Theo dữ liệu trên cổng thông tin COVID-19 TPHCM, đến ngày 27.1.2022, tổng số vaccine được tiêm tại TPHCM là 19.908.158 liều vaccine. Trong đó số tổng số người dân tiêm mũi 1 đạt 8.103.341 liều vaccine, mũi 2 đạt 7.283.226 liều vaccine, mũi 3 đạt 4.521.551. Tỉ lệ đạt 95.68%, cao nhất cả nước số liều vaccine được tiêm.
Ngoài vấn đề tiêm chủng đạt tỉ lệ cao, số ca mắc mới COVID-19 trung bình dưới 150 ca mỗi ngày, số ca tử giảm còn một chữ số.
Trước những diễn biến tích cực bản đồ dịch tễ của thành phố, các chuyên gia cho rằng, TPHCM đã đủ điều kiện đạt miễn dịch cộng đồng nhưng vẫn cần nhiều yếu tố để duy trì, hạn chế tối đa tình trạng dịch bùng phát trở lại.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM nhận định: “Theo tôi, thành phố hiện đã đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, nhưng với COVID-19 vaccine không đạt miễn dịch bền vững và sẽ suy giảm, nên việc người dân tập trung bổ sung tiêm vaccine mũi 3 là cần thiết”.
Cũng theo PGS.TS Dũng, hiện nay tỉ lệ lây lan biến chủng Delta không còn cao, nhưng xuất hiện biến chủng Omicron tốc độ lây lan gấp 70 lần theo nghiên cứu của thế giới. Vì vậy, kể cả khi tiêm 3-4 mũi vẫn có khả năng nhiễm bệnh, ví dụ ở Ireland đã tiêm mũi thứ 4 nhưng biến chủng Omicron vẫn bùng phát mạnh ở đây. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ sẽ giúp chúng ta có kháng thể, khi nhiễm bệnh sẽ không chuyển nặng, thậm chí có những người triệu chứng như cảm cúm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Minh Phúc cho biết, chúng ta đã đạt miễn dịch cộng đồng nhưng không có nghĩa là mình an toàn, chỉ cần biến chủng Omicron vào lây lan nhanh, nhưng nếu tỉ lệ chích ngừa lên cao thì miễn dịch cộng đồng an toàn. Ví dụ như ở nước Anh, biến chủng Omicron xuất hiện nhưng họ đã mở cửa quốc tế trở lại mặc dù số ca mắc cao nhưng số tử vong thấp”.
Xét về vấn đề miễn dịch sẽ suy giảm sau mấy tháng tiêm vaccine, người dân có nên bổ sung tiếp tục mũi thứ 4 hay không, đặc biệt là trước biến chủng Omicron có thể xuất hiện trong cộng đồng. Các chuyên gia cho rằng, không nên tiêm mũi thứ 4 vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng tự sinh miễn dịch của cơ thể.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Theo tôi, tiêm mũi vaccine thứ 4 hoặc thứ 5 hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất với nhau về hiệu quả của nó. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Y tế Châu Âu (EMA) khuyến nghị không nên dùng tiêm mũi thứ 4, nếu tiêm mũi thứ 4 sẽ gây suy kiệt tế bào T, từ đó dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch của cơ thể trước COVID-19”.
Nhưng TS Dũng cũng nhấn mạnh rằng, với những người có bệnh lý nền, người lớn tuổi thì cần được tiêm bổ sung mũi nhắc lại và tăng cường, bởi những nhóm đối tượng này cơ thể vốn không đạt miễn dịch tự nhiên nên cần tiêm bổ sung. Và chìa khóa vàng quan trọng nhất giúp TPHCM ổn định tình hình dịch tễ vẫn là 5k và phủ rộng vaccine ngừa COVID-19. Thực hiện tiếp tục, chiến lược bảo vệ người có nguy cơ cao trước mọi biến chủng của COVID-19.