Chuyên gia y tế lo ngại tình trạng kháng thuốc

Lệ Hà| 22/11/2023 17:35

Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến cho việc điều trị nhiễm trùng ngày càng trở nên khó khăn hoặc không thể điều trị được.

Chuyên gia y tế lo ngại tình trạng kháng thuốc
Người bệnh dễ dàng mua thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn. Ảnh minh hoạ: Hà Lê

Kháng thuốc do tự uống kháng sinh

Bệnh nhân nữ 76 tuổi đi tiểu buốt, tự mua kháng sinh uống hai đợt nhưng không đỡ, khi đến viện bệnh nặng hơn và bị kháng kháng sinh. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tiểu buốt rắt 20 ngày, không tiểu ra máu, không đau lưng hông, được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả, bệnh nhân bị viêm bàng quang do vi khuẩn E.coli đa kháng do tự ý điều trị bằng kháng sinh dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh.

Trường hợp của bệnh nhân nếu để lâu có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, suy thận nên được chỉ định nhập viện điều trị kháng sinh tĩnh mạch theo kháng sinh đồ. Sau hai ngày điều trị nội trú, bệnh nhân hết tiểu tiện buốt rắt và xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Đây là một trong nhiều trường hợp tự ý mua kháng sinh điều trị dẫn đến kháng kháng sinh phải nhập viện. Việc này tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc dẫn đến hậu quả khôn lường là không có thuốc điều trị đặc hiệu, khiến bệnh lâu khỏi, thậm chí tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, kháng sinh chỉ được sử dụng khi bị các bệnh nhiễm khuẩn và được bác sĩ chỉ định dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ gây nhiều tác hại.

Việc mua và dùng thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ và dùng không đủ liều có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Hậu quả của việc kháng thuốc kháng sinh là rất nghiêm trọng, có nhiều trường hợp các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành để bảo vệ hiệu quả của thuốc kháng vi sinh vật và giải quyết mối đe dọa phức tạp và ngày càng gia tăng của kháng thuốc tại Việt Nam.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: “Kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua. Báo cáo gần đây của chúng tôi cho thấy từ dữ liệu kháng sinh đồ: Xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng trong thập kỷ qua.

Nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh. Cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề này được phản ánh trong Chiến lược kháng kháng sinh quốc gia toàn diện mà chúng tôi sẽ triển khai trong tuần này”.Người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do nhân viên có chuyên môn và thẩm quyền kê đơn, luôn tuân thủ theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh; không bao giờ dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, thực hành tình dục an toàn và tiêm chủng đầy đủ.

Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỉ đô la Mỹ và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia y tế lo ngại tình trạng kháng thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO