Ăn tối cùng chef và nói chuyện bếp là tác phẩm không phải thuộc thể loại văn chương, về nghề bếp, nhưng lôi cuốn lạ thường nhờ vô số chi tiết mà người “ngoại đạo” không thể biết, và bởi niềm đam mê quyết liệt của tác giả: “Tôi chỉ muốn làm bếp, tôi chỉ muốn nấu ăn.”
Ăn tối cùng chef và nói chuyện bếp phản ánh một cách chân thực nhất nghề bếp thông qua hình ảnh của những người làm bếp: có bình dị, có máu lửa, nhiệt huyết với nghề, cũng có lúc hoang mang, rớt xuống đáy sự nghiệp, rồi lại có quyết tâm và hi vọng để vực dậy. Nó cung cấp kinh nghiệm và kiến thức, không phải đơn thuần viết công thức nấu ăn.
Bạn đọc có thể thấy tác giả đặt yêu cầu rất cao trong công việc của mình, từ đó phơi bày nhiều mặt tối của công việc này và cách anh ứng xử với những mặt tối đó. Cuốn sách còn gợi rất nhiều suy nghĩ trong chúng ta về cách chúng ta đối xử với công việc của riêng mình, dù không chỉ trong nghề bếp: tử tế, khoa học, phối hợp với đồng đội, hướng đến những tầm cao hơn…
Ăn tối cùng chef và nói chuyện bếp được chia thành các phần rất mạch lạc, nó giống như cách mà một đầu bếp chuyên nghiệp đang chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn cho khách hàng, với một thực đơn đầy đủ nhiều loại món khác nhau, theo trình tự từ thanh đến đậm, từ nhẹ đến đầm, từ mặn tới ngọt.
Trong phần “Khai vị - Món gỏi”, tác giả chia sẻ những cảm nhận cá nhân khi làm đầu bếp: họ ăn uống như thế nào sau một ngày nấu cho mọi người ăn? Họ giải trí thế nào, họ đi chợ ra sao, những gì anh phải trải qua khi học việc…
Đến phần “Món xúp”, tác giả mở rộng mô tả một căn bếp chuyên nghiệp, những quy tắc nghiêm ngặt về sự sạch sẽ, cách xếp tủ lạnh, giữ gìn nguyên liệu, tốc độ làm đồ ăn, cách học hỏi và không ngừng nâng cao trình độ.
Phần “Món hấp” cuốn người đọc vào thế giới ngồn ngộn thông tin khiến người ta phải “ồ” à” về dao, nồi chảo, thớt, nước dùng, gia vị, bơ, muối, cách xây dựng hương vị món ăn, cả những mẹo “bùa phép”… của đầu bếp.
Phần “Món xào” trở lại với những chiêm nghiệm của người đứng bếp về những kỹ năng trong nghề, ngoại ngữ, cách đối nhân xử thế với những cộng sự xung quanh và khách ăn. Liệu hình ảnh vị “bếp trưởng cau có la hét” có đúng chăng?
Phần “Món hầm” là những nghiền ngẫm của tác giả về công việc này: Đường dài sẽ ra sao, thái độ làm nghề như thế nào, sự ảnh hưởng của nghề nghiệp lên tâm tính, dẫn dắt đàn em ra sao… Cũng như trong xã hội, nếu chọn đúng vị trí của mình trong căn bếp, thì anh phát huy được tốt nhất và nói cách nào đó, hạnh phúc nhất.
Phần “Món kết thúc vị mặn” là những trải nghiệm lớn hơn, khi tác giả đúng ở vị trí bếp trưởng và mở hẳn nhà hàng của riêng mình.
Và “Tráng miệng” là những cuộc đối thoại trong cộng đồng nho nhỏ giao lưu với tác giả qua fanpage Bếp Đơn. Những tâm sự nghề, những tha thiết và trăn trở của các bạn muốn dấn thân vào nghề nghiệp này.