19-3 âm lịch, dân làng tổ chức cuộc đi tìm chôn xác, gặp đâu chôn đó, nhiều vô kể. Cũng cần nói thêm, đến tháng năm năm đó, phần do người và vật chết sình trương, phần cây cỏ ẩm mục, nhà cửa ngập lụt không vệ sinh nên người dân Gò Công lại hứng họa dịch bệnh, khổ ải vô cùng. Thống kê của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có tới trên 5.000 người chết, hơn 80% súc vật chết và hơn 60% nhà dân bị sập trong cơn bão năm Thìn này. Từ đó, ca dao Gò Công có câu rằng:‏

‏“Gặp đây mới biết em còn

‏Hồi năm bão lụt anh khóc mòn con ngươi”

‏Dân gian Gò Công còn lưu truyền bài thơ bão rất dài, miêu tả cảnh khốn cùng sau cơn bão lụt. Bài thơ có đoạn:‏

‏“Rủ nhau dập xác cho liền

‏Gặp đâu chôn đó, chớ hề ai khiêng

‏Thân chết chôn rồi đã yên

‏Còn người sống sót gạo tiền đâu ăn?”

‏“Bến Thành nóc chợ cũng bay”

Cây cối ngã đổ ở Sài Gòn trong bão lụt Năm Thìn - Ảnh: tư liệu

Sài Gòn đầu thế kỷ XX vốn là đô thị sầm uất nhất Nam Bộ và cả nước nên trận bão năm Giáp Thìn (1904) đổ bộ vào Sài Gòn khiến 3.000 người chết, thiệt hại tài sản vô cùng lớn đến độ đã đi vào những câu thơ ca dân gian truyền miệng của người dân: “Bến Thành nóc chợ cũng bay/ Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…”. Hay: “Gặp em đây mới biết em còn/ Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi”...‏

‏40 năm sau trận thiên tai, Nam Kỳ tuần báo (do Hồ Văn Trung- tức nhà văn Hồ Biểu Chánh làm chủ nhiệm) số 85, ra ngày 8/6/1944, có bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân mô tả khá chi tiết về cơn bão diễn ra vào ngày chủ nhật 1/5/1904 trên đất Sài Gòn xưa.‏

Sài Gòn ngập trong biển nước - Ảnh: tư liệu

‏Theo bài báo, hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn- Gò Vấp. Trong bài diễn văn của mình, một quan chức Sài Gòn dõng dạc tuyên bố: “Nam Kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa...”.‏

Gió quật ngã một toa tàu khỏi đường ray trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, ảnh: tư liệu

Sáng 1/5/1904, suốt từ sáng đến trưa trời Sài Gòn mưa lâm râm. Đến đầu giờ chiều gió bắt đầu thổi mạnh và đến 15 giờ gió càng dữ dội hơn. Người dân Sài Gòn cứ ngỡ là trời dông lớn chứ không ai nghĩ đến bão lụt.‏

‏Xe ngựa, xe kéo, khách bộ hành kiếm chỗ trú ẩn hoặc chạy về nhà, đường sá vắng tanh. Mới 16 giờ chiều, trời đã tối sầm, điện bị cúp. Ở các nhà hàng, quán cơm, người ta phải đốt đèn cầy hoặc đèn dầu nhưng gió mạnh khiến đèn liên tục bị tắt.‏

‏Cuộc bầu cử hôm ấy vắng mặt tới trên 400 cử tri do thời tiết xấu, kết quả kiểm phiếu bị hủy bỏ và phải dời lại chủ nhật tuần sau.‏

‏Bài báo mô tả: “Đến 17 giờ chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, đốn ngã cây cối, đứt mất dây điện và dây thép, nhận chìm tàu ghe, cột đèn hay cột dây thép xiêu ngã liệt địa. Đường sá vắng teo không người lai vãng, tiếng dông mưa thổi ào ào như trời than đất thở”.‏

‏Mưa to gió lớn đến nỗi nhiều con ngựa đang kéo xe hoảng sợ bứt dây cương, quăng xe chạy tháo thân. Có xe bị lật nhào “kéo theo cả con ngựa nằm té sải cẳng”. Hầu hết các xe đều gãy gọng, bay mui, phu xe bỏ chạy tán loạn.‏

‏Dọc theo sông Sài Gòn, tàu, sà lan, ghe tam bản, ghe chài, ghe lồng đứt dây, trôi ra giữa sông bị sóng gió đánh ập, va đập nhau mà chìm.

Không có mô tả ảnh.
Chợ ngập nặng, một số ki-ốt chỉ còn nhìn thấy nóc ngói.

‏Đến 19 giờ, các tàu lớn Canebière, Adour và Hop Sang bị sóng đẩy lên bờ nằm ngả nghiêng. Chiếc Patroclus đang đậu ở Thủ Thiêm đứt dây neo, chạy ra giữa sông đụng chìm 4 chiếc ghe chở đá, đâm thủng một chiếc ghe chài chở lúa, nhận chìm khoảng một chục chiếc tam bản trước khi chìm xuống bến Nhà Rồng.‏

‏Chỉ riêng các ghe chở lúa, chở dầu, chở hàng hóa có đến 43 chiếc bị chìm trong đêm đó. Từ 22 giờ, trời đã bớt dông nhưng mưa vẫn ào ào như trút suốt cả đêm. Đến sáng hôm sau, người ta thống kê có hơn 900 cây lớn tróc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường Sài Gòn, lá cây rụng lấp cả đường đi. Nhà lá bay tứ tung khắp nơi, phủ dầy mặt đường, có chỗ lên đến 2m. Trong chợ, các thớt thịt ngã đổ chất đống lên nhau.‏

‏Sau đó, báo L’Opinion và Le Courrier de Saigon tường trình về trận bão này: “Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn (tuyến xe lửa Sài Gòn- Mỹ Tho), có một cái vòi rồng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giật đứt mái nhà ở đề pô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá khác.‏

‏Cách đó mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất. Khi thiên hạ chạy đến toan cứu kẻ vô phước thì người ta thấy thân hình anh ta đã dẹp lép...”.‏

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện từ cái hồi 'năm Thìn bão lụt!'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO