Chuyện Thủ tướng được tặng quýt Nhật và trăn trở của Bộ trưởng Nông nghiệp

11/01/2023 06:35

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cần cùng nhau hành động "vì hình ảnh đất nước, hình ảnh nông dân Việt Nam" chứ không chỉ dừng lại ở những con số xuất khẩu đáng tự hào.

Tại hội nghị tổng kết ngành ngoại giao năm 2022 (ngày 10/1), lãnh đạo nhiều bộ ngành đã chia sẻ về vai trò của đối ngoại, ngoại giao trong phát triển KT-XH, nhất là khi ngành phát huy vai trò tiên phong, chủ động đi trước mở đường cho phát triển đất nước.

Chữ Việt Nam vang lên trong từng ngôi nhà trên thế giới

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ông mang theo lời tri ân của hàng chục triệu nông dân, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nông nghiệp tới Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vì đã góp phần mang nông sản Việt ra thế giới.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Phạm Hải

Năm 2022 nông nghiệp Việt Nam đạt hơn hơn 53 tỷ USD xuất khẩu và xuất siêu hơn 9 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng xuất siêu của toàn nền kinh tế. Bộ trưởng khẳng định: "Điều đó cho thấy dù trong khó khăn, nhưng với sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao, có thể làm được nhiều hơn những gì mà chúng ta đặt ra".

Theo Bộ trưởng, những con số đó chưa nói hết ý nghĩa của câu chuyện xuất khẩu nông sản.

"Tôi tưởng tượng vào một một buổi sáng nào đó, ở một quốc gia nào đó, người dân ở đó ăn hạt gạo và nói luôn rằng đây là gạo Việt Nam, ăn con cá nói đây là cá Việt Nam, ăn trái xoài nói xoài của Việt Nam.. Như vậy chữ Việt Nam đã vang lên trong từng ngôi nhà trên thế giới", Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bộ trưởng cho rằng, chuyện mua bán nông sản không chỉ đơn thuần là những con số xuất khẩu hữu hình mà còn có cả sức mạnh vô hình. Ở khía cạnh nào đó, xuất khẩu cũng là thương hiệu quốc gia, hình ảnh đất nước Việt Nam có người nông dân Việt Nam.

Cùng hành động "vì hình ảnh đất nước, hình ảnh nông dân Việt Nam"

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng NN&PTNT nhắc lại cuộc gặp hồi tháng 11/2021 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt Nikai Toshihiro. Tại đây, ông Suga Yoshihide và ông Nikai Toshihiro đã tặng quýt Unshu cho Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2020, trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản - ông Suga cho biết sẽ hợp tác để sớm xuất khẩu quýt Unshu cho Việt Nam, đồng thời đơn giản hóa cơ chế giám sát kiểm tra, mở cửa cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản. Đến tháng 10/2021, quýt Unshu đã chính thức được cấp phép vào Việt Nam.

"Tại cuộc gặp, tôi có nhiều cảm xúc đối với một đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới nhưng vẫn chú trọng đến phát triển nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Từ cảm xúc đó, ông Lê Minh Hoan mong muốn các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cần cùng nhau hành động "vì hình ảnh đất nước, hình ảnh nông dân Việt Nam" chứ không chỉ dừng lại ở những con số xuất khẩu đáng tự hào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ xuất hành quả quýt Unshu sang thị trường Việt Nam. Ảnh: Dương Giang

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, thông qua những con số xuất khẩu, sẽ nhìn được những đặc điểm của thị trường để chủ động cho những năm sau với những thị trường tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh cao.

Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, ông đã tiếp xúc với rất nhiều Việt kiều trong các chuyến công tác của Thủ tướng. Ông nhận thấy có những điều cần chuyển đổi với từng khu vực, từng thị trường, nơi có các đặc điểm, văn hóa tiêu dùng riêng.

Với một thế giới có nhiều biến đổi, nông nghiệp đứng trước bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động thị trường và tiêu dùng thế giới buộc ngành nông nghiệp "không thể đứng yên mà cần chủ động thích ứng như nhiều lần Thủ tướng chỉ đạo".

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, cần có sự phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn giữa Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao.

"Muốn đi nhanh thì chúng ta đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau, ứng vào nông nghiệp, nông sản, cần đi cùng nhau để tiến xa", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã có những trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và thống nhất khi xúc tiến thương mại tại một thị trường mới thì "nên đi một cách gọn nhẹ hơn là đánh động lớn, nên đi vào thực chất hơn".

Ngoài ra, khi đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm văn hóa ra nước ngoài có sự kết hợp với nhau thì không gian tiếp thị bổ sung cho nhau, mở rộng không gian quảng bá văn hóa, tiết kiệm cho Nhà nước.

Về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, Bộ trưởng nhìn nhận, Việt Nam đang có khoảng cách rất xa so với tiêu chí với các nước. Ngành nông nghiệp cũng rất cần sự hợp tác khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ gene, các mô hình nông nghiệp tiên tiến.
Bộ trưởng mong muốn ngành Ngoại giao chỉ đường, "ngoại giao không chỉ bán nông sản mà còn đưa tri thức, đưa đội ngũ các nhà khoa học từ các nước và nhà khoa học Việt kiều từ khắp nơi về hợp tác".  
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Chuyện Thủ tướng được tặng quýt Nhật và trăn trở của Bộ trưởng Nông nghiệp
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO