Chuyện hai người đàn ông bán kẹo

Trần Chánh Nghĩa| 05/10/2017 07:00

Họ đàn hát bán keo cao su ở các quán nhậu kiếm sống. Hai năm nay, sợi dây bằng hữu đã cột chặt họ. Sướng khổ gì cũng có nhau

Quán đang đông khách. Ồn ào và náo nhiệt. Từ bên ngoài, 2 người đàn ông đi vào. Người đi trước tay cầm hộp kẹo cao su, dắt người đi sau cầm đàn. Đến một bàn khách đang ăn uống, người cầm đàn dạo một khúc nhạc rồi cất tiếng hát. Tiếng hát lúc du dương lúc dồn dập. Tiếng đàn khi trầm khi bổng. Người bạn anh bắt đầu mời khách mua kẹo ...

Tình bạn và cuộc mưu sinh

Người bán kẹo là anh Nguyễn Văn Toản, 37 tuổi quê Thanh Hóa; người còn lại, anh Nguyễn Văn Lượm, 32 tuổi, quê ở Gò Dầu (Tây Ninh). Toản mất một chân, phải dùng chân giả. Lượm khiếm thị, mù từ lúc lên 7 tuổi, sau một cơn bạo bệnh. Trên bước đường mưu sinh, họ đã gặp nhau, kết tình bằng hữu, nương tựa nhau những lúc khó khăn.

Lượm đàn và hát. Toản mời khách mua kẹo

Đã 2 năm nay, cứ mỗi chiều từ 17 giờ 30, Toản chạy xe máy từ nhà trọ ở xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) đến chùa Kỳ Quang (phường Thạnh Lộc, quận 12) để đón Lượm đi hát. Họ rong ruổi trên xe, len lỏi đến từng quán nhậu từ Hóc Môn xuống tận Tân Bình. Nếu hôm nào đông khách, có thể 1- 2 giờ, sáng cả 2 mới về nhà. Cuộc mưu sinh tuy vất vả nhọc nhằn nhưng ai nấy cũng vui.

Anh Toản len lỏi đến từng bàn mời kẹo. Người mua ủng hộ, người không. Có người không mua nhưng cầm tờ 10.000 đồng tặng, anh thẳng thắn từ chối vì "chúng tôi không phải hành khất". Mua hay không cũng đều nhận nơi anh hai tiếng cảm ơn.

Toản tâm sự vợ anh mới mất được 7 tháng, mẹ vợ từ quê lên phụ Toản chăm sóc cháu gái (7 tuổi). Hàng đêm, Toản đi bán, thu nhập cũng đủ cho 3 miệng ăn trong thời buổi khó khăn này. Trước đây anh là chuyên viên bảo trì máy may nhưng anh cũng có khả năng làm tất cả các công việc liên quan đến ngành may, kể cả may quần áo và tạo mẫu. Anh từng mơ ước về một tổ hợp may do mình làm chủ. "Muốn thì muốn vậy nhưng bây giờ vẫn chưa có điều kiện. Vốn cố định thì có thể vay mượn nhưng vốn lưu động thì khó quá. Thôi thì chờ vậy". Chúng tôi hỏi anh, nếu có tổ hợp may, có bỏ "tổ hợp" ca hát này hay không? Toản nở nụ cười: "Làm sao mà bỏ được. Công việc này là một sự liên kết đặc biệt. Hai năm nay, sợi dây bằng hữu đã cột chặt anh em chúng tôi. Sướng khổ gì cũng phải có nhau".

Toản dìu Lượm ra xe. Lượm ngồi ngay ngắn, cây đàn để lọt vào giữa. Cả hai lao vào trong màn đêm tiếp tục mưu sinh...

Chan chứa yêu thương

Chúng tôi đến thăm tổ ấm của Lượm ở chùa Kỳ Quang (phường Thạnh Lộc). Ngồi bên cạnh vợ, anh kể cho tôi nghe về chuyện tình của anh chị ...

Chị tên Cẩm Duyên, nhỏ hơn anh 3 tuổi, nhà ở An Giang. Năm lên 6 tuổi, chị bị mù sau cơn sốt. Ba mẹ nghèo, Duyên vừa học chữ vừa học nghề tại trường khuyết tật Long Xuyên suốt 5 năm. Một thời gian sau, Duyên theo gia đình lên TP HCM kiếm sống.

Anh cũng không khá hơn. Năm 1997, từ Tây Ninh, anh về TP HCM học chữ nổi. Đến năm 2004, mẹ mất. Bơ vơ, anh xin vào tá túc ở chùa Kỳ Quang và theo học lớp massage. Thành nghề, anh vào làm ở các cơ sở massage trong TP và làm thêm tại các gia đình có yêu cầu.

Đến năm 2013, bạn bè đã giới thiệu và cho số điện thoại của Duyên để 2 người làm quen. Đến năm 2015, họ nên duyên chồng vợ, thuê nhà trọ ở TP sinh sống làm ăn. Hai vợ chồng đều làm massage nhưng thu nhập rất bấp bênh khiến Lượm nhiều đêm trăn trở. Anh quyết định học đàn. Nhờ những người bạn, nhờ vào sách vở và các phương tiện phát thanh, chẳng mấy chốc anh làm quen với âm nhạc và sử dụng thuần thục các ngón đàn.

Vợ chồng Lượm - Duyên

Những tiệm massage do người mù đảm trách vắng khách dần. Không có đủ trả tiền phòng trọ, Lượm và Duyên lại một lần nữa trở về chùa tìm nơi tá túc. Rồi Lượm gặp Toản. Họ rủ nhau đến các quán nhậu đàn hát bán keo cao su kiếm sống. Nhờ vậy mà cơn bĩ cực cũng vơi dần. Bây giờ, điều họ mong ước là có một đứa con, dù việc chăm sóc sẽ rất khó khăn đối với họ.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 02-10-2017

https://nld.com.vn/ban-doc/chuyen-hai-nguoi-dan-ong-ban-keo-20171002101033953.htm

Bài liên quan
  • Về xóm lồng đèn nhớ. . . những "người muôn năm cũ"
    Hàng năm, cứ sau rằm tháng 7, xóm đạo ấy trở nên nhộn nhịp. Kẻ bán người mua tấp nập tạo nên một hoạt cảnh huyên náo đến lạ thường. Chúng tôi muốn nói đến khu vực giáo xứ Phú Bình (P.5 Q. 11 TP.HCM), một nơi chuyên sản xuất lồng đèn thủ công vào mỗi dịp Trung thu. Nhưng rồi thì . . . mỗi năm mỗi vắng.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện hai người đàn ông bán kẹo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO